Sâu tre (hay còn gọi sâu măng) là loài côn trùng ký sinh trong thân cây tre. Tại Tây Bắc, sâu tre thường có ở Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, hay vùng miền núi Mường Lát (Thanh Hóa) cũng phổ biến món ăn này. Đây là sản vật của thiên nhiên, không phải cứ muốn là có, thích là mua được, bởi vậy nếu gọi sâu tre là món ăn hiếm cũng chẳng quá lời.
Sâu tre có màu trắng, thân to bằng đầu đũa, dài bằng 2 đốt ngón tay, khá giống sâu chít. Sâu tre sống trong thân những cây tre non, mỗi năm chỉ có một mùa, từ tháng 9-10 âm lịch. Đây là thời điểm sâu tre sinh trưởng nhiều nhất, phù hợp để chế biến món ăn. Tuy có vẻ bề ngoài ngoe nguẩy đáng sợ, nhiều người e dè khi nhìn thấy nhưng sâu tre lại là nguyên liệu làm nên nhiều món khoái khẩu "được lòng" giới sành ăn.
"Mùa sâu tre rất ngắn, khoảng hơn 1 tháng nên người dân ở Tây Bắc tranh thủ đi "săn" về chế biến món ăn hoặc bán cho các thương lái, nhập vào nhà hàng quán ăn. Để săn được sâu tre phải có kinh nghiệm. Sâu tre thường có trong những cây tre non, cong queo, đốt co rúm, ngắn khác thường, gần các đoạn mắt thân ống có nước chảy ra và ngọn cây héo.
Khi phát hiện những cây có dấu hiệu khác thường, người dân sẽ dùng dao chặt ngang ống tre hoặc đẽo một hốc nhỏ để kiểm tra. Nếu thấy có sâu mới bắt đầu làm rộng hốc và dùng tay bắt. Nếu tìm đúng, trung bình mỗi lóng tre sẽ cho đến cả đĩa sâu tre trắng sữa, thân bóng nhẫy, to bằng đầu đũa, độ dài chừng hai đốt ngón tay", anh Thắng (người dân ở Sơn La) chia sẻ.
Theo anh Thắng, từ xa xưa người dân ở Tây Bắc đã vào rừng tìm kiếm sâu tre về chế biến món ăn ngon và bổ dưỡng. Chúng sống trong thân cây tre nên sạch và béo. Trước khi chế biến, người ta sẽ rửa thật kỹ sâu tre cùng với muối để loại bỏ chất bẩn.
Từ sâu tre có thể làm thành nhiều món ngon như sâu tre xào măng chua, sâu tre chiên giòn, sâu tre hấp, sâu tre đồ, sâu tre rang lá chanh… nhưng ngon nhất và phổ biến nhất là món sâu tre rang cùng với lá chanh. Với món này, sâu tre được đem rửa sạch, ướp muối, hạt nêm, cho dầu ăn vào chảo phi thơm hành củ băm, trút sâu vào chảo đảo nhanh tay, khi thấy sâu chuyển sang màu vàng nhạt, cho lá chanh thái chỉ đảo đều. Thế là hoàn tất món sâu tre xào lá chanh. Vị béo của sâu lẫn trong gia vị, tẩm ướp khiến sâu tre càng thêm thơm ngon, hấp dẫn.
Trên thị trường, sâu tre tươi được bán với giá khoảng 500.000 đồng/kg, còn sâu tre cấp đông có giá khoảng 400.000 đồng/kg, đa phần là hàng cấp đông (luộc qua rồi cấp đông), hàng tươi khá ít vì khó bảo quản.
Chị Hoài - người bán đặc sản Tây Bắc trên chợ mạng cho biết sâu tre là đặc sản rừng ở Sơn La, có màu trắng, thân to bằng đầu đũa, dài bằng 2 đốt ngón tay, khá giống sâu chít. Tuy nhiên, sâu chít dân mua về để ngâm rượu, còn sâu tre để xào nấu ăn như các loại thực phẩm khác. Món phổ biến nhất là sâu tre rang lá chanh, làm nộm hoa chuối. Khi ăn sẽ thấy sâu thơm ngon, béo ngậy.
Chị Hoài gom mua sâu tre của người dân khai thác được về sơ chế, cho vào luộc chín rồi đóng túi nhỏ đem cấp đông.
"Sâu tươi và hàng cấp đông đều có, nhưng hàng cấp đông dễ bảo quản và vận chuyển hơn hàng tươi. Khách mua về để ngăn cấp đông thì bảo quản được vài tháng không lo hỏng", chị Hoài chia sẻ.