Bánh gai là đặc sản vô cùng nổi tiếng ở các tỉnh như Hải Dương, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình. Nhưng ít ai biết được rằng loại bánh này được làm từ lá của một loại cây nghe tên rất lạ tai, đó là cây gai.
Cây gai còn có tên gọi khác là tầm ma, có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau đó được du nhập và trồng ở nhiều nước như Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Đây là cây ưa ẩm, có thể sống ở vùng nùi và cả đồng bằng.
Cây gai vốn mọc dại hoặc được trồng trong vườn nhà để thu hoạch lá
Về đặc điểm nhận dạng, lá gai mọc so le, hình mác, to hơn, rộng 4 - 8 cm, dài 7 - 15cm, phiến có hình tim, mép có răng cưa. Mặt trên có màu xanh đậm và mặt dưới nhạt hơn do được bao phủ bởi lớp lông trắng.
Lá gai có thể thu hái quanh năm nhưng nên chọn thời điểm trời nắng ráo, tốt nhất là vào cuối mùa hè. Sau khi hái về, người ta sẽ mang đi rửa sạch rồi phơi hoặc sấy khô. Nếu dùng làm bánh thì chỉ cần rửa sạch và mang đi phơi cho ráo nước rồi sử dụng. Nếu trước đây lá gai mọc đầy bờ bụi, ven đường, sau vườn ít ai biết đến, không ai mang ra mua bán thì giờ đây chúng được phơi khô, đóng gói bán ở chợ mạng và các sàn thương mại điện tử.
Lá gai tươi và lá gai khô được bán với giá lên tới 250.000 đồng/kg
Người dân địa phương cho biết lá gai tươi và khô có chất lượng, tạo màu như nhau song lá tươi dễ chế biến hơn. Hiện trên thị trường, lá gai tươi có giá 90.000 đồng/kg, lá gai khô lên tới 250.000 đồng/kg.
Nhiều người đã mở rộng mô hình trồng cây gai để bán ra thị trường. Sau 45 ngày trồng, cây gai bắt đầu cho thu hoạch lá, năng suất bình quân 3 tạ lá tươi/sào. Ngoài lá tươi, để đa dạng sản phẩm, người trồng còn cung cấp lá gai khô theo nhu cầu dự trữ nguyên liệu của khách hàng. Lá gai tươi non xé nhỏ, bỏ gân lá, phơi 2 nắng to, thật khô là được thành phẩm, với tỉ lệ 6 kg lá tươi thành 1 kg lá khô.
Cây gai mang lại giá trị kinh tế khá ổn đinh. Đây là cây trồng 1 lần nhưng thu hoạch 9 - 10 năm, mỗi năm thu từ 4 đến 5 lứa, nên không phải đầu tư trồng nhiều lần như các cây trồng khác.
Bánh gai và bánh ít lá gai là đặc sản nổi tiếng
Từ món ăn của người nghèo, giờ đây bánh gai và bánh ít lá gai được nâng tầm, thành món đặc sản được nhiều người mua về thưởng thức hay làm quà cho người thân, bạn bè. Với bánh ít lá gai, dù nhân bánh rất dẻo nhưng khi ăn không bị dính răng, cảm nhận đầu tiên là vị ngọt của đường sên, vị đắng nhẹ của lá gai, rồi đến vị bùi của đậu xanh, vị béo của dừa, vị cay the của gừng…
Cây lá gai có chứa hàm lượng vi chất (vitamin A,B, C, B2, B9, B5, K… Không chỉ là nguyên liệu làm bánh, lá gai còn có công dụng tốt cho sức khỏe. Theo đó, lá gai thường được dùng để điều trị chứng nôn khạc, tiểu tiện ra máu, sưng đau hậu môn, áp xe vú mới phát. Ngoài ra, hoa và vỏ, thân cành cây gai cũng có thể chữa một số bệnh như bệnh sởi, lợi tiểu tiện, thanh nhiệt, chỉ huyết, tán ứ...