Vợ chồng tôi đều là cán bộ công chức nên sinh con rất có kế hoạch. Chúng tôi may mắn sinh được 2 người con 1 trai 1 gái. Mặc dù cùng nuôi dạy, chăm chút như nhau nhưng tính cách của 2 con từ nhỏ đã rất khác biệt.
Nếu như con trai rất điềm đạm, học giỏi và chịu khó học hành thì con gái út lại nóng vội, làm gì cũng ẩu và không chịu học hành tử tế. Vì thế chẳng có gì lạ lẫm khi họp phụ huynh cho con trai, vợ chồng tôi được mát mày mát mặt còn khi họp phụ huynh cho con gái, chúng tôi không biết phải giấu mặt vào đâu vì con vừa học kém lại nghịch ngợm.
Lúc nào vợ chồng tôi cũng phải lo lắng cho con gái. (Ảnh minh họa)
Khi lớn lên, 2 con cũng có cuộc sống và tương lai khác hẳn nhau. Con trai tôi sau khi có công việc ổn định, đi làm mua được nhà riêng mới yêu đương và kết hôn. Vì thế cuộc sống của con trai con dâu rất ổn định. Không bao giờ chúng làm phiền đến bố mẹ hay yêu cầu bố mẹ phải hỗ trợ.
Thậm chí khi con dâu mang bầu, đi đẻ, tôi cho các con 1 khoản 50 triệu đồng để con dâu có thể chọn 1 gói sinh dịch vụ như ý nhưng chúng không nhận, bảo có thể tự lo được, bố mẹ cứ để đó dưỡng già. Sau sinh, con dâu cũng không nhờ vả bố mẹ chăm cữ mà tự mình ở cữ để được trải nghiệm làm mẹ và chăm con theo ý mình. Chúng tôi nhớ cháu lúc nào thì chỉ sang chơi là đủ.
Nhưng con gái tôi thì khác. Ngay khi còn đang học năm 3 đại học, con đã yêu đương và để nhỡ có bầu với một anh bạn chỉ lớn hơn 1 tuổi, đang học năm cuối 1 trường đại học khác. Khi 2 đứa về thông báo với gia đình tin “2 vạch”, vợ chồng tôi điếng người.
Nếu bắt các con bỏ thai thì phải tội đứa trẻ trong bụng mà không bỏ phải lên kế hoạch cưới xin ngay. Trong khi đó 2 đứa còn quá trẻ, đang phải học hành chưa kiếm ra tiền. Mọi sinh hoạt hàng ngày bố mẹ 2 bên vẫn phải lo cho các con và cho cả đứa cháu trong bụng nữa.
Cuối cùng bàn đi bàn lại, 2 bên gia đình thống nhất đám cưới. Sau cưới vì thai đã được 7 tháng nên con gái tôi phải tạm thời bảo lưu việc học để sinh xong mới tiếp tục.
Ở nhà dưỡng thai, con được mẹ chồng cho 5 triệu và mẹ đẻ cho 5 triệu mỗi tháng tiêu pha ăn uống mà không tháng nào số tiền ấy đủ với con. Do trước đây không biết cách chi tiêu, không có ý thức tiết kiệm, con gái tôi tháng nào cũng chi tiêu quá tay. Cứ thích ăn gì, mua bán gì là con vung tay vô tội vạ.
Mang bầu mà con suốt ngày cầm điện thoại. Tối đến cũng chẳng nghỉ ngơi cứ cầm điện thoại chươi game đến khuya mới ngủ. Điều này khiến bà thông gia nhà tôi rất lo lắng.
Nhiều lần bà thông gia đã nhắc con nên hạn chế thời gian sử dụng điện thoại đi nhưng con không nghe. Hết cách, bà chỉ còn biết than phiền với tôi vì e ngại sử dụng điện thoại di động quá nhiều sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt cho thai nhi và sức khỏe của con dâu. Tôi phải nói rất nhiều, con cũng chẳng tiếp thu còn bảo bố mẹ cổ hủ.
Cuối tuần rồi con gái bầu sắp tròn 9 tháng. Con đột ngột sang nhà ngoại xin mẹ 30 triệu để chuẩn bị đi đẻ bởi ngày dự sinh cận kề mà vợ chồng chẳng có 1 đồng trong ví.
Đây không phải lần đầu tiên con ngửa tay xin tiền bố mẹ đẻ mà từ khi cưới đến giờ, hiếm có tháng nào con không xin thêm. Lúc xin 3 triệu, lúc lại 4-5 triệu. Tất nhiên thương con nên dù cằn nhằn vài câu tôi vẫn rút ví cho.
Lần này con bảo con rể vừa phải đóng mấy chục triệu tiền học phí kỳ 2 nên khoản tiền tích cóp được đã hết. Con ngại mở miệng xin mẹ chồng nên đành về muối mặt xin mẹ đẻ. Thấy con gái bầu vượt mặt như vậy mà tôi vừa giận vừa thương và vừa thấy ân hận quá. Tôi nhân cơ hội bắt con không được dùng điện thoại nhiều khi sắp đẻ và sau sinh thì sẽ cho con khoản tiền này. Không còn cách nào khác, con buộc phải nhận lời.
Thấy con bụng bầu vượt mặt vẫn về ngửa tay xin bố mẹ tiền đi đẻ mà tôi vừa thương vừa giận, vừa ân hận. (Ảnh minh họa)
Tới giờ phút này, tôi ân hận vì đã không quản chặt, nuôi dạy con nghiêm khắc để con có thể tự chủ được cuộc sống cũng như kế hoạch làm mẹ của mình. Đằng này con đã có bầu ngoài ý muốn phải cưới sớm nên mới thế này. Mới bầu bí đã vậy, không biết sau sinh cuộc sống của con còn rối ren, túng thiếu thế nào nữa đây?
Mẹ bầu dùng điện thoại nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Trong giai đoạn đầu 3 tháng đầu của thai kỳ, nếu mẹ bầu sử dụng điện thoại không đúng cách sẽ gây nhiều tổn hại cho sự phát triển của thai nhi. Ở giai đoạn này, phôi thai sẽ bắt đầu phát triển. Đây chính là khoảng thời gian mà phôi thai rất dễ bị tổn thương do những tác động từ bên ngoài. Do đó tốt nhất trong giai đoạn này mẹ bầu nên hạn chế sử dụng điện thoại.
Ở giai đoại tháng thứ 4 đến tháng thứ 8, đây chính là thời kỳ hình thành thai nhi. Trong giai đoạn này, nếu thai nhi chịu ảnh hưởng từ bức xạ trên điện thoại sẽ làm giảm khả năng miễn dịch của thai nhi. Sau này thai nhi chào đời cơ thể sẽ yếu ớt và khả năng miễn dịch kém.
Có thể thấy sử dụng điện thoại di động nhiều hay những vật dùng có độ bức xạ cao sẽ gây những ảnh hưởng không tốt cho thai nhi và sức khỏe của sản phụ. Tốt nhất đối với phụ nữ mang thai nên hạn chế sử dụng điện thoại và nên sử dụng điện thoại đúng cách để hạn chế sự bức xạ điện từ:
- Nên hạn chế dùng điện thoại di động, có thể dùng máy nhắn tin hoặc dùng điện thoại bàn.
- Khi nói chuyện qua điện thoại thì thời gian đàm thoại nên ngắn, tránh việc sử dụng điện thoại lâu.
- Khi nhận thấy tín hiệu điện thoại không tốt, tốt nhất không nên tiếp tục sử dụng máy.
- Không nên để điện thoại gần thai nhi.
- Tránh để điện thoại gần đầu.