Bồ công anh còn có tên gọi khác là diếp hoang, rau bồ cóc, mũi mác hay rau lưỡi cày, có tên khoa học là Lactuca indica - thuộc họ cúc Asteraceae. Đây là cây thân thảo, lá có nhiều hình dạng khác nhau, thân và lá cây chứa nhựa màu trắng như sữa, vị đắng.
Ở Việt Nam, cây bồ công anh mọc hoang dại ở khắp nơi, từ bờ ao, bờ sông đến ven đường và các bãi đất trống. Loài cây này mọc vào tháng 3, tháng 4, thu hoạch vào tháng 9, tháng 10 hàng năm.
Từ xưa, người dân ở các miền quê đã sử dụng bồ công anh như một loại rau ăn và một loại thảo dược có nhiều công dụng với sức khoẻ. Theo đó, cây này có vị hơi nhẩn đắng, nhưng khi ăn sẽ ngọt hậu và mùi thơm đặc trưng, là món ăn thanh mát trong những ngày hè. Từ bồ công anh có thể là thành các món như gỏi, xào tỏi, xào bò, nấu canh tôm thịt... Ngoài nấu ăn, lá bồ công anh còn làm trà, làm nước sinh tố.
"Cây này ở quê nhiều lắm, người ở quê hái vào làm đủ món ngon, nhưng mình thích nhất là bồ công anh xào tỏi. Rau bồ công anh xào xanh mướt, rau mềm ngon thơm nhẹ mùi tỏi, thấm vị vừa ăn, hòa quyện cùng vị chua nhẹ của nước cốt chanh, rất ngon miệng", bạn Lan Anh (ở Ninh Bình) chia sẻ.
Bồ công anh còn được ví như một loại "kháng sinh tự nhiên", có thể điều trị được nhiều loại bệnh truyền nhiễm như nhiễm trùng đường hô hấp, viêm túi mật, ngăn ngừa cảm cúm… Ở Trung Quốc, từ xưa người ta đã biết dùng bồ công anh làm thuốc. Loại rau này có vị đắng, tính lạnh, có thể giúp tiêu độc, giảm sưng, giảm cholesterol… Ngoài ra, nó còn có tác dụng trong việc giảm các triệu chứng khó tiêu, táo bón, làm sạch mạch máu.
Những tác dụng của bồ công anh:
Cung cấp vitamin K
Sở hữu hàm lượng lớn loại vitamin K, hoa bồ công anh có vai trò lớn trong việc giúp xương chắc khỏe, bảo vệ tim mạch. Loại vitamin này là nguồn cung cấp khoáng cho hệ xương và chống đông máu. Bồ công điều trị bệnh liên quan đến não và tim mạch. Hơn thế nữa, vitamin K đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tính đàn hồi cho da.
Bảo vệ gan
Theo quan điểm của y học cổ truyền, cây bồ công anh có vị đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt giải độc, thông sữa, lợi tiểu rất tốt cho gan nhờ vai trò kiểm soát được lượng mỡ tiếp nạp vào cơ thể và tăng cường việc chuyển hóa và giải độc cho gan. Các bài thuốc về bồ công anh giúp làm giảm mụn, nhọt, mẩn ngứa cho da, bảo vệ da khỏi vết thâm.
Nguồn chất xơ dồi dào
Là một loài thực vật có nhiều ứng dụng, người ta sử dụng lá bồ công anh như một thực phẩm cung cấp chất xơ cho cơ thể. Chế biến lá bồ công anh và sử dụng giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và có tác dụng chống táo bón.
Lợi tiểu
Trong Đông y, bồ công anh còn được gọi là "cỏ đái dầm", bởi nó có tác dụng lợi tiểu rất tốt, giúp hỗ trợ điều trị các bệnh viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm vùng chậu, viêm bể thận…
Phòng ngừa và ức chế sự phát triển của khối u
Rễ cây bồ công anh rất giàu triterpene, có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư. Ngoài ra, Polysaccharide và lentinan là những chất có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp ức chế sự phát triển của khối u.
Vitamin C và luteolin giúp kháng viêm
Đặc tính chống oxy hóa và khử trùng của hoa bồ công anh thể hiện qua hàm lượng vitamin C và luteolin, giúp chống lại nhiễm trùng do virus. Sử dụng trà bồ công anh hỗ trợ trong việc kháng khuẩn, kháng virus hiệu quả.
Đặc tính chống viêm của bồ công anh có thể chữa bỏng tại chỗ, hạn chế để lại sẹo trên da cho bệnh nhân.
Trong cây bồ công anh chữa bệnh nhiễm khuẩn, diệt nấm và giảm vết cắn của côn trùng hiệu quả.
Một số lưu ý khi ăn rau bồ công anh
- Không nên ăn rau bồ công anh khi đang sử dụng sản phẩm có chiết xuất từ các loại thảo mộc như sâm, đinh hương hoặc bột nghệ, bạch quả.
- Người bị đang sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng axit không nên ăn rau này.
- Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng khi ăn rau.