H.D (23 tuổi, ở Hà Nội), hiện đang là nhân viên kinh doanh cho một công ty liên doanh nước ngoài, do đặc thù công việc D thường xuyên đi nhậu cùng đối tác, bạn bè. Sau mỗi cuộc nhậu ngà ngà men rượu, D hay đi hát karaoke có “tay vịn” để thêm phần hưng phấn.
Hồi đầu tháng 9/2024, D có đi hát cùng đối tác, sau đó có “qua đêm” với một cô gái bằng tuổi, là nhân viên hát cùng trong quán trước đó. “Do tâm sự trong quán hát hợp nhau, nên cả hai bên đều tự nguyện qua đêm, không ngờ sau đó em lại dính một “vố” đau đến vậy”, D chia sẻ.
Theo lời kể của D, thời điểm cả hai “vui vẻ” bên nhau, dù đã có men rượu nhưng D vẫn ý thức bảo vệ bản thân bằng cách dùng bao cao su. Tuy nhiên, do quan hệ quá lâu, D đã bị cô gái giở trò bằng cách rút bao cao su ra để nhanh về đích và đó chính là nguyên nhân khiến chàng trai trẻ phải nhận trái đắng sau này.
Sau cuộc “mây mưa” đó, hai người đường ai nấy đi, nhưng gần một tuần sau D bắt đầu có hiện tượng tiểu buốt, chảy dịch mủ ở niệu đạo với tình trạng ngày càng tăng. Lo lắng mắc bệnh, D đã xin tư vấn của bác sĩ và đi khám, kết quả cho thấy nam thanh niên này mắc bệnh lậu và có chỉ định điều trị.
Thanh niên nhận trái đắng vì bị nữ nhân viên giở trò vì quan hệ quá lâu. Ảnh minh họa.
Trong quá trình điều trị lậu, D vẫn vô cùng lo lắng, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý vì sợ mắc HIV do bị rút bao cao su khi quan hệ trước đó. “Đến ngày thứ 16 sau khi quan hệ không an toàn, khi đó em vẫn đang điều trị bệnh lậu nhưng do quá lo lắng nên đã đi lấy máu xét nghiệm HIV, kết quả cho âm tính nhưng bác sĩ tư vấn vẫn cần phải theo dõi, xét nghiệm lại sau 3-6 tháng mới khẳng định được”, D nói.
Ths.BS Phạm Quang Khải, khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E) cho biết, những trường hợp mắc bệnh tình dục do quan hệ tình dục không an toàn như nam bệnh nhân trên không hề hiếm gặp, thậm chí nhiều người còn mắc “combo” nhiều bệnh cùng một lúc. Trong đó những bệnh có tỉ lệ mắc nhiều nhất là lậu, sùi mào gà, Chlamydia hay một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như giang mai, viêm gan B, HIV…
Theo bác sĩ Khải, việc nam thanh niên lo lắng bản thân mắc bệnh HIV là hoàn toàn có cơ sở, bởi trước đó có quan hệ tình dục không an toàn với người có nguy cơ cao. Thực tế, thanh niên này đã bị mắc lậu, thì hoàn toàn có khả năng mắc HIV và các bệnh khác.
Các chuyên gia cũng cho rằng, với thời gian 16 ngày sau quan hệ cho kết quả âm tính cũng chưa chắc đã an toàn, vì thế cần phải theo dõi và xét nghiệm trong thời gian tới. Theo các tài liệu khoa học, trong khoảng 6 tuần từ thời điểm phơi nhiễm bệnh, kết quả xét nghiệm chưa đảm bảo độ chính xác cao, có nghĩa vẫn có thể sai số (khoảng thời gian cửa sổ). Vì thế, sau khoảng 2-3 tháng tính từ ngày có nguy cơ phơi nhiễm vẫn phải xét nghiệm lại.
Thời điểm xét nghiệm HIV cho kết quả chính xác nhất là khoảng 2-3 tháng từ khi bị phơi nhiễm. Ảnh minh họa.
Các thống kê cho thấy, có đến 95% bệnh nhân xét nghiệm tìm ra bệnh không dưới 5 tháng sau khi phơi nhiễm với virus HIV. Ở một số ít người, có khi còn sau cả vài năm mới phát hiện được nhiễm HIV. Các xét nghiệm máu hiện nay thường qua 2 bậc:
- Các xét nghiệm bậc 1 thường là test nhanh và được tiến hành 2 lần để giảm bớt sai lệch do kỹ thuật viên hoặc thiết bị gây nên.
- Nếu thử nghiệm bậc 1 dương tính, lúc đó một loạt các xét nghiệm bậc 2 được dùng để khẳng định tình trạng nhiễm bệnh.
Do vậy, với trường hợp trên, dù kết quả ban đầu cho âm tính, nhưng sau đó 2-3 tháng vẫn nên đi xét nghiệm lại, vì đây là thời gian cho kết quả chính xác nhất.
Để phòng HIV và các bệnh lây qua đường tình dục khác, bác sĩ Phạm Quang Khải khuyến cáo, hãy tình dục an toàn; chung thủy với vợ/chồng hoặc bạn tình; khám sức khỏe tình dục, làm xét nghiệm loại trừ tác nhân gây bệnh tình dục trước khi quan hệ hoặc định kỳ 6 tháng/lần.