5 thói quen ăn uống ngang ngược của người trẻ, cần bỏ ngay nếu không muốn phá huỷ bao tử, rước bệnh ung thư

Google News

Ung thư không chỉ do di truyền hay ô nhiễm môi trường mà còn có thể đến từ thói quen ăn uống thiếu lành mạnh. Dưới đây là 5 thói quen ăn uống ngang ngược của người trẻ, không chỉ làm suy giảm sức khoẻ mà còn tạo điều kiện thuận lợi để bệnh ung thư “ghé thăm”.

Việc xây dựng thói quen ăn uống khoa học là bước đầu tiên, quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa bệnh ung thư. Tuy nhiên, thay vì cố gắng ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, hạn chế thịt chế biến sẵn hay ưu tiên thực phẩm tươi sống thì nhiều người lại có xu hướng chọn những thực phẩm tiện lợi và dễ tiếp cận dù biết gây hại cho sức khỏe.

Ăn uống không khoa học dễ gây hại cho sức khỏe như tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, tim mạch, đặc biệt là ung thư (Ảnh minh họa).

1. Ăn uống thực phẩm trên 60 độ C

Nhiều người trong chúng ta thường thích nhâm nhi tách trà, cà phê hoặc ăn phở, mì ngay khi còn nóng hổi, đặc biệt là khi thời tiết se lạnh. Mặc dù mang lại cảm giác dễ chịu và ấm áp, song, thói quen này lại gây tổn thương lớn cho niêm mạc thực quản, là lớp bảo vệ bên trong ống tiêu hóa. 

Khi bị nhiệt độ cao tác động liên tục, các tế bào niêm mạc này dễ bị viêm và tổn thương, dẫn đến tình trạng chai sạn, viêm mạn tính. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), uống nước nóng trên 60°C thường xuyên có thể tăng nguy cơ ung thư thực quản lên đến 90% so với những người uống ở nhiệt độ thấp hơn. 

Điều này là do nhiệt độ cao làm phá vỡ cấu trúc tế bào, dễ tạo điều kiện cho ung thư phát triển. Cách tốt nhất để bảo vệ niêm mạc thực quản là đợi cho đồ ăn thức uống nguội xuống khoảng 40°C trước khi tiêu thụ.

2. Uống nhiều rượu bia

Thói quen uống rượu bia thường xuyên cũng là một yếu tố nguy cơ đáng kể dẫn đến ung thư, đặc biệt là ung thư gan và ung thư thực quản. Cồn (ethanol) trong rượu khi vào cơ thể sẽ được gan chuyển hóa thành acetaldehyde, một chất cực độc và có khả năng gây ung thư. Acetaldehyde không chỉ làm tổn thương gan mà còn làm hỏng các tế bào DNA trong cơ thể, gây ra đột biến có thể dẫn đến ung thư. Đặc biệt, những người uống rượu bia thường xuyên có nguy cơ mắc ung thư gan, ung thư thực quản, ung thư vòm họng và ung thư dạ dày cao hơn.

Bên cạnh đó, rượu bia còn làm giảm khả năng hấp thu dưỡng chất và ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, khiến cơ thể khó chống lại sự phát triển của các tế bào ung thư. Theo khuyến cáo từ “Hướng dẫn chế độ ăn uống” của Mỹ, nam giới chỉ nên uống tối đa 2 ly rượu mỗi ngày và phụ nữ là 1 ly để hạn chế nguy cơ ung thư và các bệnh liên quan.

Uống nhiều rượu bia là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm, kể cả ung thư. (Ảnh minh họa).

3. Thường xuyên ăn đồ muối chua

Các món muối chua như: dưa, cà, kim chi, mắm nêm,... thường chứa một lượng lớn nitrat và nitrit, là các chất bảo quản tự nhiên có thể chuyển hóa thành nitrosamine trong dạ dày. Nitrosamine là một hợp chất có tính chất gây ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày.

Một số nghiên cứu từ Nhật Bản, nơi người dân có thói quen ăn nhiều thực phẩm ngâm muối hoặc muối chua đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ đồ muối chua và nguy cơ mắc ung thư dạ dày tăng cao. 

Ngoài ra, đồ muối chua thường chứa lượng muối cao, có thể gây hại cho niêm mạc dạ dày và thận, làm tăng nguy cơ viêm loét và nhiễm khuẩn, gây tổn thương lâu dài. Để hạn chế rủi ro, các chuyên gia khuyên nên giảm thiểu đồ muối chua trong bữa ăn hằng ngày, chỉ ăn với lượng vừa phải và không ăn thường xuyên.

4. Ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn

Thực phẩm chế biến sẵn bao gồm: các loại đồ hộp, xúc xích, giăm bông, thịt xông khói, mì ăn liền,... thường chứa nhiều chất bảo quản, phụ gia, chất tạo màu, đặc biệt là chất béo bão hòa – một tác nhân thúc đẩy các phản ứng viêm trong cơ thể. 

Việc tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư như: ung thư vú, ung thư ruột kết và ung thư dạ dày.

Ngoài ra, các loại thịt chế biến sẵn thường được xử lý qua quá trình hun khói hoặc thêm chất bảo quản nitrit để tăng hạn sử dụng và mùi vị. Khi nitrit kết hợp với các protein trong thực phẩm, chúng có thể tạo ra nitrosamine – một chất gây ung thư mạnh. WHO đã phân loại thịt chế biến sẵn vào nhóm 1 các chất gây ung thư cho con người cùng với thuốc lá và amiăng. Vì vậy, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn và ưu tiên thực phẩm tươi sống là cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ ung thư.

Không ít chuyên gia khuyến cáo không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn vì nó không tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa).

5. Ăn nhiều thực phẩm thô cứng

Những món ăn thô cứng như thịt nướng, đồ chiên giòn, bánh mì cứng hay các món ăn có độ dai, khó nhai có thể làm tổn thương niêm mạc của đường tiêu hóa. Việc nhai các món ăn thô cứng không chỉ gây áp lực lên răng miệng mà còn làm tăng nguy cơ viêm loét niêm mạc thực quản và dạ dày.

Đặc biệt, các món thịt nướng hoặc chiên giòn còn có thể chứa nhiều chất gây ung thư do được chế biến ở nhiệt độ cao, hình thành các hợp chất như acrylamide và heterocyclic amines. Đây là những chất có khả năng gây đột biến gene và ảnh hưởng đến cấu trúc tế bào. Thói quen ăn các món thô cứng cũng làm giảm chất lượng tiêu hóa, gây áp lực lên dạ dày và hệ tiêu hóa. Để bảo vệ sức khỏe, hãy ưu tiên ăn những món ăn mềm, dễ tiêu hóa, nhai kỹ trước khi nuốt và hạn chế các món ăn nướng hoặc chiên giòn.

AN THANH

Bình luận(0)