Cây mít được trồng phổ biến khắp nước ta, có rất nhiều loại như mít mật, mít dai, miền Nam còn có loại mít tố nữ. Theo Y học cổ truyền, toàn bộ cây mít đều có thể ăn và dùng làm thuốc. Tuy nhiên, lâu nay, chúng ta chỉ ăn thịt múi mít, hột mít hay trái mít lúc non. Còn lá mít thì để rụng đầy vườn, không ai ngó đến.
Trong Y học cổ truyền, toàn bộ cây mít có thể ăn và dùng làm thuốc. Ảnh minh họa.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong 100g lá mít chứa 194mg kali, 28mg natri, 1,4g protein, 9,2mg vitamin C và nhiều loại vitamin, khoáng chất khác. Nhờ những thành phần dinh dưỡng này, lá mít được chứng minh có nhiều thành phần tốt cho sức khỏe.
Trong đông y, lá mít được coi là một vị thuốc có mùi thơm, không độc, có tác dụng chữa nhiều bệnh, đặc biệt là tắc tia sữa.
Bác sĩ Hoàng Xuân Đại, chuyên khoa Y học cổ truyền, cho biết lá mít là bộ phận thường được dùng làm thuốc. Lá mít non hoặc già có thể được đun sôi lấy nước dùng chữa ăn uống không tiêu, thiếu sữa, trị tiêu chảy... Ngoài ra, lá mít còn được dùng chữa tưa lưỡi hay tiểu cặn trắng ở trẻ, giúp giảm sưng và đau với những nốt mụn nhọt.
Kiểm soát nhịp tim và huyết áp
Kali là một chất điện giải quan trọng giúp điều hòa nhịp tim và huyết áp. Trong lá mít chứa nhiều kali, thường xuyên sử dụng sẽ giúp giảm huyết áp và duy trì nhịp tim ổn định.
Không chỉ có nhiều tác dụng về mặt sức khoẻ, món bánh lá mít còn là một đặc sản nổi tiếng ở Cần Thơ. Ảnh minh họa.
Hỗ trợ ổn định đường huyết
Một số nghiên cứu chỉ ra, lá mít có thể giúp cải thiện độ nhạy của tế bào với insulin, hormone chịu trách nhiệm đưa đường từ máu vào tế bào để sử dụng năng lượng. Điều này giúp giảm lượng đường trong máu và ngăn ngừa kháng insulin, một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường. Ngoài ra, lá mít cũng có thể làm chậm quá trình hấp thu đường từ ruột vào máu, giúp ngăn ngừa sự tăng đột biến lượng đường trong máu sau bữa ăn.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Lá mít chứa một lượng đáng kể chất xơ, bao gồm cả chất xơ hòa tan và không hòa tan giúp kích thích nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón. Lá mít chứa các hợp chất có tác dụng kháng viêm, giúp làm dịu niêm mạc dạ dày và ruột, giảm các triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng và các bệnh viêm ruột khác.
Giúp thanh nhiệt, giải độc
Lá mít có thể có tác dụng lợi tiểu nhẹ, giúp tăng cường quá trình đào thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu. Các chất chống oxy hóa như flavonoid và tanin dồi dào trong lá mít, giúp trung hòa các gốc tự do gây hại cho tế bào, bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các độc tố từ môi trường và quá trình chuyển hóa.
Gan là cơ quan quan trọng trong quá trình giải độc của cơ thể. Lá mít có thể giúp hỗ trợ chức năng gan, tăng cường khả năng lọc và thải độc của gan. Bạn có thể sử dụng lá mít tươi hoặc khô để pha trà uống hàng ngày.
Ngăn ngừa lão hóa
Lá mít chứa nhiều chất chống oxy hóa như flavonoid, vitamin C, tanin và phenolic. Các chất này giúp trung hòa các gốc tự do, những phân tử không ổn định gây tổn thương tế bào và đẩy nhanh quá trình lão hóa. Bằng cách chống lại các gốc tự do, lá mít giúp bảo vệ da khỏi nếp nhăn, vết chân chim và các dấu hiệu lão hóa khác.
Thường xuyên uống nước lá mít có tác dụng tốt với sức khỏe. Ảnh minh họa.
Những lưu ý khi dùng lá mít
- Dù lá mít chứa các chất có thể tốt cho tim mạch, huyết áp, nhưng không nên coi lá mít là phương pháp thay thế cho các thuốc điều trị huyết áp và các bệnh tim mạch. Nếu bạn có vấn đề về tim mạch hoặc huyết áp, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng lá mít hoặc bất kỳ loại thảo dược nào khác.
- Lá mít không phải là thuốc chữa bệnh tiểu đường. Nó chỉ có thể được sử dụng như một liệu pháp hỗ trợ bên cạnh chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý.
- Đối với việc dùng lá mít chữa tắc tia sữa thì chỉ nên áp dụng với những trường hợp nhẹ, không tác dụng với những trường hợp bị tắc tia sữa nặng.