Xóm nhà phao nằm tại bãi giữa sông Hồng (chân cầu Long Biên, Hà Nội) được hình thành cách đây gần 40 năm bởi ông Nguyễn Đăng Được (78 tuổi, quê ở Quảng Bình). Những người dân trong xóm đều là dân tứ xứ tụ tập về đây để mưu sinh bằng nghề lao động chân tay. Nhà của họ thực chất là những căn lều phao dựng tạm bợ nổi trên mặt sông, lênh đênh như chính cuộc đời của họ…
Những căn nhà phao ở bãi giữa sông Hồng, sau bão càng trở nên hoang tàn hơn.
Những đứa trẻ thiếu thốn tình thương từ cha mẹ
Hiện nay, xóm có hàng chục hộ dân sinh sống. Mỗi người một hoàn cảnh, số phận riêng, nhưng đều có điểm chung là nghèo khó, nên “trôi dạt” về cư ngụ tại khúc sông này.
Đặc biệt là những đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại bãi bồi, phần lớn các em là kết quả của những cuộc tình dang dở. Ông Được cho biết, có đến gần một nửa bọn trẻ trong xóm đang sống cùng ông bà, bố mẹ chúng đều đã bỏ đi nơi khác hoặc mất do ốm đau bệnh tật.
Hàng ngày, đám trẻ con trong xóm tụ tập chơi đùa quanh bãi bồi, đứa thì theo người lớn đi làm thuê, nhặt ve chai kiếm sống. "Từ quần áo, đồ dùng sinh hoạt hay sách vở, đều là của các nhà hảo tâm gửi tặng, có khi thì ông bà đi xin về cho các cháu chứ chưa bao giờ có được bộ quần áo mới", ông Được chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Đăng Được, chủ xóm nhà phao cũng là người giúp cho những đứa trẻ ở đây được đến trường.
Đến tuổi đi học, những đứa trẻ ở xóm nhà phao chỉ tham gia những lớp học tình nghĩa từ các tổ chức tình nguyện, có bé còn không được đến trường vì không có kinh phí.
“Có cháu cố gắng để đi học, nhưng cũng có cháu không đủ tiền đóng học phí nên đành phải dừng việc học lại. Thương các cháu, nhưng tôi không biết phải làm thế nào. Tôi cũng chỉ kêu gọi những lớp học tình nghĩa để mong trẻ con trong xóm biết đọc, biết viết. Số phận chúng nó đã như vậy rồi, trôi lênh đênh như những ngôi nhà phao ấy…” ông Được thở dài.
Tết Trung thu là một điều gì đó quá xa xỉ
Những đứa trẻ ở xóm chân cầu Long Biên đều có người thân làm đủ thứ nghề, từ cửu vạn, đẩy xe hàng, gánh hàng thuê đến đồng nát, nhặt ve chai, bán hoa quả,... Từ người già đến trẻ nhỏ, đều trôi nổi trên sông, tìm kế mưu sinh với những bữa cơm đạm bạc sống qua ngày. Với những đứa bé ấy, Tết Trung thu vẫn là một điều gì đó xa xỉ, nằm ngoài tầm với.
Cuộc sống khốn khó với vài triệu đồng tiền công hàng tháng đi cắt cỏ thuê, bà Oanh (60 tuổi) chưa khi nào để dành được chút tiền để mua cái bánh trung thu hay món đồ chơi cho đứa cháu ngoại 9 tuổi. Thương cháu nhưng chẳng biết làm thế nào, chỉ biết chăm chỉ đi làm để kiếm từng đồng đủ hai bà cháu có bữa cơm no.
Bà Oanh và cháu ngoại hôm nay được nhận chút quà.
Bà Oanh có hai con gái, đều sinh ra và lớn lên tại xóm nhà phao này. Chị lớn lấy chồng ở Hải Phòng, cuộc sống cũng bấp bênh nên chẳng giúp được gì cho mẹ. Còn người con thứ hai sau khi sinh em bé thì bỏ đi biệt tích, gia đình nhà trai không nhận nên bà Oanh một mình nuôi cháu khôn lớn.
Bà Oanh đặt tên cháu là Nguyễn Tiến Hiếu. Đến nay, bé Hiếu vẫn đang học lớp tình nghĩa và chậm hơn các bạn cùng trang lứa một năm.
“Cũng chẳng biết cho cháu đi học được đến bao giờ vì không có tiền, bà thì yếu rồi chỉ làm mấy việc lao động chân tay nhẹ thôi… Hôm nào cháu không đi học lại theo bà đi làm, ra đó, nó nhặt nhạnh được cái chai cái lọ lại đem về tích góp bán lấy tiền. Khổ lắm, có bao giờ mua được cho cháu món đồ chơi hay cái bánh đâu”, bà Oanh tâm sự.
Cứ như vậy, hai bà cháu sống trong căn nhà phao trôi nổi giữa sông nhờ vào nguồn thu nhập ít ỏi từ việc cắt cỏ thuê.
Bé Hiếu trông khôi ngô, nhanh nhẹn và rất lễ phép. Cậu bé cười thích thú và chẳng thể giấu nổi sự vui mừng, ánh mắt loét lên niềm hạnh phúc khi nhận món quà trung thu nhỏ của đoàn từ thiện gửi tặng. “Cháu nhớ mẹ lắm, nhận được quà Trung thu cháu rất vui, cháu sẽ chia cho các bạn, mang đồ chơi đi chơi cùng các bạn”, nói rồi Hiếu chạy đi trong niềm vui sướng vì hôm nay có quà.
Với Hiếu, một cái Tết Trung thu trọn vẹn hơn là em được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, nhưng mà điều ước này dường như đã quá xa xỉ với đứa trẻ 9 tuổi...
Đứa trẻ vui vẻ mang quà đi chia cho các bạn.
Chia sẻ thêm về hoàn cảnh những đứa trẻ xóm cầu phao, ông Được cho biết tụi nhỏ ở đây không hề biết Tết Trung thu là gì. Khi nào các nhà hảo tâm tới hỗ trợ, các cháu mới có gói bánh, món đồ chơi. “Tôi chỉ dám thu của mỗi gia đình 20.000 đồng/tháng để làm quỹ chung, thăm hỏi thuốc men khi ốm đau nhẹ, gọi là tình làng nghĩa xóm. Quanh đây toàn là lao động nghèo, chẳng có tiền, lấy đâu ra trung thu hay những món đồ chơi cho các cháu”, ông Được nói thêm.
Quả thực, tại xóm nhà phao ấy đều là những mảnh đời bất hạnh, hầu hết những đứa trẻ cứ sinh ra, lớn lên và lại tiếp tục vòng đời luẩn quẩn như bố mẹ, ông bà chúng. "Đời mình đã khổ rồi, chỉ mong đời con cháu mình sẽ thoát khỏi bóng tối, được vươn xa, bay ra với thế giới ngoài kia, có vậy thôi mà khó lắm", ông lão 78 tuổi nở nụ cười hiền khô, nhìn về phía những đứa trẻ đang nô đùa trên bãi…