Ca song sinh Đồng Nai bị cha bỏ rơi: Bà ngoại đặt cho hai tên cực ý nghĩa, uống nước gạo ninh với đường phèn thay sữa mẹ

Google News

“Nó không có sữa mẹ nên lũ trẻ không được bú giọt sữa nào. Tôi lại không có tiền để mua sữa công thức, đành làm theo cách của các cụ - đó là cho uống nước cơm đun”, bà Yến rưng rưng.

Ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) có cặp song sinh bị cha bỏ rơi, sống với người mẹ khờ khạo và lớn lên nhờ uống nước gạo ninh với đường phèn. Hàng xóm đều thương xót nhưng không thể giúp đỡ được nhiều bởi hoàn cảnh của họ cũng chẳng khấm khá là bao.

“Bà Yến vốn là mẹ đơn thân, bán rau nuôi 2 miệng ăn trong cảnh chật vật. Giờ bà ấy phải đèo bòng thêm 2 đứa cháu song sinh, bệnh tật suốt ngày. Chúng tôi thi thoảng cũng hỗ trợ chút ít nhưng không thấm, chỉ mong có ai đó có tấm lòng thương người sẵn sàng dang tay cứu giúp họ”, một người hàng xóm cho biết.

Sau đó người này chỉ dẫn đến chiếc lán nhỏ - nơi bà Yến làm chỗ buôn bán lặt vặt. Bà tâm sự: “Tôi làm mẹ đơn thân đã từ lâu, phải gồng gánh nuôi con gái khờ cùng đứa cháu. Tôi luôn tự động viên bản thân phải thật chăm chỉ rồi có ngày cuộc sống “nở hoa”. Vậy mà tôi chưa được hưởng an nhàn ngày nào đã nhận tin sét đánh cái Hương mang song thai. Đau lắm!”.

Hương là con gái của bà Yến nhưng không được thông minh, nhanh nhẹn như người khác. Do đó bà luôn canh chừng con để không “sa ngã” hoặc bị người ta dụ dỗ. Song bà vẫn không thể để mắt con 24/24.

“Năm ngoái, cái Hương bị người đàn ông dụ dỗ về Kiên Giang sinh sống. Nó cãi lời tôi, kiên quyết đòi xuống đó. Tôi chẳng biết sao đành để nó đi, đồng thời khấn tổ tiên hi vọng con không bị hại”, bà Yến nhớ lại.

Cặp song sinh chào đời khi còn chưa đủ tháng trong bụng mẹ nhưng vô cùng kháu khỉnh.

Một thời gian sau, người mẹ đơn thân thấy con gái khờ trở về trong bộ dạng bụng to. Bà hoảng hốt nhận ra con đã mang thai và bị ruồng bỏ. Bà muốn đánh chửi con cho thỏa nỗi đau nhưng nghĩ đi nghĩ lại người có lỗi vẫn là bà. Bà đành gắng gượng vực dậy tinh thần, chấp nhận sự thật và ân cần chăm sóc con gái.

“Tôi biết để xảy ra chuyện này người có lỗi nhất chính là tôi. Tôi là một người mẹ có con gái không bình thường nhưng lại không bảo ban, dạy dỗ và bảo vệ được nó. Tôi không được phép bỏ rơi con lúc này.

Tôi cũng không thể dắt nó đến bệnh viện bỏ cái thai. Vì đứa trẻ trong bụng làm gì có lỗi, cũng là một sinh linh. Tôi tự động viên bản thân cháu đến với gia đình là duyên số, không được chối bỏ”, người phụ nữ ngoài gần 50 tuổi tâm sự.

Bà Yến đã ân cần chăm sóc con gái với hi vọng cả hai cùng khoẻ mạnh. Và đến giữa thai kỳ bà đưa con đi khám mới ngã ngửa: Con mang song thai. Bà lặng người hồi lâu vì nghĩ đến cảnh nhà nghèo lại phải nuôi cùng lúc 2 đứa trẻ. Bà sợ bản thân chẳng thể gồng nổi kinh tế.

Lo lắng là thế nhưng bà Yến vẫn háo hức chờ đợi ngày cặp song sinh chào đời. Bà nhớ lại: “Cái Hương mang bầu đến tháng thứ 8 thì có dấu hiệu sinh non. Tôi nhờ người đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Với bà Yến, dù nghèo khó nhưng nhất định không thể cho các cháu cho người khác nuôi.

Sau vài giờ đồng hồ đau đớn, nó đã hạ sinh hai bé gái với cân nặng vỏn vẹn 1kg. Lúc nhìn thấy cháu mà tôi đã bật khóc bởi quá thương. Hai đứa chỉ bằng con cá lóc, không biết phải nuôi sao cho lớn bằng con nhà người ta”.

Bà Yến đã đặt tên cúng cơm cho cặp song sinh là Bột Mì – Bột Gạo với mong ước cả đời sống sung túc, không phải đói ăn như ngoại như mẹ… Hằng ngày bà phải ninh gạo với đường phèn, lấy nước cho các cháu thay sữa.

“Nó không có sữa mẹ nên lũ trẻ không được bú giọt sữa nào. Tôi lại không có tiền để mua sữa công thức, đành làm theo cách của các cụ - đó là cho uống nước cơm đun. Tôi biết làm vậy là phản khoa học nhưng làm gì có tiền mà mua sữa chứ”, bà Yến rưng rưng.

Nói rồi, bà Yến cho biết hiện gia đình sống dựa vào sạp rau củ, trứng… Thường bà bán cho công nhân trong vùng. Song đợt này kinh tế suy thoái, các công ty cắt giảm nhân sự, công nhân thất nghiệp nên chẳng có tiền đi chợ mua đồ ăn. Vì thế bà không có thu nhập để sắm sửa quần áo, tã bỉm cho các cháu.

“Cũng may có mạnh thường quân giúp đỡ mà giờ đây chúng được uống sữa công thức, nhưng phải dè dặt, chứ bình thường cứ 3 ngày là hết 1 hộp. Mấy bữa nay chúng cũng lên cân, Bột Mì được 6.2kg – Bột Gạo 5.7kg, đang bị viêm phổi và khò khè…”, bà Yến kể.

Nhắc đến chuyện có ai đó xin một trong hai bé làm con nuôi, người phụ nữ khẳng định bản thân rất nghèo nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ đưa cháu cho người khác. Bà vẫn có thể làm lụng, kiếm tiền nuôi nấng máu mủ của mình. Bà hi vọng trời thương ban cho chúng sức khỏe, không ốm đau bệnh tật…

NGỌC HÀ

Bình luận(0)