Loại quả được mệnh danh là "kim cương đỏ", giá rẻ như cho bán đầy chợ Việt nhưng cực tốt, kéo dài tuổi thọ

Google News

Không chỉ có thể làm thuốc giảm đau, làm thức ăn bốn mùa, loại quả này còn có khả năng chữa can thận âm suy, lưng gối yếu mỏi, hoa mắt, nhức đầu, mắt kém, di tinh,... Đã vậy, giá lại rẻ như cho, bán đầy chợ Việt, ai cũng có thể mua được.

Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội cho hay, kỷ tử là vị thuốc phổ biến trong Đông y, được mệnh danh là “kim cương đỏ”, tác dụng kéo dài tuổi thọ.

Trong y học cổ truyền, kỷ tử vị ngọt, tính bình và tác dụng dưỡng can, minh mục, bổ thận, ích tinh, tráng dương, nhuận phế. Người dân có thể sử dụng kỷ tử làm thuốc bổ, chữa hư lao, đau lưng mỏi gối, di tinh, ra nhiều nước mắt, mắt mờ, tiểu đường.

Theo y học hiện đại, kỷ tử chứa betain, 8-10% axit amin, vitamin B1, B3, vitamin C, carotene, riboflavin. Kỷ tử còn chứa nhiều tinh dầu và các nguyên tố vi lượng như phốt pho, canxi, sắt.

Dưới đây là một số tác dụng của loại quả "kim cương đỏ" này cũng như gợi ý một số cách sử dụng.

Tác dụng của kỷ tử 

- Hỗ trợ chức năng thận và bảo vệ mô thận

Trong y học cổ truyền, kỷ tử từ lâu đã được biết đến như một thảo dược quý giúp cải thiện chức năng thận. Nhờ chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa như: beta-carotene, zeaxanthin, kỷ tử có khả năng bảo vệ mô thận khỏi tổn thương do gốc tự do gây ra. Giúp ngăn ngừa và làm giảm các vấn đề liên quan đến suy giảm chức năng thận.

Kỷ tử là thảo dược quý giúp cải thiện chức năng thận. (Ảnh minh họa).

- Giảm viêm và hỗ trợ hệ miễn dịch

Các hợp chất chống viêm mạnh mẽ trong kỷ tử, đặc biệt là polysaccharide, giúp giảm viêm và hỗ trợ hệ miễn dịch. Khi thận gặp tình trạng viêm, quá trình lọc máu và loại bỏ độc tố sẽ bị ảnh hưởng. Nhờ vào tính năng kháng viêm tự nhiên, kỷ tử giúp giảm thiểu áp lực cho thận, cải thiện chức năng lọc, đồng thời, duy trì sức khỏe thận.

- Tăng cường năng lượng 

Nhờ giàu vitamin C, kỷ tử giúp tăng cường năng lượng và giảm mệt mỏi. Vitamin C cũng là một chất chống oxy hóa quan trọng, bảo vệ tế bào khỏi sự lão hóa sớm và duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Đặc biệt, việc sử dụng kỷ tử đều đặn còn giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, nâng cao sức đề kháng cũng như giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.

- Hỗ trợ kiểm soát đường huyết

Đối với những người có nguy cơ bị tiểu đường, kỷ tử có thể giúp ổn định lượng đường huyết nhờ vào tác dụng làm chậm quá trình hấp thụ đường trong máu. Đường huyết ổn định giúp giảm áp lực lên thận, ngăn ngừa nguy cơ suy thận do tiểu đường.

- Bổ sung chất chống oxy hóa và ngăn ngừa tổn thương tế bào

Ngoài dưỡng thận, nhờ vào hàm lượng cao chất chống oxy hóa như: beta-carotene, vitamin E và vitamin C, kỷ tử còn bảo vệ các tế bào trong cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do. Điều này không chỉ tốt cho sức khỏe tổng thể mà còn giúp duy trì làn da trẻ trung, ngăn ngừa lão hóa và bảo vệ sức khỏe tim mạch.

3 cách ăn kỷ tử giúp bổ thận

- Trà kỷ tử

Để pha một tách trà kỷ tử đơn giản, bạn cần 2 thìa kỷ tử khô và 1 lít nước. Đun nước sôi, cho kỷ tử vào ấm, đậy nắp và ủ trà trong khoảng 10-15 phút để kỷ tử nở mềm và tiết ra vị ngọt tự nhiên. Khi uống, bạn có thể thêm một chút mật ong để tạo vị ngọt dịu nhẹ.

Trà kỷ tử dễ pha nhưng có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa).

- Gà hầm kỷ tử

Bạn chuẩn bị khoảng 100 gram thịt gà (có thể dùng phần đùi hoặc ức), 20 gram kỷ tử, 1 củ hành khô và 1 nhánh gừng. Sau khi cắt thành miếng vừa ăn, luộc sơ để loại bỏ bọt và mùi hôi. Tiếp theo, đun sôi nồi nước mới, cho thịt gà vào cùng gừng và hành khô đã đập dập. Đun khoảng 20-30 phút cho đến khi gà chín mềm, sau đó thêm kỷ tử vào nấu thêm 10 phút nữa và nêm nếm cho vừa ăn.

- Cháo kỷ tử

Để làm món cháo kỷ tử, bạn cần 50g gạo trắng hoặc gạo nếp, 20g kỷ tử và 500ml nước. Rửa sạch gạo và ngâm trong 30 phút. Sau đó, đun sôi nước, thêm gạo vào, hạ nhỏ lửa, nấu đến khi gạo nhừ và nước cháo sánh lại. Thêm kỷ tử vào, đun thêm khoảng 5-10 phút để kỷ tử mềm, thấm vị cháo. Món cháo kỷ tử mềm mịn, dễ ăn, rất tốt cho sức khỏe.

AN THANH

Bình luận(0)