Ở các làng quê Việt Nam, cây đinh lăng là hình ảnh quen thuộc, mọc nhiều nơi. Những năm gần đây, cây đinh lăng cũng được trồng làm cảnh ở thành phố.
Lá đinh lăng được biết đến là thứ lá gia vị trong nhiều món ngon nổi tiếng, có thể làm rau sống ăn kèm trong món thịt chua Phú Thọ, món gỏi cá, hay bánh tráng cuốn thịt heo... Đinh lăng còn là 1 trong 9 vị rau rừng Tây Ninh ăn kèm với bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, bánh canh Tây Ninh nổi tiếng. Ở miền Tây, đinh lăng cũng được ăn kèm bánh xèo… Loại lá dùng để ăn là lá non, có mùi vị thơm đặc trưng, vị chát đắng nhẹ nhưng càng nhai trong miệng lại càng thấy vị bùi và cay nồng.
Lá đinh lăng được bán ở thành phố, có nhiều tác dụng với sức khỏe
"Nên chọn loại lá đinh lăng nhỏ có nhiều răng cưa vì sẽ có mùi thơm hơn, khi ăn cùng gỏi cá sẽ tạo mùi vị hấp dẫn và khử vị tanh. Mặc dù đinh lăng có nhiều ở các vùng quê song đối với thành phố, nó dường như vẫn còn rất ít nhưng số lượng người có nhu cầu mua lá đinh lăng thì nhiều. Ở các cửa hàng bán rau tại chợ cũng bán lá đinh lăng nhưng phải mua sớm, nếu ra chợ muộn sẽ không còn nữa. Có lần tôi mua được con cá diêu hồng tươi ngon, nhưng đi khắp chợ không mua được lá đinh lăng để về hấp. Hôm đó, tôi đành phải hấp cùng sả và dưa chua", anh Thành (ở Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.
Anh Thành cho biết lá đinh lăng có rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nên mỗi tuần anh vẫn tìm mua 1-2 lần để nấu canh.
Đây được xem là thứ lá gia vị có mùi đặc trưng trong các món đặc sản nổi tiếng như thịt chua Phú Thọ, bánh tráng Trảng Bàng
Chị Lan Anh (ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Xưa quê mình nhà nào hầu như cũng trồng cây đinh lăng. Nó được coi là nhân sâm của nhà nghèo bởi chữa được rất nhiều bệnh lý và tốt cho sức khỏe. Gần đây, loại cây này bỗng dưng được ưa chuộng nhiều hơn bởi người thành phố bắt đầu “quay ngược” thời gian, muốn ăn và uống nước từ lá đinh lăng".
Ngoài làm gia vị trong các món ăn, nhiều người còn đun nước đinh lăng để uống. Nhiều chị em cũng mua lá đinh lăng tươi về phơi khô để lót gối hoặc trải giường cho con nằm ngủ để tạo mùi thơm, chống giật mình và giúp giấc ngủ tốt.
Ở chợ truyền thống hay chợ chung cư, lá đinh lăng được bán với giá lên tới 90.000 đồng/kg. Nhiều nơi còn bán lá đinh lăng khô pha trà, rễ đinh lăng để ngâm rượu hoặc cây giống đinh lăng trồng làm cảnh.
Các nhà khoa học đã tìm thấy trong đinh lăng có các loại alkaloid, glucosid, saponin, flavonoid, tanin, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6, các axit amin (bao gồm lycin, cystein và methionin) và nhiều nguyên tố vi lượng khác. Trong lá đinh lăng còn có saponin triterpen, một genin đã xác định được là axit oleanolic.
Theo đó, lá đinh lăng có tác dụng sau: làm thuốc bổ, có tác dụng tăng cân trên người và động vật; tăng hiệu lực của cloroquin trong điều trị sốt rét thực nghiệm trên động vật; tăng co bóp tử cung và tăng tiết niệu; an thần, ít độc; có tác dụng nội tiết kiểu estrogen...