Đám cưới linh đình của con gái đại gia giàu nhất phố cổ Hà Nội một thời, quan khách "lác mắt" vì vàng và kim cương

Google News

Ngoài trang sức đeo trên người như lễ hỏi, vợ chồng cụ Trương Trọng Vọng còn tặng con gái một hộp chứa đầy trang sức vàng làm của hồi môn. Đến nhà trai, bà Mô còn được nhận thêm nhiều kiềng và nhẫn vàng khiến quan khách có mặt ai cũng phải trầm trồ. 

Thời bây giờ, một đám cưới được tổ chức trao nhiều vàng, đi loạt xe sang rước dâu không phải hiếm. Nhưng vào những năm đầu thế kỷ XX, gia đình doanh nhân Trương Vọng Trọng đã tổ chức đám cưới "thế kỷ" cho con gái "cưng" khiến nhiều quan khách phải "lác mắt" vì vàng, kim cương và rước dâu bằng dăm, bảy chiếc xe hơi. 

Đám cưới đầy vàng, kim cương của con gái đại gia phố cổ

Bà Trương Thị Mô sinh năm 1924, con gái thứ 2 của cụ Trương Trọng Vọng và vợ là cụ Nguyễn Thị Sửu. Vào những năm đầu thế kỷ XX, cụ Vọng là một doanh nhân thầu khoán nổi tiếng ở Hà Nội. Nhớ về ký ức ngày đám cưới của mình, bà Mô không khỏi bồi hồi và xúc động. 

Khi bà Mô vừa bước sang tuổi đôi mươi, nhờ bạn bè mai mối, bà Mô và chồng quen nhau rồi quyết định tiến tới hôn nhân sau một thời gian tìm hiểu. Được biết, chồng bà làm nhân viên tại Sở Hỏa xa, nay là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Theo lời bà Mô, gia đình bà không thách cưới như những gia đình khác thời bấy giờ. 

Ngày ăn hỏi, bà mặc chiếc áo dài nhung màu tiết dê, tóc kiểu phi dê và đeo kiềng, dây chuyền, lắc tay, bông tay và nhẫn kim cương. Vợ chồng ông Vọng có tiếng lúc đó nên bạn bè rất đông, chỉ ngày ăn hỏi cũng đứng gần kín căn biệt thự 800m2

Đám cưới đình đám của bà Trương Thị Mô 

Về phía nhà trai, số lượng khách cũng không kém. Ai ai cũng mặc đồ lịch sự, sang trọng. Dẫn đầu đoàn là 7 nam thanh bưng tráp, tiếp theo là các bô lão và những thành viên khác trong gia đình cùng anh em, bạn bè, họ hàng của chú rể. 

Vào ngày tổ chức đám cưới, dù đã đơn giản hóa một vài thủ tục nhưng đoàn đón dâu của nhà trai gồm 7 xe ô tô vẫn khiến dân cư gần nhà bà Mô trầm trồ và kéo đến xem. Trước đó, đám cưới của bà Mô cũng gây chú ý với hàng xóm bởi số lượng khách rất đông, tới mức cụ Vọng và cụ Sửu phải chia ngày để mời khách. Bởi thế, số ngày ăn cưới bà Mô lên tới 3 ngày. Vào thời đó, đây là một đám cưới cực linh đình, rất hiếm gia đình có. 

Song song với việc tổ chức đám cưới to nhất nhì khu phố, bố mẹ bà Mô còn không quên chuẩn bị quà hồi môn "khủng" cho con gái đi lấy chồng. Ngoài trang sức đeo trên người như lễ hỏi, vợ chồng cụ Vọng còn tặng con gái một hộp chứa đầy trang sức vàng. Đến nhà trai, bà còn được nhận thêm một lượng vòng, kiềng và nhẫn vàng khiến quan khách có mặt ai cũng phải trầm trồ. 

“Một vài người cho rằng việc đeo vòng vàng nhiều như vậy là thể hiện sự khoe khoang nhưng thực tế đó chỉ là một lượng trang sức nhỏ. Bình thường, ngoài bông tai, vòng tay, vòng cổ, trên ngón tay tôi dù đi chơi hay ở nhà cũng luôn đeo nhẫn kim cương. Ngày cưới, tôi đeo nhiều hơn vì có thêm phần trang sức do nhà chồng trao tặng”, bà Mô giải thích.

Được biết, vợ chồng cụ Vọng rất quý con gái nên không bao giờ xem nhẹ chuyện ăn mặc, quà cáp vào ngày sinh nhật hay ngày lễ cho các con. Vậy nên, đám cưới của bà Mô đã tạo nên dấu ấn và thu hút sự chú ý lớn thời bấy giờ. 

Bà Trương Thị Mô, con gái đại gia phố cổ Trương Trọng Vọng

Căn biệt thự 800m2 từng chứng kiến đám cưới con gái đại gia phố cổ

Căn biệt thự 800m2 của gia đình bà Mô xây dựng từ năm 1925 và hoàn thành năm 1926, nằm giữa vị trí đắc địa của phố cổ Hà Nội sầm uất, nổi bật với nét rêu phong và kiến trúc cổ kính. Điểm nhấn của căn biệt thự này chính là 4 cột đá nguyên khối được chạm khắc tinh xảo với các họa tiết đào- cúc- trúc- mai mang ý nghĩa giàu sang, may mắn. 

Chủ nhân của biệt thự là vợ chồng cụ Vọng nhưng sau năm 1950, cụ Vọng cùng 5 người con đi tản cư nơi khác rồi để lại căn biệt thự này cho bà Mô trông coi. Cô Lê Thanh Thủy, con gái bà Mô cho biết căn biệt thự không chỉ chứng kiến đám cưới "thế kỷ" của mẹ mình mà còn gắn với nhiều kỷ niệm và những dấu mốc thăng trầm của cả gia đình. Cô Thủy tiết lộ từng có người trả vài trăm tỷ nhưng các thành viên trong gia đình nhất định không sang nhượng. 

Mặc dù xây dựng cả trăm năm trước nhưng thiết kế của căn biệt thự khá hiện đại, đầy đủ phòng ngủ khép kín cho từng thành viên, phòng khách tiếp khách, phòng dành cho khách, phòng ăn và phòng cho người giúp việc. Tất cả các phòng trong căn nhà được kết nối với nhau tạo thành thể thống nhất. 

Nội thất trong mỗi căn phòng đều được nhập khẩu từ châu Âu hoặc Hong Kong với nguyên liệu chủ yếu là gỗ lim. Giá trị bộ bàn ghế, tủ phấn nhập khẩu thời đó có thể mua được một ngôi nhà cỡ nhỏ. 

Một vài hình ảnh của căn biệt thự 800m2 của đại gia phố cổ Trương Trọng Vọng

Được biết, gia đình bà Thủy cũng tạo điều kiện cho các đoàn khách, đoàn làm phim,... lựa chọn tư gia làm địa điểm quay. Bạn có thể bắt gặp căn biệt thự này trong một số bộ phim nổi tiếng Việt Nam như Tuổi thanh xuân, Khép mắt chờ ngày mai, Hà Nội mùa đông năm 46,....

H.A

Bình luận(0)