Gợi ý 10 món thịt vịt ngon lại dễ làm để chị em trổ tài "diệt sâu bọ" dịp Tết Đoan Ngọ 2024

Google News

Hương vị thơm ngon, hấp dẫn của những món thịt vịt này ai cũng thích. Vì thế, vào Tết Đoan Ngọ, chị em hãy thử làm cho gia đình thưởng thức nhé!

Ở Miền Trung, vào dịp Tết Đoan Ngọ, thịt vịt thường được chế biến thành 3 món phổ biên như vịt luộc, tiết canh, cháo vịt. Tuy nhiên, nếu thích thay đổi khẩu vị, bạn có thể chế biến các món ngon từ vịt như dưới đây:

1. VỊT OM HOA CHUỐI

- Vịt ướp cùng gia vị thêm chút gừng và hành củ, sả. Xào săn cho ngấm gia vị. Sau đó đậy nắp áp suất lại chọn chế độ: "Thịt gia cầm".

- Sau khi kết thúc đợi 3-4 phút cho nồi tự xả bớt hơi thì nhấc van xả lên mở nắp.

- Lúc này cho hoa chuối và quả cà chua vào nấu cùng. Chọn chế độ xào, và nêm nếm cho vừa vị.

- Đun cho hoa chuối mềm ngấm ngon.

- Thêm rau thơm và múc ra tô thưởng thức.

2. VỊT QUAY

- Ướp vịt đã được sơ chế sạch với 1 thìa dầu hào + 1 nước tương + gia vị + bột hành/tỏi/sả/gừng + ớt bột + dầu mè + mật ong + màu điều (không có bỏ qua) + ngũ vị hương.

- Ướp từ 1-2h cho vịt ngấm ngon. Nếu có lá móc mật cho vào ướp cùng thì nướng sẽ thơm hơn.

- Nướng vịt với nồi chiên không dầu. Set 170 độ C trong 20 phút cho chín thịt từ trong.

- Quét sốt ướp nướng tiếp 190 độ 10 phút, lật vịt quét sốt ướp nướng tiếp 190 độ 5 phút. Thời gian tuỳ chỉnh theo trọng lượng vịt và loại nồi.

3. XÔI NGÔ VỊT

- Nấu chín xôi ngô.

- Thịt vịt băm nhỏ ướp với gia vị, hành củ tím băm, hạt tiêu, mắm.

- Phi hành thơm lên và xào thịt vịt thật săn và thơm lên.

- Thái hành để phi hành khô ăn cùng xôi.

Món này ăn ngon mà không sợ béo.

4. VỊT HẤP HOA CHUỐI, HẠT MẮC KHÉN

 Nguyên liệu:

- Vịt 1/2 con

- Hoa chuối thái mỏng (ngâm hoa chuối vào nước có pha chanh/giấm cho không bị thâm)

- Nước dừa tươi 2 chén (không có bỏ qua)

- Sả băm, hành tỏi băm, gừng đập dập

- Hạt nêm, gia vị, hạt mắc khén.

- Nhà không có trẻ con thì cho vào 1-2 trái ớt.

Cách làm:

- Vịt ướp nguyên liệu 1 giờ cho ngấm ngon.

- Dùng lá chuối/lá dong hoặc khay đựng vịt và trộn cùng hoa chuối vào và bọc kín lại.

- Hấp: 1 - 2 tiếng để vịt nhừ mềm ngon.

- Ăn vịt hấp hoa chuối cùng bún hoặc cơm đều ngon.

5. VỊT KHO VỎ QUÝT

Nguyên liệu:

- Nửa con vịt, 4 miếng vỏ quýt khô, lượng gừng vừa đủ, tỏi và hành tím băm vừa đủ, 3 thìa nước tương, 1 thìa hắc xì dầu, nửa thìa muối

Cách làm:

- Vỏ quýt đem ngâm nước, dùng dao cạo sạch phần cùi trắng bên trong nếu không nó sẽ bị đắng. Sau khi ngâm và rửa sạch, bẻ ra thành từng miếng nhỏ. Vịt sau khi làm sạch, chặt miếng vừa ăn. Bạn có thể lọc bỏ bớt mỡ và da vịt.

- Cho nước vào nồi, thêm chút rượu nấu ăn cùng 2 lát vừng vào, sau đó thêm vịt, đun sôi. Vớt sạch bọt, sau đó vớt vịt ra, rửa sạch với nước ấm. Bước chần này giúp vịt đỡ hôi và tanh hơn. 

- Cho một ít dầu vào nồi, (bạn cũng có thể áp chảo mà không cần dầu, vì bản thân vịt sẽ tiết ra nhiều nước và mỡ) Khi nhiệt độ dầu nóng đạt khoảng 50% thì cho hành tỏi băm vào xào cho dậy mùi thơm.  

- Sau đó đổ thịt vịt vào xào, vịt tiết ra nhiều mỡ thì chắt bớt mỡ ra, chiên cho đến khi thịt se lại và săn chắc. Lúc này, thêm một ít nước sôi xâm xấp mặt thịt vịt, thêm nước tương và hắc xì dầu.

- Cho vỏ quýt vào, đậy vung, đun trên lửa lớn cho đến khi sôi rồi hạ nhiệt, đun lửa nhỏ khoảng 40 phút. Nấu cho đến khi vịt chín mềm. Tăng lửa, để nước kho cạn và sệt lại. Nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp. 

- Lưu ý: Trong món này, nếu không có vỏ quýt bạn có thể thay thế bằng chút quế và hoa hồi. Vịt kho vỏ quýt không chỉ thơm nức, mềm ngon mà còn đậm đà ăn với cơm rất tuyệt!

6. TIẾT CANH VỊT TỪ CỦ DỀN ĐỎ

Nguyên liệu:

- Gan vịt 100 gr

- Lòng vịt 300 gr

- Củ dền 1 củ

- Rau quế 50 gr

- Cuống họng heo 300 gr

- Đậu phộng rang 50 gr

- Chanh 1 trái

- Hành tím 2 củ nướng thơm

- Gừng 1 ít nướng thơm

- Bột sương sáo/gelatin 30 gr

- Nước mắm 2 muỗng canh

- Gia vị 

Cách làm:

Làm nhân: Các nguyên liệu như thịt vịt, cuống họng, lòng vịt, gan vịt đem luộc chín. Cuống vịt và thịt vịt băm nhỏ cho vào bát. Lòng vịt thái nhỏ. Gan vịt thái lát mỏng.

Cho phần nước củ dền xay (dùng nước luộc vịt pha hoặc xay cùng) vào nồi, bắc lên bếp, thêm vào 1 muỗng cà phê hạt nêm, 2 muỗng canh nước mắm, 30ml nước lọc, 30gr bột sương sáo, nấu sôi, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.

Đổ phần nước củ dền vào tô nhân rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh đến khi đông lại thì lấy ra. Khi ăn cho thêm đậu phộng rang, 1 ít tiêu và vắt chanh lên rồi thưởng thức.

7. CHÁO VỊT

- Rang gạo tẻ + gạo nếp hơi vàng thơm.

- Rang đậu xanh cà vỏ thơm.

- Ngâm 1 giờ với nước ấm.

- Thịt vịt ướp gia vị, mắm, tiêu và hành khô băm nhỏ.

- Phi thơm hành và cho thịt vịt vào xào thơm.

- Cho gạo đỗ + thịt vịt đã xào + 1 vài lát gừng + nước luộc vịt nếu có vào nồi áp suất, chọn chế độ hầm.

Có thể phi hành ăn với chảo rất ngon. Khi ăn có thể rắc thêm hạt tiêu và ớt bột nếu thích.

8. VỊT HẤP SẢ MUỐI TIÊU

- Vịt làm sạch, rửa với gừng và giấm cho hết hôi

- Ướp vịt với muối trắng và tiêu rang lên cho thơm + sả + gừng + hành + gia vị. Có thể cho thêm 1 ít rễ mùi, lá chanh và vỏ chanh vàng giúp vịt thơm hơn (không có bỏ qua).

- Hấp vịt 30-40 phút tuỳ kích thước vịt.

- Hấp 40 phút thịt vịt chín vừa tới, mềm ngọt bằng nồi chiên hơi nước. Nếu không có bạn dùng cách hấp như bình thường.

- Pha nước chấm vịt: 2 mắm + 1 chanh + 2 nước + 1 đường + tỏi băm + ớt băm.

9. VỊT NƯỚNG CHAO

Nguyên liệu:

- 1 kg vịt

- Gia vị: 1 muỗng canh đường, 1 muỗng canh chao, 1/2 muỗng canh dầu hào, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng nước mắm, ít sa tế, 2 muỗng cà phê dầu màu điều, 1 xíu hạt tiêu, hành và tỏi băm nhỏ

- Rau sống, khế, chuối vừa đủ ăn

- củ quả muối chua

Cách làm:

Vịt sau khi mua về rửa sạch với gừng và muối cho bớt hôi rồi chặt miếng to vừa, khứa vài đường trên miếng thịt vịt.

Sau đó ướp vịt với 1 muỗng canh đường, 1 muỗng canh chao, 1/2 muỗng canh dầu hào, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng nước mắm, ít sa tế, 2 muỗng cà phê dầu màu điều, 1 xíu hạt tiêu, hành và tỏi băm nhỏ. Trộn đều ướp từ 2-3 tiếng.

Rau sống nhặt rồi rửa sạch. Khế rửa sạch thái nhỏ. Chuối bỏ vỏ, bào mỏng, ngâm vào tô nước có vắt chanh, khi ăn thì lấy ra cho khỏi thâm.

Cà, rốt và củ cải trắng gọt vỏ, thái sợi rồi cho giấm, đường trộn đều cho có vị vừa ăn. Thêm ớt nếu thích.

Bạn có thể nướng vịt bằng lò hay trên bếp than tùy thích. Khi nướng thỉnh thoảng lật để thịt vịt chín đều, không bị cháy. Ngoài ra, cứ vài phút lại quết nước ướp thịt vịt lên cho ngấm thêm gia vị và vịt thơm hơn.

Khi thấy thịt vịt có màu vàng ruộm, hoặc hơi vàng đỏ sậm là vịt nướng chao chín. Bạn cũng có thể chọc thử đũa vào, thấy thịt vịt không chảy nước hồng ra là được.

10. VỊT NƯỚNG GIẢ CẦY

Nguyên liệu:

- 1 con vịt xiêm

- Riềng, sả, ớt, tỏi, hành tím

- Mắm tôm

- Mẻ

- Rau thơm, lá mơ ăn kèm

- Gia vị: mắm, đường, hạt nêm, bột nghệ

 Cách làm:

- Vịt rửa sạch, khò cho vàng lớp da bên ngoài để tạo mùi thơm.

- Dùng dao sắc lóc hết xương vịt ra để lấy thịt.

- Lấy thịt vịt ướp với gia vị gồm có riềng, sả, ớt, hành tỏi xay nhuyễn cùng với mắm tôm, mẻ, mắm, đường, hạt nêm, bột nghệ. Lượng gia vị bạn định lượng theo khẩu vị của gia đình.

- Ướp thịt trong 30 phút đến 1 tiếng.

- Hết thời gian ướp, cho thịt vịt vào nồi chiên không dầu, set nhiệt độ 180 độ C trong 30 phút. Có thể nướng thêm 10 phút với nhiệt 220 độ C để da vàng hơn. 

- Pha nước chấm: Trộn đều sả xắt mỏng, mắm tôm, đường, ớt, và nước cốt tắc.

- Vịt chín thái miếng vừa ăn, ăn kèm với nước chấm từ mắm tôm và rau thơm, lá mơ. Vịt nướng giả cầy cũng có thể ăn kèm bún rất hấp dẫn.

Chúc các bạn thành công!

MINH NGỌC

Bình luận(0)