2 loại lá nước ta trồng nhiều, nấu nước uống giúp kiểm soát đường huyết, cái thứ nhất thông dụng nhưng ít người biết

Google News

Theo các bác sĩ, trong lá ổi và lá vối đều chứa hợp chất flavonoid, có thể hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh tiểu đường nếu thường xuyên nấu nước hay làm trà uống.

Theo các bác sĩ, tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường. Điều này là do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin, đề kháng với insulin hoặc cả 2, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng. 

Nguyên nhân khiến một người bị tiểu đường thường do di truyền từ gia đình, có lối sống kém lành mạnh, nạp quá nhiều đường và chất béo, không bổ sung đầy đủ chất xơ, lười vận động. Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, nên cần phát hiện để can thiệp điều trị ngay từ giai đoạn đầu.

Việc điều trị tiểu đường hiện nay ngoài sử dụng bằng thuốc trong tây y, còn đòi hỏi người bệnh phải thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống.

Theo Ths.BS Phạm Khánh Toàn, Trưởng khoa Khoa Y học Cổ truyền tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, việc điều trị tiểu đường trong Đông y là có thể dùng thuốc tùy theo mức độ bệnh hoặc không dùng thuốc. Đối với phương pháp không dùng thuốc là sử dụng các liệu pháp tự nhiên, trong đó có sử dụng các loại trà dược từ rau củ quả sắc nước uống mỗi ngày. 

Trong đó, 2 loại lá cây được Đông y sử dụng đối với bệnh tiểu đường khá phổ biến là lá ổi và lá vối. Đây là 2 loại lá được trồng nhiều ở nước ta. 

Lá ổi được chứng minh có thể hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa.

Lá ổi

Theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, lá ổi có vị đắng, tính ấm, được sử dụng nhiều trong các bài thuốc dân gian với công dụng giải độc, tiêu thũng, thu sáp chỉ huyết để chữa tiểu đường. Thành phần lá ổi chứa khoảng 7-10% là tanin (vị chát), khoảng 3% nhựa ổi (chứa axit d-galactose, axit d-galacturonic) và 0,31% tinh dầu ổi (gồm polyphenol, sitosterol, saponin, axit guijavalic, axit maslinic,…).

Năm 2018, các nhà khoa học Nhật Bản đã nghiên cứu thử nghiệm lá ổi cho các trường hợp bị tiểu đường type 2. Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Dinh dưỡng và chuyển hóa (Nutrition & Metabolism) chỉ ra rằng, hợp chất flavonoid trong lá ổi có tác dụng hạ đường huyết theo nguyên lý nâng cao hiệu suất sử dụng glucose của các tổ chức ngoại vi. Đặc biệt, enzyme Alpha-glucosidase có trong lá ổi có tác dụng chuyển hóa thức ăn thành Glucose, từ đó làm giảm lượng đường trong máu. Chất dịch trong lá ổi non giúp kích thích hoạt hóa men protein tyrosine phosphatase 1B giúp ổn định đường huyết.

Bài thuốc giúp hỗ trợ điều trị tiểu đường trong Đông Y như sau: lấy 5-10 lá ổi tươi và rửa sạch dưới vòi nước chảy. Đổ 1,5 ly nước (350 ml) vào nồi và đun sôi trên lửa vừa trong 2 phút. Sau đó, cho lá ổi vào đun sôi trong 5 phút. Để dễ uống, có thể thêm ½ muỗng cà phê lá trà thông thường. Sau khi sôi 10 phút, thêm nước và lọc.

Nếu không muốn pha như trà, bạn có thể rửa sạch 2-3 lá ổi và nhai khi bụng đói vào buổi sáng. Điều này sẽ có lợi cho bệnh nhân tiểu đường. Ngoài ra, cũng có thể tiêu thụ lá ổi bằng cách sấy khô và làm bột.

Tuy nhiên, các thành phần trong ổi được sử dụng từ lâu để trị bệnh tiêu chảy, dịch chiết lá ổi để làm se niêm mạc, chữa các chứng bệnh thấp độc, thấp chẩn…Do đó, việc dùng lá ổi để ổn định tiểu đường cần cân nhắc tác dụng phụ không mong muốn và thời gian sử dụng để đạt hiệu quả.

Lá vối

Theo Theo Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, vối là một loại cây trồng phổ biến ở nước ta. Các bộ phận của cây vối như nụ vối, lá vối được người dân tận dụng nấu nước uống hàng ngày để giải khát cũng như điều trị một số loại bệnh. 

Thành phần chính của nụ và lá vối chủ yếu là tanin, polyphenol, flavonoid, triterpene, alkanoid và một số chất khoáng, vitamin. Có khoảng 4% tinh dầu với mùi thơm dễ chịu, lá vối tươi hay khô sắc đặc được dùng chữa nhiều bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt.

Lá vối cũng chứa chất giúp hỗ trợ phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã tìm và chứng minh công dụng hỗ trợ phòng và điều trị bệnh tiểu đường của lá vối. Một thử nghiệm lâm sàng gần đây của Viện Dinh dưỡng kết hợp với trường Đại học Phụ nữ Nhật Bản cho thấy, uống trà vối liên tục trong 3 tháng với liều lượng trung bình 20 - 25 gram/ngày/người dưới dạng nước đã làm giảm đường huyết của các bệnh nhân tiểu đường type 2. 

Theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, trong nụ hoa cây vối có chất flavonoid giúp đường huyết ổn định và còn hỗ trợ giảm mỡ máu. Sử dụng lá vối giúp cơ thể phòng ngừa bệnh tiểu đường bằng cách: dùng lá vối 20 - 30g hãm hoặc sắc uống trong ngày.

Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, khi sử dụng lá vối không nên uống quá nhiều, mỗi ngày chỉ uống một ấm trà hoặc một ly nước. Không được dùng thay nước lọc, bởi vì điều này có thể ảnh hưởng đến hệ thống bài tiết. Ngoài ra, bạn không nên uống nước lá vối khi đói và không được uống nước vối quá đặc, lá vối đậm đặc có thể gây cảm giác mệt mỏi, mất năng lượng, choáng váng.

Với việc dùng lá vối trị tiểu đường thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và nên kết hợp ăn uống khoa học, tập luyện thường xuyên để đạt hiệu quả tốt nhất.

DIỆU THUẦN

Bình luận(0)