Từ nông dân nghèo thành ông trùm kinh doanh xe hơi, giàu có khét tiếng
Tỷ phú Nguyễn Văn Hảo là một trong những thương gia người Việt giàu có nhất ở Sài Gòn từ thời Pháp thuộc cho đến những năm 1975. Từ một nông dân sinh ra trong gia đình mấy đời làm nông, ông vươn lên thành ông trùm kinh doanh xe hơi, giàu có khét tiếng, nhắc đến tên ai cũng phải kính nể.
Ông Nguyễn Văn Hảo sinh năm 1890, quê ở ấp Long Thuận, xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Cha ông Hảo có 3 người vợ, ông là con thứ 3 của người vợ thứ ba. Những năm tháng tuổi thơ của ông gắn liền với đồng ruộng. Sau đó, một người anh cùng cha khác mẹ làm chủ cửa tiệm buôn bán phụ tùng ô tô ở quận 1 đã "kéo" ông Hảo lên Sài Gòn phụ giúp mình vì thấy em trai lanh lợi, thông minh.
Tại tiệm này, ông chăm chỉ học hỏi, cứ thợ nào giỏi là ông theo để học. Chẳng mấy chốc, ông thành thợ chính tại tiệm phụ tùng xe của anh trai. Ông còn âm thầm học cách kinh doanh, mối lái buôn bán phụ tùng xe hơi với tham vọng mở một cửa hàng riêng cho mình sau này.
Căn biệt thự mang theo giai thoại về vị đại gia giàu nhất nhì Sài Gòn - Nguyễn Văn Hảo, nhân vật nổi tiếng với biệt danh trùm xe hơi và ông chủ nhà hát xứ Nam kỳ.
Sau một thời gian tích lũy được kinh nghiệm và vốn liếng, ông Hảo mở tiệm buôn bán phụ tùng xe hơi ở số 21 - 23 đường Galliéni, sau này đổi thành đường Trần Hưng Đạo (quận 1). Những năm đầu 1930, tiệm bán phụ tùng xe của ông Hảo làm không hết việc, cạnh tranh với các tiệm của người Pháp.
Khi hoạt động kinh doanh mở rộng, ông Hảo giao phần lớn việc kinh doanh phụ tùng cho vợ, còn mình chỉ phụ trách việc giao dịch với bạn hàng Pháp để mua phụ tùng về bán. Vợ ông Hảo có kiểu kinh doanh khá đặc biệt. Đó là khi tài xế tới mua hàng, bà chỉ hỏi: “Chú là chủ xe hay tài xế?”. Nếu là tài xế, ngoài việc bán đúng giá, bà Hảo còn trích ra vài cắc cho họ có thêm lộ phí đi đường, cà phê, ăn sáng. Dù số tiền "lại quả" không đáng là bao nhưng lại thu hút giới tài xế tìm đến cửa hàng.
Nhờ kiểu kinh doanh gần gũi, bình dị và lấy công làm lãi đó mà cửa hàng phụ tùng xe của ông Hảo dù mới mở nhưng kẻ mua người bán tấp nập, tiền đếm mỏi tay. Kinh doanh ngày càng phát đạt nên ngoài cửa tiệm chính ở Sài Gòn, ông Hảo kết hợp với một người bà con ở Trà Vinh mở thêm chi nhánh dưới miền Tây.
Song song với việc nhập xe hơi về bán, ông Hảo còn làm đại diện vỏ ruột xe hơi của Hãng Michelin (Pháp) - một thương hiệu được ưa chuộng và rất thịnh hành ở Sài Gòn thời gian đó.
Năm 1933, ông Hảo mua miếng đất 4 mặt tiền ở đường Trần Hưng Đạo - Ký Con - Yersin - Lê Thị Hồng Gấm (ngày nay) để xây căn biệt thự 800m2 theo lối kiến trúc Pháp. Tòa nhà tuy có hai lầu nhưng sau này có gắn thang máy. Nhìn trên cao, tòa nhà giống như con tàu mà mũi tàu chĩa ra hướng đường Trần Hưng Đạo, đuôi tàu ở phía đường Lê Thị Hồng Gấm.
Không mưu mô xảo quyệt, cách kinh doanh của ông Hảo rất lành mạnh và trong sáng. Ông không nhìn người bằng hình thức bên ngoài và cho dù có mua hay không với ông điều đó không quan trọng. Quan trọng là gây được ấn tượng để mọi người luôn nhớ đến rồi cũng sẽ có ngày họ tìm đến ông.
Vì mê cải lương mà xây dựng cả rạp hát
Nằm cách biệt thự 4 mặt tiền không xa, cũng trên đường Trần Hưng Đạo, rạp Công Nhân được xem là một trong những rạp cải lương lâu đời nhất ở miền Nam. Trước khi mang tên Công Nhân, rạp mang tên chính chủ nhân của nó, rạp Nguyễn Văn Hảo...
Hình ảnh nhà hát Nguyễn Văn Hảo
Vốn rất mê cải lương, khoảng đầu những năm 1940, ông Hảo mua đất để xúc tiến xây dựng rạp Nguyễn Văn Hảo. Đây là rạp hát có nhiều số ghế nhất ở Sài Gòn nên được các nghệ sĩ gọi là "hàng không mẫu hạm" Nguyễn Văn Hảo. “Cha tôi xây dựng rạp Nguyễn Văn Hảo với mục đích ban đầu là phục vụ sở thích cải lương của mình. Thêm nữa, ổng muốn nghệ thuật cải lương có một nhà hát đẳng cấp để phát triển”, người con trai độc nhất của ông Hảo là Nguyễn Tâm Thạnh kể lại.
Có thể nói, trong suốt một thời gian khá dài, nhờ có rạp Nguyễn Văn Hảo với những tiện nghi vào bậc nhất thời bấy giờ, nghệ thuật cải lương càng có điều kiện phát triển lên tới đỉnh cao. Rạp là nơi đoàn Việt Kịch Năm Châu diễn tuồng Tây Thi gái nước Việt. Đây cũng là nơi đoàn cải lương Hương Mùa Thu của ông bầu Thu An thực hiện kỹ thuật sân khấu cải lương panorama rất mới lạ với dân trong nghề lúc bấy giờ.đến sau năm 1975 đổi tên là rạp Công Nhân như tên gọi bây giờ.
Đến năm 1970, gia cảnh ông Hảo có nhiều biến động khiến cho ông không còn toàn tâm toàn ý với công việc kinh doanh. Ông cho thuê rạp hát để sau đó, người chủ mới đã biến nơi đây thành rạp chiếu bóng với cái tên mới, ciné Nguyễn Văn Hảo. Sau này đổi tên thành rạp Công Nhân.
Khi công việc kinh doanh vẫn đang thuận buồm, xuôi gió, năm 1960, ông bất ngờ giao hết lại cho vợ con, về quê nhà ở Càng Long, Trà Vinh mua đất xây chùa. "Chùa ông Hảo" hay Hảo Tâm tự có từ đó.
Đây là một ngôi chùa có nét kiến trúc độc đáo nửa tây nửa ta. Chùa có ngôi tháp 9 tầng, có phù điêu rạp hát Nguyễn Văn Hảo và chiếc du thuyền của ông. Gần chùa, ông còn cho xây thêm một dãy phố lầu và một ngôi chợ để người dân địa phương lui tới mua bán, tạo điều kiện để bà con sinh sống.
"Chùa ông Hảo" hay Hảo Tâm tự ở Càng Long, Trà Vinh
Ngoài ra, ông còn tạo điều kiện bằng cách cho bà con mượn đất quanh chùa để trồng trọt, cấy hái phụ vào miếng ăn hàng ngày. Những người có tuổi ở Càng Long hiện nay không ai có thể quên được thiện tâm của ông. Ông rất giàu nhưng biết sẻ chia cho bà con cùng khổ.
Ông Hảo mất năm 1971. Năm 1975, chính quyền tiếp quản ngôi chùa. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Dài tiếp tục ở chùa cho đến năm 1979 bà mất.
Con cháu sống trong cảnh nghèo khổ
Ý chí làm giàu và sự nghiệp của ông trùm Nguyễn Văn Hảo rực rỡ ánh hào quang bao nhiêu, thì thế hệ con cháu của ông lại "đìu hiu hút gió".
Dù có hai vợ nhưng ông Nguyễn Văn Hảo chỉ có duy nhất người con trai tên là Nguyễn Tâm Thạnh, sinh ngày 1/1/1929. Nếu ông Hảo và vợ là những người cần mẫn, chịu khó, luôn làm vui lòng khách đến vừa lòng khách đi thì con trai họ là người khá nóng nảy, không phù hợp với bán buôn.
Những năm sau đó, nhiều biến cố đã lấy đi của gia đình ông Thạnh mọi thứ. Những tài sản như nhà hát, ngôi nhà bốn mặt tiền, garage, cây xăng do ông Hảo để lại đều bị kê biên.
Con cháu ông Thạnh sống trong căn biệt thự 4 mặt tiền nhưng chật vật, khó khăn. Mỗi phòng trên lầu được ông Thạnh phân lại cho mỗi người con. Đồ đạc trong căn nhà hầu như không có gì giá trị. Ngay cả kính chống ồn cũng được ông Thạnh tháo ra bán kiếm gạo cho con ở giai đoạn khó khăn.