Nên duyên từ chuyến tàu điện ngầm và tình yêu vượt biên giới
Chị Dương Cẩn Khiêm (sinh năm 1980) sinh ra trong một gia đình trí thức tại Thượng Hải, Trung Quốc. Bố chị làm việc ở Viện nghiên cứu Thượng Hải, mẹ làm trong lĩnh vực pháp lý và nhân sự, công việc rất bận rộn nên chị Khiêm phải tự lập từ bé, dù là con một.
Năm 1999, khi đang học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Đông, trên một chuyến tàu điện ngầm, chị đã gặp được định mệnh của đời mình. “Anh ấy là người Palestine. Tôi tuy cao 1m70, nặng 60kg nhưng đứng cạnh anh trông vẫn vô cùng nhỏ bé. Anh đã chủ động bắt chuyện với tôi, rồi tôi hỏi anh: ‘Anh có nói được tiếng Trung không?’. Anh nói có rồi xin số điện thoại tôi, hẹn lần sau sẽ mời tôi ăn tối. Ai có thể ngờ câu chuyện tình của chúng tôi lại bắt đầu từ chuyến tàu điện ngầm này chứ”, chị Cẩn Khiêm kể.
Chị Cẩn Khiêm.
Tình cảm của hai người cứ thế lớn dần lên. Hai năm sau khi yêu nhau, bạn trai chị Khiêm tốt nghiệp, từ bỏ cơ hội học lên tiến sĩ dù nhà trường cấp cho anh học bổng 1.000 tệ mỗi tháng (hơn 3 triệu đồng). Sở dĩ như vậy vì lúc đó anh rất nghèo, khi nhận được học bổng hàng tháng, anh phải trả lại số tiền đã vay tháng trước rồi tiếp tục vay để trang trải chi tiêu.
Nghĩ cứ thế này thì sẽ không thể lo được cho vợ con sau này, nên anh đã rời Trung Quốc đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên mọi việc không diễn ra như anh mong muốn, thậm chí anh còn bị loét dạ dày vì căng thẳng quá mức, suốt 8 tháng không ăn uống được gì và thậm chí còn nôn ra máu.
Năm 2001, chị Cẩn Khiêm tốt nghiệp và bắt đầu đi làm. Lúc này, chị cũng ra tối hậu thư với bạn trai, nếu 2 năm nữa anh không quay lại thì chị sẽ không đợi anh nữa. “Ngày đó internet không thuận tiện như bây giờ, không có gọi video, gửi email là phương thức liên lạc duy nhất của chúng tôi và mỗi tháng chỉ gửi email cho nhau được 1 lần.
Lúc tôi đưa ra điều kiện, anh ấy rất căng thẳng. Vì có thể nói được tiếng Trung nên sau đó anh đã làm việc trong một công ty máy tính của Đài Loan. Dù sức khỏe yếu nhưng anh vẫn chăm chỉ làm việc, và hơn một năm sau anh được thăng chức quản lý và quay về Trung Quốc cầu hôn tôi”, chị Cẩn Khiêm chia sẻ.
Chị Cẩn Khiêm và chồng hồi còn trẻ.
Bất chấp tất cả theo chồng sang UAE, 8X 9 năm sinh 5 đứa
Vào tháng 11/2002, cả hai kết hôn trong vội vàng, rồi chị cùng chồng tới UAE sinh sống. Cô nàng 8X kể, cuộc hôn nhân của chị được bố mẹ ủng hộ: “Sau khi du học sinh rời khỏi Trung Quốc, các cặp đôi sẽ chia tay. Lúc đó mẹ tôi nói, nếu anh ấy quay lại cưới tôi sau 2 năm đi xa thì chứng tỏ anh ấy yêu tôi rất nhiều, và tôi đừng làm anh thất vọng.
Nói thật tôi cũng cảm thấy mình may mắn. Bởi khi vừa về tới UAE thì tháng sau dịch SARS bùng phát khiến Thượng Hải bị đóng cửa. Tôi nghĩ nếu lúc đó chúng tôi không kết hôn, có lẽ chúng tôi đã nói lời chia tay rồi”.
Hơn 20 năm trôi qua, tình cảm của vợ chồng chị vẫn ngọt ngào như thuở ban đầu.
Lúc mới sang đây, chị Cẩn Khiêm gặp không ít khó khăn vì chị không nói được tiếng ở đây, xem tivi cũng không hiểu họ đang nói gì, gọi điện thoại về quê thì cực kỳ tốn kém. Ban ngày chồng đi làm, chị ở nhà một mình vô cùng tẻ nhạt và buồn chán, cuồng chân cuồng tay. “Trước kia ngày nào tôi cũng đi làm, bây giờ đột nhiên rảnh rỗi, không quen nên ngày nào tôi cũng ầm ĩ đòi quay về Trung Quốc”, cô nàng 8X chia sẻ.
Sau đó, chồng thuê một căn phòng view biển ở tòa nhà cao nhất khu vực để chị có thể ngắm biển hoặc ra biển dạo chơi khi rảnh rỗi. “Lúc ấy ai cũng bảo chồng tôi bị điên, lặn lội đến tận Trung Quốc cưới vợ rồi thuê một căn hộ đắt tiền như vậy để chiều vợ. Nhưng anh không quan tâm, anh kiên quyết làm những điều này vì tôi. Anh từng nói với tôi: “Em từ Thượng Hải xa xôi đến đây với anh, những việc anh làm cho em đã là gì so với những gì em hi sinh vì anh’”, chị Cẩn Khiêm nghẹn ngào kể lại.
Trong 9 năm, chị liên tiếp sinh 5 đứa con trai.
Sau đó chị bắt đầu đi học tiếng rồi dần dần quen với lối sống nơi đây. Khi biết mình có thai gần 5 tháng, từ đó trở đi chị không còn đòi về Trung Quốc nữa. Tháng 12/2003, con trai đầu lòng của chị chào đời.
Năm 2005, chị sinh con trai thứ 2, rồi không lâu sau chị mang thai lần 3. Lần đó, hai vợ chồng bàn chuyện phá thai, nhưng ở UAE không được phép làm việc này. Thời điểm ấy, chị Cẩn Khiêm tính quay lại Thượng Hải để phá thai, nhưng cả hai con đều còn nhỏ, cần người chăm sóc nên hai vợ chồng chị đã từ bỏ ý định đó.
Thế nhưng khi mang thai tháng thứ 4, chị lại bị sảy thai và đó là một cặp song sinh. “Nhắc đến chuyện này, bây giờ lòng tôi vẫn đau thắt. Trước tôi không muốn chúng, nhưng sau đó chúng lại rời bỏ tôi”, bà mẹ chia sẻ.
Năm 2008, con trai thứ 3 của chị chào đời. Rồi chị sinh con trai thứ 4 vào năm 2011, một năm sau đứa thứ 5 cũng chào đời và cũng là con trai.
Gia đình hạnh phúc của chị Cẩn Khiêm.
Điều kiện kinh tế của gia đình dần dần được cải thiện. Để gia đình có cuộc sống thoải mái, chồng chị đã mua một căn biệt thự trị giá 3 triệu đô (khoảng 72 tỷ đồng). Mỗi năm, gia đình chị đều đi du lịch cùng nhau, rất vui vẻ và hạnh phúc.
Đến nay, hơn 20 năm đã trôi qua, tình cảm vợ chồng chị Cẩn Khiêm vẫn ngọt ngào như ngày nào. Anh thường nói với chị rằng: “Điều tuyệt vời nhất trong đời anh chính là bất chấp sự phản đối của mọi người để cưới em”.
Về phía chị Cẩn Khiêm, khi sống ở đây, chị thường giúp nhiều công ty liên lạc với chính phủ và giải quyết nhiều vấn đề khác nhau. Chia sẻ về kế hoạch tương lai, chị nói rằng muốn thành lập một văn phòng tư vấn du học để làm cầu nối cho các học sinh, sinh viên từ các nước khác nhau đến UAE và ngược lại.