Gần chục năm qua, Lan Phượng (SN 1993, quê Thái Bình) trải qua vô số công việc ở các lĩnh vực khác nhau, có những trải nghiệm chẳng bao giờ quên. Và cuối cùng cô nàng quyết định mạo hiểm với kinh doanh và chăm sóc khách hàng.
“Mình làm nhiều nghề lắm, từ phiên dịch tiếng Nhật, Trung cho đến trợ lý quảng bá hình ảnh cho vài bạn trẻ “nổi tiếng” tại TP.HCM, viết kịch bản phim Sitcom… Sau đó mình nghĩ bản thân đã “có tuổi” cần công việc ổn định với mức thu nhập đủ sống tại thành phố phồn hoa nên xin vào làm tại công ty chuyên giáo dục kết hợp giải trí dành cho trẻ em.
Mnh làm một thời gian thì phát hiện bị công ty nợ tiền bảo hiểm liền vùng lên đòi quyền lợi. Mình đòi cả năm trời chẳng có kết quả, đành “nhảy việc”, quay trở về với công việc kinh doanh và chăm sóc khách hàng”, cô gái độc thân chia sẻ.
Bạn bè thắc mắc vì sao Lan Phượng không tiếp tục xin việc bởi đã sẵn biết ngoại ngữ, có năng lực và kinh nghiệm, nếu “để vậy” sẽ phí hoài bao công học tập, làm việc trước đó. Song cô chỉ cười, chẳng biết giải thích sao cả vì mỗi người một quan điểm sống khác nhau.
“Mình từng kinh qua nhiều việc, hiểu rõ môi trường cũng như áp lực. Mình nhận ra công việc nào cũng có khó khăn, căng thẳng riêng nhưng đi làm thuê sẽ phải chịu cảnh bị cấp trên quản lý. Vì thế mình nảy ra ý tưởng rủ người bạn kinh doanh đồ ăn vặt, đặc sản miền Tây. Mình muốn góp chút sức nhỏ quảng bá đặc sản vùng miền đến người dân trong nước và các bạn trẻ ở khu vực lân cận Việt Nam”, Lan Phượng chia sẻ.
Cô gái 30 tuổi quyết định làm chung với bạn nên không phải ôm đồm tất cả. Cô nàng phụ trách mảng giao vận và chăm sóc khách hàng, còn người bạn đảm nhiệm marketing.
Hằng ngày, Lan Phượng dậy từ sớm chốt đơn, chuẩn bị hàng để nhân viên đóng gói, gửi cho bên vận chuyển. Thi thoảng có cuộc gọi phản ánh từ khách hàng, cô sẽ phải giải đáp và giải thích cho khách.
“Quả thực mình thấy tự làm chủ có chút thoải mái hơn đi làm thuê nhưng áp lực và khó khăn chắc hơn gấp nhiều lần. Ban đầu mình khá sốc, không chịu được cảnh bị “tấn công” điện thoại 24/24 nhưng dần cũng quen và nhận biết được đâu là cuộc gọi của khách hàng, đâu là kẻ chỉ thích làm phiền người khác.
Theo đó, khách hàng thường gọi vào giờ hành chính để mình giải quyết hàng hoá, đơn đi đơn về… Còn lại là những kẻ vô công rồi nghề, có sở thích gọi điện trêu chọc người bán hàng”, Lan Phượng chia sẻ.
Chưa dừng ở đó, Lan Phượng cũng gặp nhiều khách hàng với các tính cách khác nhau. Cô nàng sợ nhất kiểu người khó tính, khó chiều luôn tìm cách gây khó dễ cho cô và các nhân viên. “Kinh doanh giống như làm dâu trăm họ, chịu đủ sức ép từ khách hàng.
Mình không thích và không bao giờ muốn tiếp chuyện với khách có tính cách dị dị, khó chiều và kẹt xỉ. Họ không phải là người không có tiền nhưng cư xử rất kỳ cục, đưa ra yêu cầu oái oăm mà chính mình cũng không thể lý giải được”, cô gái quê lúa cho hay.
Một lần, Lan Phượng gặp vị khách gọi điện hỏi các mặt hàng mà cô kinh doanh. Cô biết người này cố tình làm phiền nhưng vẫn lịch sự trả lời. Khi họ hỏi cắc cớ: “Ăn chay trường có ăn được khô bò, da cá…” hay không, cô từ tốn đáp rằng sản phẩm chỉ dành cho người không ăn chay trường. Song họ vẫn không chịu cúp máy, cô đành chủ động xin phép dừng cuộc trò chuyện lại.
“Vậy mà họ vẫn gọi điện đến và trách mắng mình tư vấn không có tâm. Thậm chí họ còn đánh giá 1 sao cho cửa hàng. Mình không thể hiểu nổi vì sao họ lại làm như vậy, cho đến khi gặp nhiều kiểu khách oái oăm hơn như vậy.
Lúc đó mình nhận ra đã dấn thân vào con đường tự kinh doanh phải chịu hiện thực là thi thoảng có thể gặp khách có tính cách khác thường”, Lan Phượng nói.
Nhắc đến chuyện “phi thương bất phú”, cô gái cho biết xưa bản thân cũng có quan điểm chỉ người làm kinh doanh mới giàu có, nhưng khi “trải nghiệm” mới nhận ra không phải ai buôn bán cũng giàu. “Mình nói hẳn nhiều người không tin nhưng thu nhập hiện tại của mình chỉ chừng 11 triệu đồng.
Chúng mình phải chi trả mặt bằng thuê cửa hàng, nhân viên và các khoản khác. Sau khi trừ lại, hai đứa mới chia nhau tiền và tính thu nhập. Mình biết đó không phải số tiền lớn nhưng giữa thời buổi kinh tế khó khăn như hiện tại thì cũng gọi là tạm ổn.
Mình hy vọng sắp tới sẽ mở rộng tệp khách hàng ở các nước trong khu vực Đông Nam Á. Lúc đó mình sẽ được vận dụng khả năng ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Thái, tiếng Trung của mình”, Lan Phượng hào hứng nói.