Những năm đầu của hôn nhân, vợ chồng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Con bệnh tật triền miên, vợ ở nhà chăm sóc con, một mình tôi đi làm không đủ nuôi 3 miệng ăn.
Tôi buộc phải nghỉ việc và bán quần áo để mong được đổi đời. Do có duyên với kinh doanh, tôi buôn mặt hàng nào cũng có nhiều khách mua. Có tiền, cuộc sống của gia đình khởi sắc và chúng tôi càng hăng say làm việc hơn.
Sau 15 năm khởi nghiệp, tôi đã gặt hái được những thành công nhất định. Tôi có được ngôi nhà đẹp ở mặt tiền và là nơi buôn bán của gia đình. Vợ chồng tôi đều có xe riêng. Tôi cũng mua được 2 suất đất cho các con.
Khi có tiền rồi, tôi luôn nghĩ phải biết giúp đỡ những người nghèo khó thì giàu sang phú quý mới ở lại với gia đình tôi. Với lại, tôi cũng muốn là tấm gương đạo đức tốt để các con học theo.
Thế nên những năm qua, cứ vào dịp cuối năm, tôi thường đưa các con đi làm từ thiện. Tôi thường về quê nội và ngoại để giúp đỡ những gia đình nghèo, bệnh tật hay người già neo đơn, trẻ mồ côi.
Có tiền, cuộc sống của gia đình khởi sắc và chúng tôi càng hăng say làm việc hơn. (Ảnh minh họa)
Số tiền tôi giúp mỗi gia đình một khác, tùy vào hoàn cảnh họ gặp phải. Thường từ vài chục đến vài trăm triệu. Tính đến nay, tôi đã giúp được hơn 20 trường hợp gặp khó khăn. Tuy không phải nhiều nhưng cũng không nhỏ, tôi thấy tự hào về việc bản thân đã làm.
Lâu nay, tôi luôn giúp đỡ những người ở xa nên năm nay vợ chồng tôi quyết định tài trợ tiền cho một hộ gia đình khó khăn nhất khu phố một ngôi nhà. Sau khi sàng lọc, tôi thấy gia đình bác Tính nghèo thật sự.
Tuần vừa rồi, vợ chồng tôi qua nhà bác Tính để tìm hiểu và giúp đỡ. Thấy nhà bác ấy có 2 cậu con trai lớn, đã học xong trung cấp nhưng chưa có việc làm. Tôi nảy ra ý tưởng là cho người ta tiền chưa đủ mà phải giúp các con của bác Tính có công việc ổn định thì mới thoát được cảnh nghèo bền vững.
Thế là tôi gợi ý cho các con của bác Tính qua xưởng nhà tôi làm việc, lương khởi điểm 7 triệu, những tháng sau ăn theo sản phẩm, làm được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.
Một trong 2 đưa con của bác Tính lắc đầu nói:
“Tháng trước, có công ty gọi và trả 10 triệu/tháng mà cháu chưa làm. Xưởng sản xuất của chú làm mệt mà lương bèo, cháu không làm đâu”.
Tôi thắc mắc, mới ra trường, được trả mức lương thế là được, tại sao 2 đứa không đi làm. Một đứa khác nói:
“Bỏ sức lao động nhiều mà trả mức lương bèo bọt nên không đi làm. Ở nhà chơi cho khỏe”.
Thế là tôi gợi ý cho các con của bác Tính qua xưởng nhà tôi làm việc, lương khởi điểm 7 triệu. (Ảnh minh họa)
2 đứa con lớn có học nhưng lười biếng, tôi chẳng muốn nói nữa mà quay qua hỏi chuyện bác Tính:
“Hiện tại bác làm công việc gì ạ?”.
Bác than thở:
“Có tuổi rồi, sức khỏe yếu, chẳng làm được việc gì nữa, ở nhà ăn bám vợ thôi anh ạ. Vợ tôi làm nghề nhặt ve chai, túc tắc mỗi ngày cũng kiếm đủ tiền nuôi sống cả gia đình”.
Nghe đến đây tôi đã sốc thật sự. Bác trai nhìn còn khỏe mạnh hơn cả bác gái, vậy mà không đi kiếm tiền, thảo nào các con học được thói lười biếng của bố. Nhà có 3 người đàn ông khỏe mạnh lại ở nhà ăn chơi, còn người đàn bà ốm yếu nhất đi làm, thảo nào năm nào gia đình bác ấy cũng giành được suất hộ nghèo của khu phố.
Tôi đang định tài trợ cho gia đình bác tính 500 triệu để xây lại ngôi nhà nhưng tôi thấy chán thật sự khi cho tiền những người lười biếng đó. Để có được đồng tiền, vợ chồng tôi làm từ sáng đến tối, thậm chí đêm khuya còn thao thức không ngủ được mà phải suy nghĩ trăn trở khi công việc gặp rắc rối.
Vậy mà 3 bố con bác Tính lại ngồi nhàn nhã ăn chơi hưởng thụ. Vợ khuyên tôi từ nay trở đi, phải xem gia đình nào làm việc cật lực nhưng vẫn nghèo túng thì mới giúp. Không thể giúp đỡ những người ngồi chơi không chịu làm việc thế được.