Cụ bà 116 tuổi già nhất thế giới, 70 tuổi vẫn leo núi cao hơn 3.000m, thích ăn loại quả quê người Việt có đầy

Google News

Tomiko Itakeoka, 116 tuổi đến từ Nhật Bản đã được Kỷ lục Guiness thế giới công nhận là người già nhất thế giới còn sống, sau khi bà Maria Branyas, 117 tuổi, người Tây Ban Nha qua đời.

Theo tờ Associated Press đưa tin, Tổ chức nghiên cứu y học lão khoa ở Mỹ ngày 21/8 công bố cụ bà người Nhật Tomiko Itooka, 116 tuổi, đã trở thành người cao tuổi nhất trên thế giới còn sống.

Bà Tomiko Itoka sinh ra ở Osaka vào ngày 23/5/1908. Bà có 4 người con và 5 đứa cháu. Hiện bà sống trong viện dưỡng lão. Vào dịp mừng thọ bà 116 tuổi, thị trưởng thành phố Ashiya Takashima Raosuke đã đích thân đến tặng hoa và chúc mừng bà.

Bà Tomiko Itooka đang kỷ niệm sinh nhật lần thứ 116 của mình tại viện dưỡng lão ở Ashiya, miền tây Nhật Bản, vào ngày 23/5/2024.

Cuộc đời của bà Tomiko đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố nhưng chưa bao giờ ngừng đam mê các hoạt động thể chất. Khi còn học trung học, bà là một cầu thủ bóng chuyền. Đến khi về già, bà vẫn duy trì sở thích vận động thường xuyên, đặc biệt với bộ môn leo núi. 

Sau khi chồng qua đời vào năm 1979, bà Tomiko sống một mình ở tỉnh Nara trong suốt 10 năm và thường xuyên đi leo núi. Năm 70 tuổi, bà đã chinh phục ngọn núi Ontake cao 3.067 mét của Nhật Bản hai lần khiến người hướng dẫn đi cùng cũng phải kinh ngạc.

Vào độ tuổi 80, bà đã tham gia cuộc hành hương đi viếng thăm 33 ngôi đền ở Nhật và khi đến 100 tuổi, bà vẫn có thể tự mình leo lên những bậc đá của đền Ashiya mà không cần gậy trợ giúp.

Dù tuổi cao, bà Tomiko vẫn có niềm đam mê với bộ môn leo núi. (Ảnh minh họa)

Ngoài yêu thích thể dục thể thao, bà Tomiko cũng rất thích ăn chuối và uống một loại đồ uống có hương vị giống sữa chua phổ biến ở Nhật vào mỗi buổi sáng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, loại đồ uống này quá ngọt, có chứa nhiều đường, một chai đã có thể chiếm 10% tổng lượng calo, do đó không nên sử dụng thường xuyên.

Dù đường rất cần thiết cho cơ thể con người nhưng không nên tiêu thụ quá nhiều đường tinh luyện. Những người lớn tuổi, kiểm soát lượng đường trong máu kém hoặc có mỡ máu bất thường nên tránh những đồ uống như vậy vì có thể làm giảm độ nhạy insulin hoặc gây ra các vấn đề về axit uric.

Thay vì dùng các đồ uống bán sẵn, hãy ăn tempeh và uống kombucha không đường. Tempeh là một loại thực phẩm làm từ đậu nành lên men có chứa protein từ thực vật và kombucha cũng là một thức uống lên men giàu lợi khuẩn. 

Bà thường sử dụng loại đồ uống có hương sữa chua nổi tiếng ở Nhật mỗi sáng nhưng chuyên gia khuyên không nên lạm dụng. (Ảnh minh họa)

Còn về món chuối bà Tomiko yêu thích, bác sĩ Wu Baishan, Giám đốc Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng của Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc, Đài Loan cho biết chuối rất giàu kali, giúp chống lại huyết áp cao và cân bằng các tác dụng tăng natri của cơ thể. Ngoài ra, chất dinh dưỡng của chuối có thể làm giảm khả năng phát triển ung thư thận và tốt cho tiêu hóa.

Trong chuối xanh và chuối chín vàng có lượng tinh bột, đường và chất xơ khác nhau. Thông thường, một quả chuối cỡ trung bình có lượng calo bằng nửa bát cơm. Do đó, khi ăn cũng nên chú ý lượng tiêu thụ. Vì chuối rất giàu ion kali nên bệnh nhân mắc bệnh thận cũng nên cân nhắc việc ăn chuối. Nhưng đối với những người bị huyết áp cao, kali cao thực sự có thể giúp kiểm soát huyết áp.

Bác sĩ Wu Baishan cũng nhắc nhở mọi người đừng chỉ tập trung ăn một loại trái cây tốt cho sức khỏe mà nên tiêu thụ đa dạng nhiều loại, nhất là các loại quả chứa chất phytochemical có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn tốt và tạo môi trường đường ruột thuận lợi cho sự sinh sản của vi khuẩn tốt.

Chuối là thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Dù đã cao tuổi, bà Tomiko vẫn minh mẫn và luôn cư xử lịch sự với các nhân viên chăm sóc. Bà thường xuyên dành cho họ những lời cảm ơn chân thành khiến những người xung quanh không khỏi quý mến bà. 

Người thân của bà Tomiko cho rằng bí quyết giúp bà sống thọ và khỏe mạnh là nhờ tình yêu bất diệt với các hoạt động thể chất và quan điểm sống tích cực. 

MINH MINH

Bình luận(0)