Gặp "thầy giáo" sáng đi làm công nhân, tối về đứng bục giảng, mở lớp học 0 đồng cho trẻ em nghèo ở Sài Gòn

Google News

Thấu hiểu tình cảnh của những đứa trẻ sống xung quanh mình, nhìn tụi nhỏ mê con chữ nhưng lại chẳng có tiền đi học phụ đạo để cải thiện điểm số, anh công nhân quyết định mở lớp học 0 đồng, dạy kiến thức cho nhiều thế hệ suốt hơn 14 năm qua.

Nuôi gà vịt để đổi phần thưởng cho học trò

Đi vào con hẻm nhỏ, từ xa đã nghe tiếng giảng bài của thầy Hoàng Trọng Khánh (41 tuổi) dành cho những đứa trẻ xóm lao động nghèo. Mỗi ngày từ thứ 2 - thứ 6, hơn 30 em nhỏ sống tại phường Phước Long B (TP. Thủ Đức) đều đến lớp lúc 18h để cùng thầy Khánh i a học chữ. Thoắt một cái đã 14 năm, "người thầy công nhân" đặc biệt này đã gắn liền với nhiều thế hệ học sinh ở Sài Gòn. 

Cầm trên tay quyển truyện Kính vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thầy Khánh cứ “thao thao bất tuyệt” kể chuyện say mê về nhỏ Hạnh, Quý Ròm và Tiểu Long. Các cô cậu học trò chăm chú lắng nghe, gật gù thích thú vì những mẩu truyện hay cùng bài học nhân văn sâu sắc. 

Hơn hết, trong suy nghĩ của tụi nhỏ, có lẽ nếu không có lớp học này thì sẽ không có cơ hội để ngồi nghe giảng bài, sinh hoạt cùng bạn bè đồng trang lứa và tiếp thu kiến thức hay ho, thú vị nằm ngoài sách giáo khoa.

Hiện tại, thầy Khánh đang làm công nhân của công ty tại TP. Thủ Đức. Sau giờ làm việc, thầy Khánh “biến hình” để đứng trên bục giảng dạy kiến thức cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Nói về cơ duyên mở lớp học, thầy Khánh tiết lộ trong một lần đến chơi ở nhà người bạn, anh thấy mấy đứa trẻ chụm đầu học bài rồi ấp úng trước câu hỏi khó mà không có người lớn giúp đỡ. 

“Thấy bọn trẻ cứ ngồi học mãi, đọc đi đọc lại vẫn không hiểu được bài. Ba mẹ lại là dân nhập cư, cuộc sống quanh quẩn ở công ty, lo chuyện cơm nước vì thế không quan tâm sát sao đến chuyện học của con. Trong tâm thức họ nghĩ, cứ khi con lớn thì cứ kiếm việc làm trong xã hội, không cần đầu tư về bằng cấp. Do đó, tôi mới ngỏ lời để chỉ dẫn, thấy tụi nhỏ hào hứng, cứ liên tục hỏi bài làm tôi cảm động, quyết định mở lớp học miễn phí và duy trì nó suốt 14 năm qua” - thầy Khánh chia sẻ. 

Điều đặc biệt mà thầy Khánh - người đứng giảng dạy ở lớp học tình thương hơn chục năm nay là chưa từng qua trường lớp sư phạm chính chuyên. Mà đơn thuần, thầy chỉ là một anh công nhân, mong muốn truyền dạy cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn kỹ năng học tập, kỹ năng sống để phát triển bản thân.

Tuy không qua trường lớp về sư phạm nhưng bằng sự nhạy bén, tự tìm tòi học hỏi của mình, thầy Khánh dạy được nhiều môn như Toán, Lý, Hoá, tiếng Anh, Ngữ văn. Học sinh đa phần là con của hàng xóm hoặc đồng nghiệp tại công ty.

Lớp học ban đầu chỉ vỏn vẹn vài cái bàn nhỏ đơn sơ được đặt ở khu đất trống, dần chuyển vào khu chòi lá. Đến lúc lớp học ngày càng đông hơn, từ 4 học sinh ban đầu chỉ sau vài tháng con số ấy đã tăng gấp 7 lần. Do đó, các phụ huynh quyết định xin mượn quán nước, xưởng gỗ ở trong khu vực để thầy trò học có cái che nắng mưa. 

Mỗi khi nhắc đến thầy Khánh, bà con trong xóm ai ai cũng nể phục tấm lòng cao quý của người thầy nhiệt huyết, dành nhiều lời khen cho lớp học 0 đồng. Chủ trọ nơi thầy Khánh sinh sống quyết định ngăn một căn phòng riêng cho thầy, vừa sinh hoạt, vừa giảng dạy để thuận tiện cho công cuộc "trồng người".

Thầy Khánh chia sẻ việc dạy học không xuất phát từ đam mê mà đó là sự đồng cảm khi nhìn thấy những hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện để học tập như bạn bè cùng trang lứa.

Ban đầu, bàn ghế, bảng viết và dụng cụ học tập đều do thầy Khánh trích một phần thu nhập cá nhân để sắm sửa, chuẩn bị cho những lứa học trò của mình. Cảm động trước tấm lòng của "thầy giáo công nhân", nhiều phụ huynh quyết định chung tay phụ lo chi phí thuê nhà để lớp học được duy trì cũng như chia sẻ phần nào khó khăn với người thầy cao quý. 

Thầy Khánh tâm sự còn tự bỏ tiền túi để mua quà khen thưởng cho học sinh có tiến bộ trong học tập hay đạt thành tích cao ở các kỳ thi. Ngoài ra, ở dưới khu nhà trọ sinh sống, thầy nuôi thêm gà, vịt. Đến mùa thu hoạch, thầy lại đem bán, kiếm thêm kinh phí gửi tặng những cô cậu học trò hiếu học. 

Món quà lớn nhất là sự thành công của học trò

Đến nay đã 14 năm kể từ ngày đầu bén duyên với nghề giáo viên, thầy Khánh đã đào tạo nhiều thế hệ học trò giỏi giang, tiến bộ rõ rệt trong học tập. Bản thân thầy luôn cố gắng tự trau dồi kiến thức, học thêm kỹ năng từ mạng xã hội hay các giáo viên chính chuyên để điều chỉnh phương pháp dạy học cho trẻ em.

Một điểm đặc biệt trong lớp học của “thầy giáo công nhân” là cách xưng hô đầy thú vị. Những đứa học trò đều gọi thầy Khánh bằng “chú” thay vì là “thầy”. “Tôi muốn các em có sự gần gũi với mình, khi xưng hô thầy - trò đôi khi có khoảng cách các em sẽ ngại hỏi những vấn đề còn thắc mắc. Vì thế, trong 14 năm qua, tôi vẫn mong các em gọi tôi là chú…” - thầy Khánh trả lời với nụ cười đầy tự hào khi kể về cách xưng hô như người nhà của các thế hệ theo học tại lớp học 0 đồng. 

Tuy thành viên trong lớp xem nhau như một gia đình nhưng “chú Khánh” cũng có sự nghiêm khắc nhất định. Đối với thầy, tuỳ theo trường hợp, tình huống để đưa ra phương pháp ứng xử phù hợp. Thầy cho rằng phải kết hợp giữa mềm dẻo, nhẹ nhàng và sự khắt khe, nghiêm túc để các trẻ sinh hoạt có nề nếp, chú tâm trong việc ôn luyện bài vở.

Không chỉ truyền đạt kiến thức, thầy Khánh chỉ dạy các em kỹ năng giao tiếp, cách đối nhân xử thế. Những đứa trẻ vì thế rất ngoan ngoãn, cư xử lễ phép và nghiêm chỉnh trong giờ học.

Trước đây, gia đình của thầy Khánh rất lo ngại cho con trai ở nơi “đất khách quê người” bận rộn với công việc lại còn dành nhiều thời gian cho lớp học tình thương. Từng bị ngăn cản ở những ngày đầu mở lớp nhưng bằng sự kiên định và quyết tâm của mình, thầy Khánh đã thuyết phục được gia đình và duy trì đến thời điểm hiện tại. 

Tuy là người truyền dạy kiến thức hữu ích cho các thế hệ học trò nhưng đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - ngày đặc biệt dành tôn vinh thế hệ “người lái đò thầm lặng”, ngày để các em thể hiện tình cảm, tri ân công lao dạy dỗ đối với thầy, cô của mình thì thầy Khánh lại kiên quyết từ chối nhận quà tặng từ học sinh, phụ huynh. Bởi lẽ, thầy hiểu tất cả những học sinh trong lớp học của mình đều có gia đình khó khăn, eo hẹp về kinh tế. “Thay vì phụ huynh yêu quý mình, dùng tiền để mua vật phẩm gửi tặng. Họ hãy dùng số tiền ấy để mua phần thưởng nho nhỏ cho con em của mình, để khích lệ, động viên tinh thần tiếp thêm năng lượng để học hành” - thầy Khánh tâm sự.

Đối với thầy Khánh, món quà lớn nhất của cuộc đời là những con điểm 10 tròn trĩnh, là sự ngoan ngoãn, vâng lời và chăm chỉ rèn luyện của học trò. Từ những buổi dạy kèm ven đường cho đến lớp học khang trang, đầy đủ tiện nghi đối với người thầy công nhân, đó là niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc sống. Ngoài ra, thầy Khánh còn cảm thấy may mắn khi được các mạnh thường quân, quý phụ huynh đồng hành và chung tay giúp đỡ.

Thầy Khánh lúc nào cũng hiện diện nụ cười rạng rỡ, thầy biết cách để tạo động lực, sự thoải mái đối với những học trò tại lớp học tình thương.

Đã 14 năm trôi qua, số lượng học sinh từng được thầy Khánh đào tạo đến nay cũng đã hơn con số 300. Cứ mỗi mùa tuyển sinh hay trong giai đoạn thi cuối kỳ của năm học, những tin nhắn ồ ạt xuất hiện trên màn hình điện thoại của người thầy đặc biệt: “Chú ơi, con được điểm 10”, “Chú Khánh, con đậu nguyện vọng 1 rồi”... Tất cả đã trở thành niềm tự hào khôn xiết đối với người thầy công nhân đang từng ngày, từng giờ cống hiến trên bục giảng. 

Cứ sau giờ tan tầm, người thầy chẳng kịp nghỉ ngơi, chỉ đủ thời gian chăm nom đàn gà, đàn vịt trong sân nhà trọ rồi lại tất bật với sách vở, đứng lớp giảng bài. Đến cả chiếc áo thầy mặc, cũng là đồng phục đi làm mỗi sáng…

TẤN PHƯỚC

Bình luận(0)