Người dân ở ấp Mỹ Giang, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn (An Giang) đều biết đến trường hợp của Lê Tấn Phát (SN 2004), cậu bị câm điếc bẩm sinh và hiện đang sống cùng bà nội trong một căn nhà nhỏ. Dù không thể nghe, nói, nhưng Phát đã chứng minh cho mọi người thấy rằng, khiếm khuyết không phải là rào cản trong quá trình cậu theo đuổi đam mê và thực hiện ước mơ của bản thân.
Tài năng đặc biệt của cậu bé khuyết tật
Phát sinh ra trong một gia đình nghèo, nhà có 3 anh em chỉ mình Phát bị câm, điếc bẩm sinh và chỉ giao tiếp qua cử chỉ. Khi cha mẹ Phát chia tay, cậu được cha đưa lên thành phố mưu sinh. Một thời gian sau, Phát về quê sống cùng bà nội và theo đuổi đam mê làm xe mô hình.
Theo chia sẻ của bà nội, Phát đã làm xe mô hình 7 năm nay. Trước đây, cậu chỉ làm thủ công, tạo ra những chiếc xe nhỏ bằng cây đơn giản rồi đem bán. Sau này, khi có nhiều nhà hảo tâm ủng hộ tiền mua máy móc thiết bị, Phát mới có máy và mua thêm nguyên liệu để làm xe hiện đại hơn.
Phát hăng say chế tạo xe mô hình
“Cháu chỉ nhìn thấy xe người ta chạy ngoài đường rồi về làm được. Cháu khổ, bệnh tật nhưng mà lạc quan, chăm chỉ làm những việc trong khả năng của mình. Từ lúc xem được những hình ảnh trên mạng, cháu bắt đầu có hứng thú, đam mê và chế tạo xe mô hình. Cháu không biết chữ, cũng không được đi học hay có ai đào tạo mà tự cháu mày mò làm ra, nhiều khi tôi cũng thắc mắc không biết tại sao cháu làm được", bà nội Phát chia sẻ.
Có thể thấy, mỗi chiếc xe mô hình của Phát đều mang một dấu ấn riêng. Nào là những chiếc “Cup 50”, “Cup 70” nhỏ nhắn, năng động hay những chiếc xe “Dream” mang vẻ đẹp hoài cổ. Ban đầu, nhiều người nghĩ đó chỉ là thú vui, sớm qua mau nhưng không ngờ càng làm Phát càng say mê và sáng tạo hơn.
Bà nội là người chăm sóc và nuôi dưỡng đam mê cho Phát
Bà nội Phát cũng cho biết thêm, phải mất khoảng 4 ngày để hoàn thành một chiếc xe, thậm chí cả tuần miệt mài sáng tạo mới hoàn thành sản phẩm. Thói quen của Phát là làm một loạt nhiều chiếc xe cùng chủng loại. Sau khi tạo khung, làm sườn sẽ gắn yên xe và bổ sung các chi tiết nhỏ khác, sau cùng là sơn màu theo ý thích và gắn biển số xe,… tạo thành chiếc xe với đầy đủ các bộ phận.
Điều đặc biệt là những chiếc xe này có thể hoạt động và lăn bánh như thật. Mọi chi tiết đều được làm rất tỉ mỉ, công phu, từ nhưng chi tiết nhỏ nhất đều trông như thật. Qua đôi bàn tay khéo léo của mình, Phát đã biến những mảnh gỗ vụn, ống nhựa cứng trở thành tác phẩm nghệ thuật sống động, mang đến niềm vui cho bản thân và những người xung quanh.
Tạo ra nguồn thu từ niềm đam mê
Những chiếc xe mô hình đầu tiên của Phát đã được nhiều người hỏi mua, rồi giới thiệu khắp nơi. Từ sự tò mò đến tập trung tìm tòi, sáng tạo, tác phẩm xe mô hình của Phát đã được nhiều người đón nhận. Đó thực sự là niềm vui, hạnh phúc của chàng trai khiếm khuyết quyết không đầu hàng số phận.
Mỗi chiếc xe đều được làm rất tỉ mỉ, chi tiết
Bà nội Phát chia sẻ, ban đầu, những chiếc xe nhỏ làm bằng cây bán được khoảng vài chục nghìn. Mọi người mua ủng hộ ngày càng nhiều, Phát càng có động lực sáng tạo. Sau này, những chiếc xe hiện đại cầu kỳ hơn được bán với giá khoảng 400.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, Phát còn làm xe mô hình theo yêu cầu khách hàng, chỉ cần nhìn thấy mẫu là Phát sẽ làm được.
Những chiếc xe đều có thể hoạt động và trông giống y như thật
Được biết trước đây, Phát còn mày mò học cách sửa xe đạp, rồi thỉnh thoảng, cậu cũng vẽ tranh ký họa để kiếm thêm thu nhập phụ gia đình trang trải cuộc sống. Dù không thể giao tiếp bằng lời nói, nhưng Phát đã tìm cách khẳng định bản thân thông qua những tác phẩm nghệ thuật và việc làm có ý nghĩa của mình.
Khi có người giúp cậu tham gia Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của tỉnh nhà năm 2024 mới đây, dự án chế tạo xe mô hình từ vật liệu tái chế của Lê Tấn Phát đã đạt giải khuyến khích. Đó là động lực để chàng trai khiếm khuyết ấy tiếp tục cố gắng, vươn lên không ngừng và khẳng định bản thân.
Nguồn: Bùi Hồ TV