Chanh dây (hay còn gọi là chanh leo) là quả của cây Passiflora, một loại hoa thuộc chi Lạc tiên. Nó có lớp vỏ bên ngoài cứng, bao bọc một lớp hạt bên trong. Có nhiều giống chanh dây khác nhau về kích thước và màu sắc, trong đó các giống màu tím và vàng là loại phổ biến nhất.
Nhà dinh dưỡng học Li Wanping người Đài Loan cho biết, chanh dây có thể tăng cường hệ thống miễn dịch, bảo vệ mắt và da, đồng thời có nhiều chất xơ phù hợp ăn kiêng. Hai quả chanh dây cỡ vừa có thể bằng ba bát bắp cải, không chỉ giúp xử lý vi khuẩn trong ruột mà còn có thể làm tăng cảm giác no. Ngoài ra, nghiên cứu còn phát hiện ra rằng ăn chanh dây có thể cải thiện độ nhạy insulin và làm chậm quá trình tăng lượng đường trong máu.
Quả chanh leo. (Ảnh minh họa).
Giá trị của chanh dây
Chuyên gia dinh dưỡng Li Wanping chia sẻ trong chương trình, chanh dây không chỉ chứa protein, canxi, magie và vitamin C mà còn có hàm lượng ion kali và vitamin A cao, hàm lượng sắt cũng khá tốt. Bà cho rằng vitamin A và C là những chất dinh dưỡng quan trọng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp cải thiện khả năng chống cảm lạnh, cảm cúm hoặc các bệnh truyền nhiễm thông thường khác. Vitamin A trong quả còn duy trì chức năng bình thường của các tế bào biểu mô, bảo vệ da, duy trì thị lực bình thường.
Khi nói đến chất xơ, Li Wanping cho biết nếu ăn những quả chanh dây cỡ vừa, mỗi quả nặng khoảng 70 gam, bạn có thể nhận được khoảng 3,2 gam chất xơ, "tương đương với 3 bát bắp cải". Như vậy, quả có thể thúc đẩy chức năng nhu động của đường tiêu hóa, nuôi dưỡng vi khuẩn tốt trong ruột và tăng cảm giác no.
Người bị đường huyết cao có ăn được chanh dây không?
Li Wanping trả lời "Có!". Cô khẳng định, xét về giá trị GI (chỉ số đường huyết) và giá trị GL (tải lượng đường huyết), tài liệu nghiên cứu chỉ ra rằng hai giá trị này trong chanh dây thấp hơn, đại diện cho tốc độ tăng lượng đường trong máu sau khi ăn sẽ chậm hơn và ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu hơn. Ngoài ra, một số tài liệu còn đề cập rằng các thành phần có trong chanh dây có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, do hàm lượng chất xơ cao.
Món ăn ngon làm từ chanh dây. (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, một bài báo đăng trên tạp chí "Hóa học thực phẩm" cho thấy chất xơ có trong hạt chanh dây có thể ức chế đáng kể hoạt động amylase và làm chậm quá trình hấp thụ glucose, điều này có thể hữu ích trong việc kiểm soát lượng đường trong máu sau bữa ăn. Một nghiên cứu khác về bột vỏ chanh dây cho thấy khi dùng bột này làm thuốc hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, có thể làm giảm tình trạng kháng insulin.
Bất chấp kết quả nghiên cứu nêu trên, Li Wanping vẫn nhắc nhở bệnh nhân tiểu đường không nên ăn chanh dây một cách vô tội vạ. Nên tuân thủ khẩu phần ăn khoảng 2 quả chanh dây, tối đa không quá 4-6 quả mỗi ngày và không được ăn các loại trái cây khác cùng lúc, cần chia đều giữa các bữa ăn để tránh lượng đường trong máu tăng cao.
Chọn chanh dây như thế nào?
Li Wanping chia sẻ 2 điểm quan trọng khi chọn chanh dây:
- Nhìn bề ngoài: Quả chín có vỏ mịn, màu sẫm hơn, đạt đến màu đỏ tím thì ngon hơn. Ngoài chanh dây truyền thống, có thể mua loại chanh dây vàng, hương vị thơm ngon, dinh dưỡng cũng không kém. Bạn có thể chọn quả khô nhẹ, vừa kinh tế, vừa ngọt hơn.
- Cân nặng: So sánh hai quả chanh leo có kích thước tương tự nhau, quả nào nặng hơn nghĩa là nước trái cây nhiều hơn và cùi đầy hơn.