Chục năm trời cha mẹ ngóng tin con
Năm 2017, cặp vợ chồng Cao Zhaogang và Liu Yuhong ngày càng ốm yếu, lại không có nguồn thu nhập. Con gái Cao Qian của họ sang Đức du học năm 2000 giờ cũng đã mất liên lạc. Quãng thời gian xa cách lâu đến mức họ đã từ bỏ hy vọng rằng con gái mình có thể vẫn còn sống.
Sau nhiều lần đắn đo, cặp vợ chồng già quyết định báo lên cơ quan quản lý việc đứa con duy nhất trong gia đình qua đời với mong muốn được trợ cấp. Nhưng không ngờ, cơ quan này phản hồi rằng họ không thể nhận đơn xin trợ cấp vì không thể xác nhận việc Cao Qian đã mất mạng. Điều này cũng có nghĩa là Cao Qian vẫn còn sống, tin tức này khiến hai vợ chồng vui mừng khôn xiết, mong đợi ngày con gái trở về.
Nhưng 3 năm sau, Cao Zhaogang được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thận và Liu Yuhong được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Họ đếm ngược quãng đời ngắn ngủi của mình và chỉ mong được gặp lại con gái trước khi qua đời. Sau khi nhờ tới sự giúp đỡ của giới truyền thông, đại sứ quán và nhiều Hoa kiều ở Đức, họ cuối cùng cũng đã có thông tin về con gái.
Cao Qian đã hoàn thành chương trình học tại Đại học Hamburg và ở lại trường giảng dạy. Cô cũng đã kết hôn và sinh được một đứa con. Mọi thứ với cô tốt đẹp bao nhiêu thì hoàn cảnh của cha mẹ già lại đáng thương bấy nhiêu.
Điều khiến ai cũng không khỏi thắc mắc là Cao Qian vì sao lại không quay về. Thậm chí, năm 2004, cô từng trở về Trung Quốc và dành 12 ngày ở Thượng Hải để tham dự hội thảo. Thông tin này thực sự khiến cha mẹ cô bật khóc.
Quyết tâm lên đường đi du học một mình
Cao Qian sinh năm 1979 tại thành phố Đại Liên. Cô là đứa trẻ mà gia đình họ đã chờ đợi suốt 6 năm. Vì vậy, dù điều kiện tài chính của gia đình rất bình thường nhưng bố mẹ luôn dành cho cô những gì tốt nhất có thể.
Trong mắt họ, con gái họ luôn ngoan ngoãn và hiểu chuyện. Nhắc đến con gái, họ vẫn luôn tràn đầy niềm tự hào về cô sinh viên giỏi của Đại học Sư phạm Liêu Ninh. Trong mắt họ, con gái luôn có kế hoạch rõ ràng cho cuộc đời mình.
Sau khi học xong đại học, Cao Qian muốn được đi du học và mong nhận được sự ủng hộ của bố mẹ. Điều kiện gia đình họ khi đó không có nhưng vì con gái muốn nên vợ chồng họ quyết tâm vay tiền nhiều người thân, bạn bè. Bằng cách này, năm 2000, Cao Qian khi 21 tuổi đã một mình đến Đức, mang theo niềm hy vọng của cả gia đình.
Hơn 10 năm sau, Cao Zhaogang và Liu Yuhong vẫn còn nhớ cảnh họ tiễn con gái ở sân bay, dặn dò con chăm sóc bản thân thật tốt và liên lạc với gia đình. Sau đó, họ nhanh chóng nhận được tin tức từ con gái nhưng những cuộc điện thoại rất thưa thớt, con gái còn cúp máy trước khi họ kịp nói vài lời.
Sau 2 năm, họ nhận được 2 bức thư do con gái gửi về. Tiền là phương tiện liên lạc duy nhất giữa đôi bên. Cặp vợ chồng đã lần lượt gửi hơn 30.000 nhân dân tệ (hơn 100 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) cho con gái. Trong một lần gọi điện, họ không khỏi phàn nàn, Cao Qian quyết đoán cúp máy rồi từ đó hai bên mất liên lạc. Cô không còn chủ động gọi điện về gia đình, cũng không xin bất cứ khoản phí nào nữa, dường như đã biến mất khỏi thế giới này không dấu vết.
Sợ liên lạc bị cắt đứt, cặp vợ chồng ở Trung Quốc bao năm không dám thay đổi số điện thoại nhà. Mỗi ngày với họ đều là những lo lắng, thắc mắc. Một mặt, họ sợ hai bên chênh lệch múi giờ nên không thể nhận được điện thoại của cô gái, mặt khác sợ con gái mình xảy ra chuyện gì.
Tình yêu và sự kiểm soát
Nhưng điều họ không biết là trong trái tim con gái mình, cha mẹ dường như là điều gì đó khiến tuổi thơ của Cao Qian khó có thể chữa lành. Mặc dù cha mẹ luôn rất tốt với cô về mặt vật chất nhưng những tốt đẹp đó đôi khi khiến Cao Qian cảm thấy ngột ngạt.
Cô không bao giờ được phép ra ngoài chơi một mình. Cha mẹ luôn kiểm soát chặt chẽ lịch trình, thời gian học và nghỉ, quỹ đạo cuộc sống của cô. Bạn bè cùng trang lứa có thể vui chơi bên ngoài còn cô luôn bị kiểm soát nghiêm ngặt. Những điều này khiến cô hình thành ý thức mong muốn có một không gian riêng cho mình.
Vào năm cấp 3, Cao Qian đã trốn học đi xem phim, đến các trung tâm giải trí và bị phát hiện. Khi cha mẹ cô được giáo viên báo đến trường, vừa nhìn thấy Cao Qian người cha đã tát vào mặt cô và thốt ra những lời cay nghiệt. Ngay cả mẹ cô đứng bên cạnh cũng không ngăn cản, thậm chí còn khóc mà nói quá thất vọng vì con gái mình.
Sự ngờ vực và sỉ nhục từ chính cha mẹ khiến Cao Qian vô cùng đau đớn. Cô nghĩ cha mẹ quá coi trọng thành tích của bản thân và ham muốn kiểm soát. Điều này ngày càng tạo ra khoảng cách giữa cô và cha mẹ.
Sau đó, cha mẹ ngày càng nghiêm khắc với cô. Ngay cả khi Cao Qian học nội trú, mẹ vẫn lén lút lục cặp sách của cô trong những ngày nghỉ. Bà thậm chí còn mắng mỏ cô và cho rằng bản thân hoàn toàn có quyền làm những việc như vậy.
“Người ta nói nhà là nơi trú ẩn của tình yêu nhưng tôi lại cảm thấy đó là nhà tù. Nếu có thể, tôi mong mình sẽ không bao giờ ở lại ngôi nhà này nữa”, Cao Qian nghĩ. Sự kỷ luật và kiểm soát của cha mẹ khiến cô phải giấu đi cảm xúc của mình, luôn mong một ngày có thể trốn khỏi đây.
Cao Qian đã đạt được điểm cao trong kỳ thi đại học. Cô nghĩ mình có thể theo học tại Đại học Tôn Trung Sơn cách xa quê hương, ngôi trường mà cô hằng mơ ước. Nhưng trước khi cô nhận được thông báo nhập học của Đại học Tôn Trung Sơn, thông báo nhập học của Đại học Sư phạm Liêu Ninh đã đến tay cô.
Nhận thấy có điều gì đó không ổn, cô đã gọi điện cho giáo viên của mình và biết sau khi cô đăng ký, cha mẹ cô không hài lòng nên đã liên lạc với giáo viên để tự thay đổi lựa chọn. Cao Qian, người luôn trầm lặng đã thực sự nổi giận khi cha mẹ làm như vậy. Tuy nhiên, sự phản kháng của cô đã vấp phải sự tức giận lớn hơn từ cha mẹ. Với họ, quyết định của cha mẹ không bao giờ có thể sai lầm.
Cao Qian suy sụp tinh thần, như thể toàn bộ sức lực đã bị rút cạn, sự tuyệt vọng và sợ hãi tràn ngập trong lòng. Những ngày tháng học đại học, cô luôn cố gắng tập trung, mong muốn có cơ hội để thoát khỏi gia đình.
Sau khi đến Đức, Cao Qian phải làm việc chăm chỉ để dành 2 năm theo học các lớp dự bị ở Berlin, dùng thời gian rảnh rỗi của mình để kiếm chi phí sinh hoạt. Cô chưa bao giờ có thời gian rảnh để thư giãn bởi phải đến khi hoàn thành tất cả những điều này, cô mới có thể vào Đại học Hamburg để học.
Mỗi lần liên lạc về gia đình, giá cước điện thoại thực sự khiến cô khổ sở. Bản chất thích kiểm soát của cha mẹ càng khiến cô rơi vào tình trạng trầm cảm và suy sụp. Cô quyết không còn ý nghĩ gì về cha mẹ mình nữa. Cô không còn chủ động gọi điện cho bố mẹ, cũng không liên lạc với bất kỳ người bạn nào ở Trung Quốc để tránh cho bố mẹ biết thông tin liên lạc của mình, tự tạo một lớp vỏ bảo vệ bằng khoảng cách, với hy vọng hàn gắn tuổi thơ bất hạnh.
Vào năm 2021, bệnh tình của cả Cao Zhaogang và Liu Yuhong đều đã đến giai đoạn nặng, cơ thể không còn chống đỡ được nữa, cuối cùng đã qua đời trong sự tiếc nuối. Cao Zhaogang và Liu Yuhong từng che chở con gái mình qua bao mưa gió, nhưng cách hòa hợp không phù hợp của họ đã khiến đôi bên trở nên xa lạ và thậm chí còn gây ra bóng tối tâm lý cho con gái họ.