Hàng ngàn người dân ở Sài Gòn đến chùa dâng hương, nghẹn ngào nhớ về cha mẹ mùa Vu Lan báo hiếu

Google News

Trong thời gian diễn ra lễ Vu Lan báo hiếu, rất đông người dân đã đến chùa dâng hương cầu bình an, may mắn cho gia đình, thể hiện lòng biết ơn và tri ân công lao dạy dỗ của cha mẹ.

Dịp lễ Vu Lan hằng năm nhắc nhở mỗi người về lòng hiếu thảo, công ơn nuôi nấng của cha mẹ. Vào khoảng thời gian này, các tăng ni, Phật tử, người dân trên khắp mọi miền đất nước đều tập trung tại các chùa, tu viện để tham gia các nghi lễ, nghe thuyết giảng về Phật pháp để hiểu tinh thần đạo hiếu và thực hiện nghi thức thiêng liêng - cài hoa lên ngực áo.

Ghi nhânj tại chùa An Lạc (TP. Thủ Đức), rất đông người dân để chuẩn bị cho buổi thuyết pháp và dâng hương, dâng đèn cầu an. Có những gia đình nhiều thế hệ cùng đến tham gia hay các bạn trẻ tranh thủ sắp xếp thời gian ghé chùa dâng hoa lên Đức Phật, tưởng nhớ về công lao nuôi dưỡng của ông bà, cha mẹ.

Các Phật tử đến chùa từ sớm để tham gia vào lễ Vu Lan báo hiếu.

Tất cả hoa, hương và đèn hoa đăng tại chùa đều được chuẩn bị để các Phật tử thực hành nghi lễ. 

Trong tâm thức mỗi người Việt, lễ Vu Lan là cơ hội cho người làm con thể hiện tấm lòng hiếu thảo bằng cách hướng tâm cha mẹ về nương tựa Tam Bảo. 

Tại buổi lễ thiêng liêng, ấm cúng, các vị chư tăng và hàng nghìn Phật tử cùng nhau đọc kinh, nhằm hồi hướng công đức cho người thân trong gia đình. Nhiều người không cầm được nước mắt, bật khóc khi nhớ đến hình ảnh người thân quá cố hay chiêm nghiệm bài học về luật nhân quả, cái thiện, cái ác thông qua lời Phật dạy. 

Phật tử không giấu được cảm xúc, rơi nước mắt khi nghe những lời giảng nói về sự hy sinh của cha mẹ, khổ cực mà đấng sinh thành đã trải qua.

Chị Yến Ngân (sống tại TP. Thủ Đức) mắt đỏ hoe trải lòng sau khi thực hiện nghi lễ: “Cứ đến ngày rằm tháng 7, tôi vẫn giữ thói quen đến chùa cầu siêu, cầu an cho người thân. Tôi được đọc những bài thơ, kinh Phật về công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ, những bài học đối nhân xử thế. Tuy từng phải trải qua cảnh âm dương cách biệt, đúng là không có từ ngữ nào miêu tả được nỗi đau này. Thế nhưng, nhờ các buổi thuyết giảng như thế này giúp tôi học ra nhiều điều trong triết lý nhà Phật. Tôi học được chấp nhận buông bỏ và tiếp tục với cuộc sống phía trước”.

Còn chị Thiên Hương (sống tại quận Gò Vấp) cho biết chị đã cùng bạn bè đến chùa từ sớm, thực hiện các nghi thức của buổi đại lễ Vu Lan báo hiếu. “Đối với người theo đạo Phật thì ngày lễ Vu Lan rất thiêng liêng. Vì thời khắc này có thể cầu nguyện cho người thân đã khuất. Bản thân tôi đến chùa để nghe lời Phật dạy, ước nguyện cho cuộc sống bình an, chuyển hoá thân tâm” - chị Hương bộc bạch.

Trong mùa Vu Lan này, chị Hương vẫn chọn cách đến chùa để tìm kiếm sự bình an, thực hiện lối sống chánh niệm, cầu an cho cả gia đình.

Trời bất ngờ đổ mưa nhưng người dân vẫn đến chùa để nghe thuyết giảng, hướng tâm về Phật.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ chọn cách làm công quả, tích đức cho bản thân như hỗ trợ chùa chuẩn bị chu toàn cho ngày đại lễ, xuống bếp phụ các sư thầy, chư tăng đảm đương chuyện bếp núc, điều phối giao thông khu vực cổng chùa. Bạn Kiều Oanh (sinh viên năm 2, trường Đại học Nông Lâm) tâm sự trong những ngày vừa qua tuy rất bận rộn nhưng trong tâm trí lại vui mừng khôn xiết khi giúp chùa tạo nên buổi lễ trang trọng, để quý Phật tử thành tâm khấn cầu, có thể tìm đến sự tĩnh tâm trong cõi Phật.

Lễ Vu Lan - thời điểm để chúng ta cầu nguyện cho người thân đã khuất, đền ơn đáp nghĩa, tri ân công lao của cha mẹ. Dù có khó khăn, xa cách hay điều kiện thời tiết bất lợi, người Việt vẫn cố gắng thực hiện các nghi thức của lễ Vu Lan để thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, mong muốn cho đấng sinh thành nhận được sự bảo vệ, che chở từ các vị thần linh hoặc ước nguyện cho người thân quá cố được siêu thoát và sớm chuyển kiếp thành người… 

TẤN PHƯỚC

Bình luận(0)