93 tuổi lấy lao động làm "niềm vui" tuổi già
Ở góc đường Lê Văn Sỹ (quận 3) có một cửa hàng văn phòng phẩm nhỏ xíu, chưa đầy vài mét vuông, vẻ ngoài đã nhuốm màu thời gian. Đây vừa là mặt bằng buôn bán, mưu sinh, còn là ngôi nhà nhỏ để ông Tam Tương (93 tuổi) sinh sống ở tuổi xế chiều.
Trời bắt đầu sập tối, mây đen kéo đến báo hiệu cho một cơn mưa rào của mùa hè. Ông Tương cặm cụi, chậm rãi rời khỏi chiếc giường tạm bợ ngay trước cửa, đem từng món vật dụng vào trong nhà.
Từ ngoài cửa nhà của ông Tương đã chất đầy hàng hoá văn phòng phẩm. Tuy chật hẹp nhưng không thiếu đồ dùng, từ viết bi, giấy gói quà hay quạt máy đều có đủ.
Tuy đã ở độ tuổi “gần đất xa trời” nhưng ông Tương vẫn kiên quyết chọn ở một mình, mong muốn được tự do kiếm thêm thu nhập dựa trên sức lao động mà không cần phiền đến con cháu. Mỗi ngày, ông Tương kiếm được khoảng 100.000 đồng, dù mức thu nhập không cao đủ để ông Tương làm niềm vui tuổi già, sống vui vẻ, thoải mái.
“Ông sinh ra và lớn lên ở miền Trung, năm 10 tuổi thì bắt đầu vào Sài Gòn cùng gia đình. Cuộc sống lúc trước khổ lắm, ông phải làm đủ nghề để kiếm tiền phụ giúp ba mẹ. Lớn lên rồi ông lập gia đình, giờ bà mất rồi, ông sống có mình ên", ông Tương rớm nước mắt.
Theo ông Tương, trước đây 2 vợ chồng ông sống bằng nghề buôn bán đồ văn phòng phẩm, nuôi 2 đứa con khôn lớn. Sau khi bà mất đi vì căn bệnh tai biến, 2 người con cũng lập gia đình, riêng ông chọn sống một mình với căn nhà nhỏ đầy ắp kỷ niệm của 2 vợ chồng mà không về ở cùng các con.
Trên đôi mắt ông Tương hằn lên những nếp nhăn, lộ rõ dấu hiệu của tuổi tác.
“Ông không muốn làm phiền con cháu, chúng nó cũng có gia đình. Đôi khi người trẻ không thích người lớn tuổi nên ông cũng muốn ở riêng. Ông còn buôn bán, kinh doanh, nhiều khi lớn tiếng trao đổi cùng khách hàng, ông sợ ảnh hưởng đến việc học hành của các cháu”, ông Tương chia sẻ.
Hằng ngày, việc ăn uống của ông Tương được người con dâu sinh sống gần đó chăm lo. Cuộc sống mưu sinh của ông Tương khiến nhiều khách hàng không khỏi bất ngờ vì đã 93 tuổi nhưng ông phải một mình lao động. Tuy nhiên, đối với ông Tương lại nghĩ theo cách khác: “Ông vui vì còn sức để buôn bán, kiếm thêm thu nhập. Mọi thứ trong căn nhà ông cũng tự tay làm. Chẳng hạn như chiếc giường ông dùng để ngủ cũng là do ông tự chế. Ông đi xung quanh, nhặt những thứ của người khác bỏ đi nhưng còn có thể sử dụng. Sau đó, ông tái chế thành chiếc giường để có thể ngủ”.
Ông Tương tự chế tạo một chiếc giường bằng những vật đã bị bỏ đi để nằm ngủ nghỉ ngay trước cửa nhà.
Nhiều người khuyên ông bán căn nhà đang ở hoặc cho thuê để kiếm thu nhập nhưng ông Tương từ chối vì muốn giữ kỷ vật của người vợ quá cố. Có người còn hỏi: "Tại sao ông không vào ở viện dưỡng lão để an dưỡng tuổi già?". Ông Tương nhất quyết không chấp nhận vì sợ gò bó so, nhàm chán với cuộc sống hiện tại.
Muốn tự kiếm tiền đến khi “nhắm mắt xuôi tay”
Vì tuổi cao sức yếu, ông Tương từng bị vấp té hai lần trong những lần dọn dẹp cửa hàng. Cụ ông nhập viện điều trị, phẫu thuật ở chân tốn hàng trăm triệu đồng. Khi đó, con cháu vào viện chăm sóc để ông Tương hồi phục sức khoẻ. Sau khi xuất viện, ông Tương tiếp tục chọn cách về nhà tiếp tục công việc bán hàng.
Mỗi ngày, ông Tương thức dậy lúc 5 giờ sáng để dọn hàng đến 10 giờ đêm mới đóng cửa nghỉ ngơi. Mọi công việc trong cuộc sống hằng ngày của ông Tương đều diễn ra chậm rãi vì tuổi đã cao. Cụ ông cho biết ở cuộc sống hiện tại không điều gì có thể làm bản thân sợ hãi vì ở đoạn đường tuổi trẻ những cực khổ, khó khăn đều đã được nếm trải.
Đối với ông Tương việc mua bán không cực nhọc, trái lại nó là niềm vui của tuổi già.
Thế nhưng, đôi lúc ông Tương cũng phải đối diện với hiểm nguy dù bản thân chỉ lẩn quẩn trong ngôi nhà nhỏ. Ông Tương cho biết có thời điểm phải đối diện với những kẻ trộm rình mò, muốn đột nhập vào nhà để lấy tài sản.
“Lúc đó, trời không có mưa to gió lớn nhưng lại có tiếng bước chân sột soạt trước cửa. Ông giật mình phát hiện một nam thanh niên đang cố gắng mở cửa. Khi gặp ông thức dậy, kẻ xấu bình tĩnh lý giải chỉ là hiểu lầm và bỏ đi. Sau này, ông cảm thấy may mắn vì bản thân vẫn bình an và trong nhà không bị mất trộm”, ông Tương bồi hồi nhớ lại.
Ông Tương cho biết tình hình kinh tế ngày càng khó khăn nên việc kinh doanh văn phòng phẩm ngày càng chậm. Mỗi mặt hàng chỉ lời đôi ba đồng, có món còn lỗ vốn vì mặt hàng cũ, tồn đọng lâu ngày. Có đôi lần vì không kiểm tra hàng đã bán cho khách, cụ ông bị những người khách khó tính phàn nàn. Dù nhận không ít lời nặng nhẹ nhưng ông Tương vẫn vui vẻ, niềm nở với mọi người vì theo ông, khi đã mưu sinh sẽ không tránh khỏi những chuyện góp ý khen chê.
Dù ở độ tuổi 93 nhưng ông Tương vẫn nhớ rõ vị trí các vật dụng trong ngôi nhà. Khi khách hàng cần món đồ nào, ông Tương cũng nhanh nhẹn tìm kiếm và đưa tận tay cho khách.
Ở tuổi 93, ông Tương vẫn không có ý định ngừng lao động, đóng cửa hàng, ông tâm sự: “Ông muốn được buôn bán, làm việc cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Chưa bao giờ ông nghĩ sẽ về nhà ở cùng con cháu. Cuộc sống hiện tại của ông đang thoải mái, khi buồn chán ông ngồi nhìn ngắm ra đường phố tấp nập trong lòng cũng thấy vui. Ông nghĩ đôi khi nếu mình về ở với con cháu lại khiến các con lo lắng cho mình, mình cũng chẳng vui".
Tuy luôn sống với suy nghĩ tích cực, lao động trong niềm vui nhưng ông Tam Tương đôi lần rơi lệ khi nhắc về quá khứ cơ cực và luôn nhớ về hình ảnh của người vợ quá cố.
Có lẽ, niềm hạnh phúc nhất đối với ông Tương lúc này là có được sức khoẻ để tiếp tục buôn bán, một phần vì muốn có thêm thu nhập để tự trang trải cho bản thân, phần vì ông muốn lưu giữ kỷ niệm vơi người vợ quá cố. Hơn ai hết, ông hiểu được ở cái tuổi gần đất xa trời, mỗi ngày ông vẫn có cơ hội được gặp mọi người, những vị khách đặc biệt ghé đến cửa hàng nhỏ của mình, đôi khi chỉ để chuyện trò, tâm sự với ông đã là một niềm hạnh phúc.