Trong bộ phim tài liệu do Netflix sản xuất có tên là “Tuổi thọ: Bí mật của Bluezones (Vùng Xanh)” do nhà văn, nhà nghiên cứu Dan Buettner làm đạo diễn đã khám phá chủ đề về cách để kéo dài tuổi thọ. Trong phim có đề cập rằng, việc chạy lên xuống cầu thang không có gì là mới mẻ với chúng ta nhưng lại có mối tương quan trực tiếp với tuổi thọ con người.
Theo đó, ở những vùng có tỉ lệ người sống thọ cao, vì lý do địa hình mà người dân địa phương phải đi bộ lên xuống núi hàng ngày. Sau khi phỏng vấn 300 người sống trên trăm tuổi, các chuyên gia về tuổi thọ đã đưa ra một kết luận quan trọng rằng, việc đi lên xuống núi hàng ngày chính là chìa khóa để tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Vì vậy, nếu bạn muốn sống lâu hơn, lời khuyên đơn giản và hiệu quả nhất là hãy tham gia nhiều môn thể thao ngoài trời và đi cầu thang khi có thời gian.
Bởi vì không phải ai cũng có thể ở những địa hình đồi núi để lên xuống núi mỗi ngày nên việc leo cầu thang bộ là cách đơn giản nhất.
Leo cầu thang là cách đơn giản nhất để chúng ta có được một cơ thể khỏe mạnh. (Ảnh minh họa)
Leo cầu thang là cách đơn giản để chống lại lối sống thụ động
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, lối sống ít vận động quá phổ biến trong thế giới hiện đại ngày nay, là một yếu tố góp phần chính gây ra tình trạng béo phì toàn cầu. Đi cầu thang bộ là một cách nhanh chóng và dễ dàng để thoát khỏi lối sống thụ động, cũng như tăng cường hoạt động thể chất vào cuộc sống hàng ngày của bạn. Cầu thang thường ở ngay trước mặt chúng ta, vì vậy đi cầu thang bộ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc đến phòng tập thể dục hoặc đến sân thể thao.
Lên xuống thang bộ mỗi ngày có thể mang lại những hiệu quả sau cho sức khỏe:
Giảm nguy cơ đột quỵ
Theo kết quả một nghiên cứu có tên là Harvard Alumni Health Study, với sự tham gia của hơn 11.000 nam giới, hoạt động thể chất như leo cầu thang có thể giảm nguy cơ bị đột quỵ. Cụ thể, một người leo cầu thang ít nhất 20 lần mỗi tuần, thì nguy cơ bị đột quỵ trong tương lai sẽ giảm đáng kể.
Đốt cháy nhiều calo hơn
Thực hiện các bài tập thể dục thường xuyên có lợi cho sức khỏe của một người và leo cầu thang là lựa chọn dễ dàng nhất để đốt cháy calo. Một nghiên cứu cho rằng, leo cầu thang giúp đốt cháy nhiều calo mỗi phút hơn các môn như chạy bộ và chèo thuyền.
Tăng cường cơ bắp
Khi bạn leo cầu thang, tất cả cơ của hai chân, cơ bụng, cùng với chuyển động của 2 cánh tay, chưa kể đến các cơ ở lưng cùng phải hoạt động, giúp hệ cơ bắp mạnh mẽ, chắc khoẻ hơn. Vận động cơ còn tăng cường trao đổi chất, nghĩa là sẽ có nhiều calo bị đốt cháy hơn, từ đó bạn có thể giảm nhiều cân hơn.
Leo cầu thang thường xuyên giúp chúng ta đạt được rất nhiều lợi ích sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Cải thiện các chức năng của phổi
Leo cầu thang hiệu quả hơn tập thể dục trong việc cải thiện chức năng phổi ở một bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Đây được coi là một cách đơn giản và an toàn để cải thiện bệnh ở bệnh nhân COPD.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Được coi là một hình thức tập luyện cường độ cao, leo cầu thang giúp cải thiện sức khỏe tim mạch về lâu về dài. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đi cầu thang bộ thường xuyên giúp bạn cải thiện sức khỏe tim mạch và ngừa các bệnh lý tim mạch và có thể tăng tuổi thọ lên đến 7 năm.
Cải thiện sức khỏe tinh thần
Leo cầu thang giúp cải thiện nhận thức và tâm trạng tốt hơn so với những buổi tập thể dục cường độ nặng. Một trạng thái tinh thần tốt mới có thể giúp con người khỏe mạnh và trường thọ.
Việc lên xuống cầu thang bộ đơn giản, dễ thực hiện mà hiệu quả không hề thua kém bất cứ bài tập cường độ cao nào. (Ảnh minh họa)
Ngăn ngừa nguy cơ loãng xương
Leo cầu thang giúp ngăn ngừa tình trạng mất xương. Mặc dù các bài tập luyện dưới nước rất hữu ích cho người cao tuổi để ngăn ngừa mất xương, nhưng các bài tập trên cạn như leo cầu thang lại hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc cải thiện sức khỏe xương tổng thể có thể giúp giảm đau do viêm khớp, vốn thường gặp ở những người đang chống chọi với bệnh béo phì.
Ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tiểu đường
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, leo cầu thang cũng có tác dụng to lớn trong việc giảm lượng đường trong máu, có ý nghĩa trong việc ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tiểu đường. Sử dụng cầu thang ngay cả trong thời gian ngắn có thể giúp làm giảm lượng đường ở bệnh nhân tiểu đường loại 2.
Chú ý tư thế đúng
Điều duy nhất cần lưu ý là tư thế khi lên xuống cầu thang. Trong khi bước, thư giãn cổ và giữ thẳng lưng, để vai được thư giãn. Khi bước phải đặt toàn bộ bàn chân lên mỗi bậc thang, bước đi nhẹ nhàng, không cầm nắm thêm dụng cụ nào khác (như tạ tay) vì có thể làm tăng đáng kể nguy cơ chấn thương. Ngoài ra, sử dụng cánh tay khi lên xuống cầu thang có thể kích hoạt các cơ của toàn cơ thể một cách hiệu quả hơn.