Gỏi nhộng ong rừng U Minh là một món ăn mà vừa nghe tên thì chắc hẳn nhiều người không khỏi cảm thấy e ngại. Nhưng ở Cà Mau, những món từ nhộng ong được ví như "đệ nhất" món ngon trong danh sách đặc sản của nơi này.
Nhộng ong chính là con ong non đang ở trong tổ, khi thưởng thức chúng có vị béo ngậy và thơm phức như sữa. Trước đây chỉ có người dân địa phương biết ăn nhộng ong, nhưng những năm gần đây thứ đặc sản này được biết tới nhiều hơn. Vì thế, bên cạnh việc khai thác mật ong để bán, người dân còn có thêm nguồn thu từ việc chế biến các món đặc sản từ nhộng ong.
Theo đó, từ ong non có thể làm thành các món: mắm nhộng ong, cháo nhộng ong, gỏi nhộng ong và lá bầu cuốn nhộng ong hấp.
Nhộng ong là con ong non trong tổ, nhìn ghê sợ nhưng nếu lấy can đảm để thử vì sẽ thấy rất ngon, béo ngậy
"Trong một lần tới Cà Mau, nhà mình được thưởng thức món gỏi bắp chuối nhộng ong. Nhộng ong non có vị béo kết hợp thêm chút chua, ngọt và chát của bắp chuối đã tạo nên một món ăn khó cưỡng. Chồng mình thì thích ăn món gỏi bắp chuối nhộng ong với nước mắm mặn thêm ít ớt. Nhưng mình và các con lại thấy ăn với nước mắm chua cay sẽ ngon hơn", chị Hòa Anh (ở Đà Nẵng) kể.
Gỏi là món ăn dễ làm nhưng rất tinh tế, tỉ mỉ. Mọi thứ đều được đo đếm trọng lượng để đảm bảo mọi nguyên liệu kết hợp hoàn hảo nhất. Bởi vậy, hương vị gỏi nhộng ong Cà Mau mới được ca tụng “đệ nhất món ngon”, trở thành đặc sản đệ nhất của ẩm thực Cà Mau.
Gỏi bắp chuối nhộng ong.
Được biết, ong rừng U Minh hút mật hoa tràm, sống tự nhiên và không hề có sự tác động của con người nên mật không chỉ thơm ngon, mà nhộng ong cũng béo hơn bình thường. Trước đây ong rừng rất nhiều nhưng bây giờ hiếm hơn, giá cả vì thế cũng đắt hơn. 1kg nhộng ong có giá từ 250.000-350.000 đồng/kg tùy thời điểm.
Ông Nhị - một người thợ ăn ong với kinh nghiệm, cho hay nhộng ong có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon, nhưng món ăn giữ được hương vị đặc trưng nhất của nhộng ong là món nhộng ong gói lá bầu hấp. Cách chế biến món ăn này khá đơn giản, do nhộng ong là ong non còn ở trong tổ nên khi chế biến phải thật nhẹ.
Sau khi sơ chế, nhộng ong được để ráo nước rồi nêm nếm gia vị vừa ăn. Kế đến, người làm dùng cho nhộng ong vào lá bầu (có thể thay bằng lá mướp, lá khổ qua) gói lại miếng vừa ăn, rồi đem hấp. Chỉ cần hấp vài phút là chúng ta có thể thường thức món ăn thơm ngon, béo ngậy.