5 món bánh tráng cuốn vừa ngon lại thanh mát, cực thích hợp cho cuối tuần nắng nóng

Google News

Các món cuốn với bánh tráng, rau thơm, củ quả rất thanh mát rồi chấm nước chấm chua ngọt... đem lại cảm giác tươi ngon, thú vị không gì hấp dẫn bằng.

1. BÒ TƠ CUỐN BÁNH TRÁNG

Nguyên liệu: 

Nguyên liệu chính:

- 400g thịt bê đã thui.

- 1 củ gừng.

- 3 cây sả.

- 3 quả ớt.

- Vừng trắng rang.

- 2 quả chuối xanh (chuối tiêu).

- 2 quả khế ương.

- 1 nửa quả dứa.

- Rau ngổ, rau mùi, rau húng.

Làm nước chấm

Làm nước chấm tương bần:

- 3 thìa canh tương bần - 1 nhánh gừng - 3 nhánh tỏi tỏi bóc vỏ - 1 quả ớt - Lạc rang - vừng rang - thính gạo - 1 thìa canh nước đun sôi để nguội - 2 thìa cafe đường - 1/2 thìa cafe bột ngọt

Cho tất cả các nguyên liệu làm nước chấm bên trên (ngoại trừ nước tương) vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn sau đó cho ra bát. Lúc này cho nước tương vào quấy đều là có ngay bát nước chấm bê hấp chuẩn vị nhà hàng.

Làm nước chấm mắm nêm: 200gr mắm nêm ngon, 1/2 quả dứa chín, 10gr hành tím, 40gr tỏi, 20gr đường, 40gr nước cốt chanh, 3-4 quả ớt, 40gr vừng rang chín, 40gr lạc rang chín.

1/2 quả dứa bổ làm đôi, một nửa xay nhỏ lấy nước cốt, một nửa đem băm nhỏ.

Phi thơm tỏi và hành tím, đổ ớt xào nhanh tay cho thơm, tiếp đến dứa băm nhỏ, nước cốt dứa, mắm nêm. Đợi mắm sôi thì cho đường vào, nêm nếm vừa ăn. Múc mắm nêm ra bát, trộn thêm vừng rang, lạc rang là xong.

Cách làm:

Bước 1: Sơ chế

- Thịt bê đã thui, có thể là thịt bắp bê hoặc ba chỉ bê. Mua về đem rửa sạch rồi bóp thịt bê với muối và nước rượu gừng để khử bớt mùi gây ngái của thịt bê.

- Gừng, Sả cắt đôi, đập dập.

- Chuối xanh tước vỏ, thái mỏng, xả nước nhiều lần và ngâm nước muối loãng có pha chút dấm để chuối không bị thâm. Sơ chế tương tự với khế.

- Dứa và dưa chuột rửa nước muối thái lát vừa ăn.

- Rau rửa sạch và để ráo. Lưu ý rằng rau ngổ là rau thủy sinh nên dễ có sán vì vậy cần được ngâm nước muối để đảm bảo vệ sinh.

Bước 2: Hấp thịt bê

- Lấy chỉ cuộn tròn miếng thịt, luộc trong 20 phút vừa tới để thịt chín mềm mà không bị dai. Đem thái mỏng từng lát thịt bò tơ, rồi trải từng miếng trên rau lá xanh. Rắc vừng trắng đã rang chín lên trên. Xếp bên cạnh là chuối xanh, khế xanh, dứa vàng, cà rốt rau ngổ, vài gốc sả bóc vỏ già và thưởng thức với nước chấm tương gừng hoặc mắm nêm.

Bước 3: Thưởng thức

Ăn kèm với miếng bò tơ là chút rau thơm xanh mát, rau bạc hà, ngổ, húng quế, mùi tàu, mang đến cảm giác dân dã, tươi mới mà hấp dẫn thị giác.

Khi ăn, sẽ lót một lá bánh phở trắng ngần trên nền bánh tráng dai mềm mỏng tang, cho vào ít rau thơm, vài thanh dứa vàng, cà rốt, dưa chuột xanh giòn, đặt vào giữa 1 – 2 lát thịt bò tơ mỏng, cuộn nhẹ nhàng, dùng kèm mới mắm nêm hay tương gừng đậm vị. Cắn một miếng bò tơ cuốn bánh tráng, cảm nhận độ dai giòn, mềm mại, tươi mát của lớp nhân bên trong.

Thưởng thức món thanh mát này sẽ khiến bạn thấy cái nóng bức của mùa hè bị xua đi nhanh chóng, vô cùng khoan khoái!!

Các bạn hãy thử công thức này để chiêu đãi cả nhà thưởng thức bò tơ cuốn bánh tráng ngon miệng đặc sắc trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 này nhé.

2. BÁNH TRÁNG CUỐN HEO QUAY

Nguyên liệu:

Phần ba chỉ heo quay:

 - Thịt ba chỉ ngon, lựa miếng có nạc và mỡ dính vào nhau.

-  Muối hạt, giấy bạc.

Bánh tráng cuốn thịt heo: 

- Bánh tráng, dưa chuột, dứa, rau thơm các loại, cà rốt...

- Mắm nêm, tỏi, dứa, ớt...

Cách làm:

Bước 1: Sơ chế

Chuẩn bị 1 nồi nước sôi, cho khổ thịt ba chỉ vào (phần bị để xuống đáy nồi) và luộc trong 2 phút.

Sau đó vớt thịt ra, dùng giấy lau khô khổ thịt. Dùng dao khứa phần bì thịt, khứa kiểu hình ca rô.

Bước 2: Quay/nướng thịt

Gói miếng thịt bằng giấy bạc. Phần bì hướng lên trên. Sau đó phủ lên phần bì một lớp muối. Lưu ý, không để muối rơi xuống dưới làm mặn thịt. Phần bì này để hở, không gói kín.

Sau đó cho thịt vào lò nướng hoặc nồi chiên hơi nước.

- Nướng lần 1: 200 độ C trong 25 phút, nướng xong thì gỡ bỏ lớp muối.

- Nướng lần 2: Set nhiệt lần 2 là 200 C độ, nướng tiếp trong 35 phút là xong. Bì nổ giòn, lên màu đỏ đẹp

Chú ý là nhiệt từng loại nồi khác nhau thì thời gian và nhiệt độ cũng khác nhau.

Hết thời gian, cho thịt ra, thái miếng mỏng vừa ăn để cuốn với bánh tráng.

Bước 3: Pha mắm chấm

Cho mắm nêm ra bát. Thêm tỏi, ớt, dứa xay nhỏ vào. Nêm nếm thấy vừa ăn là được.

Bước 4: Thưởng thức

Cho các loại rau sống đã rửa sạch, dưa chuột và cà rốt cùng dứa thái que lên mẹt. Xếp thịt heo quay ra rồi cuốn tất cả với bánh tráng và thưởng thức.

Món ăn vừa ngon mát, lại giòn giòn, có chút đậm đà của mắm nêm vô cùng hấp dẫn.

3. BÁNH TRÁNG CUỐN TÔM THỊT 

Nguyên liệu:

- Tôm, thịt ba chỉ

- Cà rốt, dưa chuột, dứa

- Bánh tráng

- Bún tươi

- Xà lách, các loại rau thơm, lá hẹ, ớt, chanh

- Mắm nêm, lạc rang giã nhuyễn

- Gia vị đường, nước nắm,  hạt nêm, dầu ăn

Cách làm:

- Tôm hấp lột vỏ, thịt ba chỉ cũng đem hấp chín rồi ngâm vào nước lạnh cho giòn và thái miếng vừa ăn.

- Dưa chuột, cà rốt thái sợi dài tầm 5cm.

- Các loại rau thơm, rửa sạch để thật ráo.

- Trải bánh tráng ra rồi lần lượt cho xà lách, rau sống, bún rồi mới đặt tôm thịt ở phía ngoài, bên trên để khi cuốn thịt và tôm lộ ra ngoài cho đẹp mắt.

-  Gấp 2 đầu bánh tráng lại rồi cuộn tròn.

- Với phần mắm nêm bạn cho ớt, tỏi vào cối giã nhỏ rồi cho thêm đường, nước cốt chanh vào trộn đều. Phần dứa cũng băm nhỏ rồi ngâm với chút đường. Tiếp theo cho dầu vào chảo chờ nóng thì cho dứa vào xào sơ thì cho hỗn hợp tỏi ớt vào. Thêm chút nước mắm, hạt nêm đun tiếp cho sôi sền sệt lại thì tắt bếp.

4. BÁNH TRÁNG CUỐN CÁ NƯỚNG SA TẾ

Nguyên liệu:

- 1 con cá chép (con cá em nướng nặng 1.5kg).

- Hỗn hợp sốt: 2 thìa dầu hào - 1 thìa tương ớt - 2 thìa nước - 1 thìa dầu ăn - 1 thìa đường - 2 thìa sa tế tôm - 2 củ hành khô, 1 củ tỏi, 1 củ sả.

- Bánh tráng, dưa chuột, dứa, cà rốt, chuối xanh, rau thơm... cuốn kèm...

Cách làm:

- Cá mổ và rửa sạch sau đó thấm khô. Dùng dao khía vài đường lên hai mặt cá.

- Băm nhỏ hành, tỏi, sả.

- Phi thơm dầu ăn + hành, tỏi, sả.

- Cho các nguyên liệu chuẩn bị cho sốt còn lại vào nồi. Đun sôi tới khi hỗn hợp sánh quyện.

- Rưới nước sốt lên 2 mặt cá. Dùng cọ phết đều rồi ướp cá 30 phút để cá ngấm gia vị.

- Nướng lần 1: 20 phút - 180 độ C. Sau đó, lấy cá ra, phết thêm lớp sốt lần nữa.

- Nướng lần 2: 10 - 15 phút mỗi mặt cá.

Lưu ý: Mỗi nồi có công suất khác nhau, vì thế tùy theo nồi nhà mình, các bạn hãy nướng sao cho thời gian phù hợp nhé!

- Sau khi nướng có thể rưới thêm chút dầu hành lên thân cá nếu muốn ngậy hơn và đẹp mắt hơn.

Cá nướng xong, dùng bánh tráng cuốn cùng bún, củ quả và các loại rau gia vị rất ngon!

5. BÁNH TRÁNG CUỐN NEM TAI THÍNH

Nguyên liệu:

- 1 cái tai lợn (300g) hoặc ½ thịt thủ lợn lọc xương (400g).

- 100 g thính (nguyên liệu làm thính: 100g gạo tám thơm).

- 1 củ tỏi.

- 1-2 quả ớt.

- 1 quả chanh.

- 5-7 lá chanh.

- Các loại rau ăn kèm, tùy khẩu vị như: lá sung, lá đinh lăng, xà lách, kinh giới, tía tô, hung quế, thơm láng, rau mùi, diếp cá…

- Gia vị : Đường, nước mắm, bột canh, mì chính, giấm.

- Ăn cùng: bún, dưa góp (đu đủ + cà rốt), vỏ nem cuốn (loại cuốn ăn sống, hình chữ nhật).

Cách làm nem thính:

Bước 1. Sơ chế

- Tai lợn cạo sạch lông. Lấy muối cùng giấm hoặc chanh, xát mạnh cho mất mùi hôi, sau đó rửa lại bằng nước.

- Các loại rau ăn kèm rửa sạch, ngâm nước muối.

- Thính gạo:

Ngâm 100g gạo vào bát nước khoảng 30 phút, sau đó đổ gạo ra để ráo nước. Khi nào lấy móng tay bấm cho hạt gạo vỡ được đôi ra thì cho vào chảo rang chín. Đến khi hạt gạo rang có màu vàng nâu, có mùi thơm của gạo rang thì đổ gạo rang ra đĩa, để nguội, cho vào máy xay, xay mịn.

Hoặc các bạn cũng có thể dễ dàng mua được thính gạo ở chợ hoặc siêu thị trong quầy hàng đồ khô, các hàng giò chả...

Bước 2. Các bước làm nem tai

Luộc tai lợn:

- Cho tai vào nồi nước lạnh pha với 2 thìa giấm, và 2 nhánh tỏi. Bắc nồi nước lên bếp luộc trong khoảng 15 phút (các bạn nhớ hớt bọt khi nồi sôi).

- Chuẩn bị sẵn 1 bát nước đá, khi tai chín, vớt ra thả ngay vào bát nước để tai được giòn và không bị thâm.

Thái tai:

- Sau khi ngâm trong bát đá lạnh 10 phút thì vớt ra, đợi nguội, thái mỏng.

Bóp thính

Cho tai vào bát tô, rắc 1 thìa café bột canh, ½ thìa café đường, ½ thìa café mì chính. Đeo găng tay bóp cho đều.

Tỏi băm nhỏ, ớt thái lát, lá chanh thái chỉ. Cho tỏi, ớt, lá chanh vào tai bóp đều. Các bạn để lại một ít ớt và lá chanh để sau cùng trang trí đĩa nem thính cho đẹp.

Sau khi bóp đều gia vị và nguyên liệu như trên, các bạn nêm nếm vừa ăn, rồi tiếp tục vừa rắc thính vừa bóp đều cho thính ngấm vào tai.

Cho nem tai ra đĩa, cuốn với lá sung hoặc cuốn nem sống với bún và các loại rau, chấm nước mắm chua ngọt và thưởng thức. 

Bạn có thể biến tấu, cuốn thêm nem tai với thịt chua, nem chua... cùng bún và rau thơm cũng rất hấp dẫn.

Bước 3. Phần nước mắm chua ngọt và dưa góp

- Pha nước chấm

Công thức pha nước mắm chấm nem cuốn theo tỷ lệ như sau: 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa canh đường, ½ thìa mì chính, 1 quả chanh vắt lấy nước cốt, 2 thìa canh nước nguội khuấy đều lên, sau đó cho thêm ớt, tỏi băm nhuyễn vào.

- Dưa góp:

¼ quả đu đủ + ½ củ cà rốt

Thái nhỏ đu đủ, cà rốt rắc chút muối tinh đợi tiết ra nước thì chắt bỏ phần nước đó đi. Trộn 1 thìa cafe gia vị (bột canh), 1 thìa đường, 1 thìa dấm, tỏi,ớt. Đợi 10 phút dưa góp ngấm gia vị vừa trộn thì nêm nếm lại. Cất tủ lạnh nếu chưa ăn luôn vì cất tủ lạnh dưa góp sẽ giòn hơn.

Chúc các bạn thành công!

MINH NGỌC

Bình luận(0)