Lo lắng về cân nặng, lượng calo trong thức ăn là dấu hiệu của một căn bệnh hay thường gặp, nhất là ở phụ nữ

Google News

Trong thời đại mà ý thức về ngoại hình và sức khỏe trở thành tiêu chí quan trọng, nỗi lo lắng về cân nặng hay calo đã trở thành thói quen hàng ngày của nhiều người. Những bận tâm này đôi khi còn là dấu hiệu của chứng rối loạn ăn uống.

Rối loạn ăn uống là gì?

Rối loạn ăn uống (Eating Disorders) là các rối loạn tâm lý đặc trưng bởi hành vi ăn uống bất thường, có sự ám ảnh về ngoại hình, cân nặng. Rối loạn ăn uống không phải là một lựa chọn về lối sống mà nó thực sự là căn bệnh nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu các hành vi rối loạn trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc của người bệnh.

Các rối loạn ăn uống bao gồm:

- Chán ăn tâm thần (Anorexia Nervosa): người bệnh giảm lượng thức ăn tiêu thụ, hạn chế ăn nghiêm ngặt hoặc chỉ ăn một số lượng rất nhỏ các loại thực phẩm nhất định. Họ cũng có thể tự cân mình nhiều lần, ngay cả khi thiếu cân một cách nguy hiểm, họ vẫn thấy mình thừa cân.

- Cuồng ăn (Bulimia Nervosa): người bệnh ăn uống quá mức trong thời gian ngắn, sau đó có xu hướng tìm cách loại bỏ lượng thức ăn đã tiêu thụ bằng cách nôn mửa hoặc sử dụng thuốc xổ, thuốc lợi tiểu.

- Rối loạn ăn uống không kiểm soát (Binge Eating Disorder): đây là dạng rối loạn khiến người bệnh thường xuyên ăn uống không kiểm soát, dẫn đến cảm giác hối hận hoặc xấu hổ ngay sau khi ăn.

Chán ăn tâm thần có tỷ lệ tử vong cao hơn các bệnh tâm thần khác. (Ảnh minh họa).

Dấu hiệu nhận biết chứng rối loạn ăn uống

Rối loạn ăn uống thường xuất hiện ở tuổi teen và thanh niên, phổ biến hơn ở các bé gái và phụ nữ. Tuy chưa thể xác định nguyên nhân chính xác, nhưng rối loạn ăn uống thường đi kèm với các vấn đề tâm lý như: lòng tự trọng, trầm cảm, lo âu, khó kiểm soát cảm xúc và lạm dụng chất kích thích.

Với một số người, việc ám ảnh về ăn uống là cách để họ kiểm soát một phần cuộc sống của mình. Ban đầu có thể chỉ là thay đổi nhỏ trong ăn uống, nhưng dần dần hành vi này có thể trở nên mất kiểm soát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Nếu không được chữa trị, rối loạn ăn uống có thể gây ra hậu quả lâu dài cho sức khỏe.

Người mắc rối loạn ăn uống thường giấu kín hành vi không lành mạnh của mình, nên rất khó phát hiện, nhất là trong giai đoạn đầu. Ngoại hình không phải lúc nào cũng cho thấy ai đó đang mắc chứng rối loạn ăn uống.

Dấu hiệu ban đầu của chứng rối loạn ăn uống rất khó phát hiện, không thể đánh giá qua hình dáng bên ngoài. (Ảnh minh họa).

Một số dấu hiệu thường gặp có thể kể đến như:

Kiểm soát lượng calo nghiêm ngặt

Người mắc rối loạn ăn uống thường xuyên ám ảnh với việc đếm lượng calo và cân nặng đến mức từng bữa ăn đều phải tuân thủ nghiêm ngặt. Họ có thể cảm thấy căng thẳng và lo âu nếu không đạt đúng lượng calo đã đề ra hoặc ăn những món ngoài dự định.

Ám ảnh về cân nặng và hình dáng cơ thể

Người bị rối loạn ăn uống thường xuyên kiểm tra cân nặng và dành phần lớn thời gian suy nghĩ về cách duy trì vóc dáng. Người bệnh có thể cảm thấy xấu hổ hoặc mất tự tin chỉ vì cân nặng tăng lên chút ít.

Kiêng khem khắt khe, loại bỏ nhiều thực phẩm

Nhiều người mắc rối loạn ăn uống tránh ăn tất cả các loại thực phẩm mà họ cho là "không lành mạnh" hoặc liên tục thử các chế độ ăn kiêng khắt khe. Những chế độ ăn kiêng này thường thiếu dinh dưỡng và có thể gây hại về lâu dài.

Kiểm soát cân nặng cực đoan

Việc lạm dụng các biện pháp như: nhịn ăn kéo dài, ép buộc nôn, sử dụng thuốc giảm cân, thuốc lợi tiểu một cách không kiểm soát hoặc tập thể dục quá mức để đốt cháy calo ngay sau khi ăn cũng là dấu hiệu cảnh báo.

Ám ảnh về cân nặng, thức ăn và lượng calo được cho là những dấu hiệu ban đầu của rối loạn ăn uống. (Ảnh minh họa).

Hậu quả của chứng rối loạn ăn uống 

Suy dinh dưỡng: việc ăn kiêng quá mức và thiếu hụt chất dinh dưỡng kéo dài khiến người bệnh thiếu hụt vitamin và khoáng chất thiết yếu, làm suy giảm chức năng miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh như suy nhược, thiếu máu, hạ đường huyết.

Rối loạn kinh nguyệt: ở phụ nữ, rối loạn ăn uống có thể dẫn đến mất kinh hoặc chu kỳ kinh nguyệt không đều do thiếu năng lượng cho cơ thể. Thiếu hụt chất béo lành mạnh và vi chất làm rối loạn hormone, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

Ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng: khi cơ thể thiếu dinh dưỡng và chất béo, các cơ quan nội tạng như: tim, gan, thận có nguy cơ suy giảm chức năng, gây ra bệnh lý như suy tim, suy thận hay gan nhiễm mỡ. Đặc biệt, Bulimia Nervosa có thể dẫn đến hạ kali máu, gây rối loạn nhịp tim nguy hiểm.

Ảnh hưởng đến xương khớp: người mắc rối loạn ăn uống dễ thiếu canxi và vitamin D, dẫn đến giảm mật độ xương, làm tăng nguy cơ loãng xương, dễ gãy xương. Các chấn thương cơ xương khớp cũng dễ xảy ra khi tập luyện quá mức mà không bổ sung dinh dưỡng đủ.

Kiêng khem khắc nghiệt về chế độ ăn uống có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. (Ảnh minh hoạ).

Để tránh rơi vào tình trạng rối loạn ăn uống, mọi người nên tập trung vào sức khỏe tổng thể thay vì chỉ chú trọng số đo hay lượng calo. Những thói quen như ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng, duy trì hoạt động thể chất vừa phải, tránh xa các chế độ ăn kiêng quá khắc nghiệt và hạn chế sử dụng mạng xã hội để so sánh bản thân với người khác là các bước quan trọng để ngăn ngừa chứng rối loạn ăn uống.

AN THANH

Bình luận(0)