Loại quả tế bào ung thư rất sợ, có thể chín 2 lần, thấy điểm này thì mua về ăn, không lo nhiễm hóa chất

Google News

Các nghiên cứu chỉ ra, khả năng chống oxy hóa của thanh long không đặc biệt cao nhưng được cho là tốt nhất trong việc bảo vệ một số axit béo khỏi tác hại của các gốc tự do. Trong đó, carotenoids (beta-carotene và lycopene) trong thanh long có khả năng chống lại tế bào sản sinh ung thư.

Thường xuyên ăn thanh long có thể ngừa tiểu đường, chống lại tế bào sản sinh ung thư

Thanh long là loại quả được trồng nhiều ở nước ta, nhất là tại tỉnh Bình Thuận. Hiện nay, ngoài thanh long ruột trắng, còn có thanh long ruột đỏ. 

Theo BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trên thế giới có khoảng 140 loài thanh long khác nhau và ngày càng trở nên phổ biến. Điều đặc biệt, loại quả này là có hàm lượng calo thấp, giàu chất xơ và chất chống oxy hóa, có thể ăn trực tiếp, làm sinh tố, làm nguyên liệu nấu chè, làm mứt… Hiện nay, quả thanh long còn được sử dụng trong ngành chế biến thực phẩm như làm mì tôm, bánh mì… 

Cây thanh long được trồng nhiều ở nước ta, nhất là tại tỉnh Bình Thuận. Ảnh minh họa.

Trong Đông y, quả thanh long có vị ngọt, chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khái, hóa đàm. 

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong 100g thanh long có chứa 60g calo, 13g carbohydrate, 1,2g chất đạm, 3g chất xơ, giàu vitamin C, B1, B2, B3 và các chất khoáng như sắt, canxi và phốt pho, đặc biệt nó không chứa chất béo. Ngoài ra, thanh long cũng chứa một số loại chất chống oxy hóa như polyphenol, carotenoid, vitamin C…. Đây là những hợp chất bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do gây các bệnh mạn tính và lão hóa.

Bác sĩ Vũ cho biết, một nghiên cứu đã so sánh các đặc tính chống oxy hóa của 17 loại trái cây và quả mọng nhiệt đới. Kết quả cho thấy khả năng chống oxy hóa của thanh long không đặc biệt cao nhưng được cho là tốt nhất trong việc bảo vệ một số axit béo khỏi tác hại của các gốc tự do. Trong đó, carotenoids (beta-carotene và lycopene) trong thanh long có khả năng chống lại tế bào sản sinh ung thư.

Thanh long là nguồn thực phẩm giàu chất xơ. Chất xơ cũng có thể góp phần tăng cường sức khỏe tim mạch, quản lý bệnh tiểu đường type 2 và duy trì trọng lượng cơ thể. Đồng thời, giúp hỗ trợ cải thiện hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón, hội chứng ruột kích thích, bổ sung sắt và magie cho cơ thể.

Quả thanh long có thể chín 2 lần, gọi là “thanh long 2 da”

Bà Nguyễn Thuần (60 tuổi) là người trồng thanh long quanh lâu năm ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Bà cho biết, thanh long là quả rất dễ bị sâu bệnh, các loại nấm, ốc sên… tấn công nên phải thường xuyên chăm sóc, tưới nước, xịt thuốc trừ sâu để bảo vệ. Vì điều này, thanh long bị mang tiếng là quả thuộc nhóm chứa nhiều hóa chất. 

Những quả thanh long 2 da. Ảnh: Diệu Thuần.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, tình trạng rau củ quả còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật là do trong quá trình canh tác các loại rau củ quả bị sâu bệnh nên người dân phải sử dụng hóa chất. Tuy nhiên, sau khi phun, người sản xuất không tuân thủ thời gian cách ly theo đúng quy định vì thế thuốc bảo vệ thực vật còn tồn tại trong rau củ quả, với thanh long cũng vậy. 

Phó giáo sư Thịnh khuyến cáo, cách tốt nhất với người dân là khi mua rau củ quả về luôn luôn phải rửa sạch, có thể gọt bỏ vỏ nhằm loại bớt chất bảo vệ thực vật nếu có.

Bà Thuần cho biết, quả thanh long có một đặc điểm rất ít người biết là nó có thể chín 2 lần. Người dân trồng thanh long lâu năm gọi những quả này là thanh long 2 da và chỉ những người hiểu biết về quả này mới biết. Theo đó, quả thanh long chín lần thứ nhất da sẽ có màu đỏ, tai màu xanh, ăn sẽ có vị chua chua ngọt ngọt. Với những quả vừa chín tới, hái ăn ngay sẽ có vị chua rất đặc trưng.

Với những quả thanh long chín lần 1, nếu người trồng không hái xuống, để trên cây trong khoảng 2 tuần đến 1 tháng nó sẽ xanh trở lại và tiếp tục chín lại lần 2. Những quả này vỏ sẽ dày, cứng, màu xanh. Ruột của quả ăn giòn ngọt và có mùi thơm rất đặc trưng. “Những quả thanh long này có vỏ dày, chắc và ít bị sâu bệnh tấn công, nên cũng không bị phun thuốc bảo vệ thực vật”, bà Thuần chia sẻ. 

Tuy nhiên, thanh long 2 da thường ít có trên thị trường, vì nó đòi hỏi nhiều thời gian, năng suất không hiệu quả. Một phần, những quả thanh long này vỏ không đẹp, khó xuất khẩu, nên người dân địa phương chỉ để ăn, mang đi biếu.

Theo bác sĩ Vũ, thanh long ruột đỏ thường nhiều đường hơn thanh long ruột trắng. Ảnh minh họa.

Lưu ý khi ăn thanh long

Theo bác sĩ Vũ, dù quả thanh long có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng cũng cần lưu ý như sau:

- Người bệnh tiểu đường chỉ nên ăn 2 phần thanh long/ngày, mỗi phần khoảng 120g.

- Những người thường bị lạnh bụng, đi tiêu phân lỏng, đầy bụng, không nên ăn thanh long.

- Phụ nữ không nên ăn thanh long trong chu kỳ kinh nguyệt.

- Thanh long chứa nhiều đạm thực vật, phụ nữ mang thai dễ bị dị ứng nên cân nhắc trước khi ăn.

- Không nên ăn quá nhiều thanh long ruột đỏ vì sẽ khiến cho phân và nước tiểu có màu đỏ sẫm, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

DIỆU THUẦN

Bình luận(0)