Hà Nội nhiều năm liền đứng đầu cả nước về mức chi phí đắt đỏ từ ăn uống, giáo dục, các dịch vụ y tế, vui chơi, giải trí…. Giá cả leo thang từng ngày, dẫn tới việc thu nhập không đủ chi tiêu, bài toán tiêu dùng luôn được đặt ra cho các gia đình.
Thu nhập 20 triệu, gia đình 4 người chi tiêu tằn tiện vẫn không đủ?
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ với 20 triệu đồng tổng thu nhập, một gia đình 4 người rất khó để sống được ở Hà Nội. Theo nhiều bà nội trợ, riêng tiền ăn cho cả nhà một tháng đã gần 10 triệu đồng, tiền học của các con một tháng cũng xấp xỉ 10 triệu đồng. Như vậy là hết 20 triệu đồng, còn các khoản chi tiêu cho đi lại, quê quán, hiếu hỉ, ốm đau,... lấy ở đâu ra?
Chị Kim Ngọc (35 tuổi), đang sống tại Hà Nội cho hay, gia đình chị có 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ đang tuổi ăn học. Vợ chồng chị có tổng lương hàng tháng khoảng 30 triệu đồng. Đây được xem là khoản thu nhập không quá cao nhưng cũng không quá thấp để trang trải tại Hà Nội.
Thế nhưng với chị Ngọc, thu nhập như vậy không thể đủ nếu không biết căn cơ, nói gì chỉ có 20 triệu đồng. Chị Ngọc cho biết, tiền ăn uống và tiền học của 2 con là khoản chi cố định và cũng là 2 khoản tiêu tốn nhất trong bảng chi phí sinh hoạt của gia đình chị. Ngoài ra, cứ đụng đến bất cứ thứ gì trong nhà là mất tiền ngay, vật giá thì ngày càng cao.
Mỗi ngày, chị Ngọc chi khoảng 300.000 đồng cho ăn uống, như vậy, mỗi tháng mất khoảng 9 triệu đồng. Tiền điện nước khoảng 1,5 triệu đồng, tiền xăng xe, điện thoại, internet của cả hai vợ chồng và hai con ít nhất cũng thêm khoảng 2 triệu đồng và tiền thuê nhà là 7 triệu đồng. Ngoài ra, chi phí cho hai con đi học bao gồm học phí ở trường công, học thêm các bộ môn năng khiếu và ngoại ngữ khoảng 10 triệu đồng, chưa kể đến đồ dùng cá nhân, đồ dùng học tập luôn phải mua mới.
“Dù tìm mọi cách thắt chặt chi tiêu và tiết kiệm tối đa, gia đình chị vẫn tiêu tốn hết khoảng 30 triệu đồng, đây chỉ là mức chi cho những nhu cầu rất cơ bản. Nếu muốn cải thiện những bữa ăn ngon giá tiền triệu hoặc đưa cả gia đình ra nhà hàng ăn uống để thay đổi không khí, tôi sẽ phải tính toán rất chi li, lấy bữa nọ bù bữa kia để khoản chi trong tháng không bị vượt trội”, chị Ngọc chia sẻ.
Đồng quan điểm với chị Ngọc, chị Diễm Hằng (32 tuổi) cũng cho rằng, việc chi tiêu cho một gia đình 4 người ở Hà Nội với 20 triệu đồng là rất khó khăn. Chị Hằng đã có nhà riêng, không mất khoản thuê trọ hay trả góp hàng tháng, nhưng hai vợ chồng chị vẫn phải cố gắng làm việc để có thu nhập khoảng 30 triệu đồng mới đủ sống.
“Đi một vòng chợ như bị mất cắp vậy, tôi chưa mua được gì đã hết tiền rồi. Giá thịt lợn dao động: 150.000/kg, thịt gà cũng 110.000/kg, muốn cải thiện thịt bò hay hải sản thì cũng gần 300.000/kg, chưa kể rau củ quả cũng đắt. Một ngày nhà tôi phải mất 50.000 tiền rau”, chị Hằng chia sẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu muốn trụ được ở một thành phố đắt đỏ như Hà Nội, trong khi chưa có nhà cửa, hai vợ chồng phải có thu nhập từ 30-35 triệu đồng mỗi tháng. Như thế mới vừa đủ sống, tích góp mua nhà và trả lãi ngân hàng, có khoản phòng thân,...
20 triệu đồng chi tiêu 1 tháng là mơ ước của nhiều người?
Ở chiều ngược lại, một số ít trường hợp khẳng định, với 20 triệu đồng, một gia đình 4 người có thể sống ở Hà Nội bình thường. Điều quan trọng là bạn cần biết thắt chặt chi tiêu, bớt những khoản không cần thiết.
Chị Nguyễn Vân (38 tuổi), hiện đang thuê trọ ở Hà Nội chia sẻ, tổng lương của hai vợ chồng chỉ được 18-20 triệu đồng nhưng vẫn đủ sống. Chị có 2 con nhỏ, một bé học lớp 1, một bé 3 tuổi.
Chị Vân liệt kê chi tiêu của gia đình trong một tháng bao gồm: Tiền ăn cho cả nhà khoảng 7 triệu đồng, tiền học cho 2 con là 4 triệu, tiền thuê trọ 4 triệu,... đó là những thứ cơ bản phải chi, còn lại các khoản phí khác hay phát sinh ốm đau, quê quán, hiếu hỉ sẽ nằm trong 5 triệu còn lại là ổn.
Cũng giống như chị Vân, chị Ngọc Lan (34 tuổi) cho rằng: “Nếu biết cách chi tiêu khoa học, với thu nhập 20 triệu đồng sẽ sống ổn ở Hà Nội. Nếu bạn có nhà rồi thì sẽ thoải mái hơn, còn phải thuê trọ thì vẫn có thể xử lý được. Tôi áng chừng tiền thuê nhà 5 triệu, tiền học cho hai con 5 triệu, ăn uống sinh hoạt 10 triệu thì vẫn có thể sống ổn”.
Chị Lan cho hay, vợ chồng chị cùng là nhân viên văn phòng, có tổng thu nhập hàng tháng 25 triệu đồng nên luôn đặt ra mục tiêu và hạn mức chi tiêu cụ thể, cố gắng mỗi tháng có thể tiết kiệm 30% thu nhập. Chị Lan hài lòng với mức thu nhập 25 triệu đồng của hai vợ chồng, cảm thấy "đủ sống" ở Hà Nội.
Chị cũng nhấn mạnh, cuộc sống như vậy tất nhiên chưa hẳn là "sống chất lượng", nhưng cũng ổn định hơn nhiều người khác. Chị Lan cũng khuyên các gia đình trẻ nên sống tiết kiệm và giản dị, hạn chế ăn ngoài, thay vào đó là những bữa cơm gia đình mỗi ngày, vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa giảm chi phí.
Chi tiêu thế nào hợp lý ở thành phố đắt đỏ nhất nước?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư), chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 tại Hà Nội tiếp tục cao nhất cả nước, sau nhiều năm ở vị trí này.
Trong đó, mức chi tiêu cho đời sống chiếm gần 94% trong tổng chi tiêu bình quân của hộ gia đình. Chi tiêu cho ăn uống chiếm 46,5%, chi tiêu không dành cho ăn uống chiếm 47,4% và các chi tiêu khác chiếm 6,1%.
Trên thực tế, với các gia đình ở Hà Nội, xu hướng này cũng không quá khác biệt. Thứ tự ưu tiên trong danh sách các khoản chi tiêu cao nhất là nhu cầu thiết yếu (ăn uống, sinh hoạt, đời sống, đi lại…), tiếp đến là tiền thuê nhà (với những gia đình trẻ Hà Nội phải ở trọ), sau nữa là chi phí học tập và phát triển quan hệ giao tiếp. Ngoài ra là các chi phí phát sinh khác như giải trí, du lịch,… Trong số này, thông thường chi phí sinh hoạt thiết yếu và thuê nhà chiếm khoảng 60% thu nhập.
Để trở thành một người tiêu dùng thông minh có thể tham khảo nhiều biện pháp, như mua thực phẩm tại các chợ đầu mối, gửi thức ăn từ quê lên thành phố, sử dụng đồ cũ, săn giảm giá… không chạy theo thời trang và xu hướng.
Bạn cũng có thể tham khảo phương pháp được nhiều tỷ phú áp dụng là chia tổng thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng thành những khoản mục, quỹ khác nhau.
Các gia đình trẻ nên rèn luyện tinh thần tích cực, chủ động và chi tiêu kế hoạch, xa hơn là học cách tích lũy nếu dự định sinh con hay mua nhà, tìm cách cải thiện thu nhập trong tương lai.