Thông tin tại kỳ họp Hội đồng nhân dân Đà Nẵng vừa qua cho biết thành phố có thể phải xây một Trung tâm hành chính khác vì tòa nhà hiện tại nóng và thiếu oxy. Zing.vn cung cấp thêm thông tin về Tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng này.
1. Dấu ấn ông Nguyễn Bá Thanh
Với mong muốn người dân và doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí khi đi lại trong lúc giao dịch với chính quyền, ông Nguyễn Bá Thanh (khi đó là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng) đã quyết định xây dựng tòa nhà hành chính tập trung này.
Phát biểu trong kỳ họp HĐND khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016), cố Bí thư Đà Nẵng, nhấn mạnh: "Trung tâm hành chính thành phố khi đưa vào sử dụng sẽ chấm dứt sự manh mún, luộm thuộm của công chức, tiết kiệm được nhiều thứ, trong đó có xe công, từng bước chấm dứt tình trạng lãng phí công".
|
Trung tâm hành chính Đà Nẵng có hình trái bắp. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
2. Trị giá hơn 2.300 tỷ đồng
Tòa nhà Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng được UBND thành phố Đà Nẵng chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 8/9/2014 sau gần 6 năm thi công.
Tòa nhà khởi công từ tháng 11/2008 với tổng vốn đầu tư xây dựng sau nhiều lần điều chỉnh là 2.321 tỷ đồng từ tiền ngân sách, tiền khai thác quỹ đất và bán các trụ sở cũ. Sau nhiều lần gia hạn, công trình được đưa vào vận hành từng phần từ cuối tháng 7/2014 và đến ngày 8/9/2014 thì chính thức đi vào hoạt động, phục vụ người dân.
3. Tòa nhà cao nhất miền Trung
Tòa nhà có hình dáng kiến trúc của ngọn hải đăng bên sông Hàn với chiều cao 37 tầng, có 2 tầng hầm. Tòa nhà có chiều cao 166,8 m, cao nhất miền Trung.
Phần đỉnh tháp phía trên cùng được thi công bằng kết cấu thép, phủ kính, dành cho hệ thống kỹ thuật, dự kiến sẽ thành nơi giải trí, ngắm Đà Nẵng từ trên cao.
Tòa nhà có hệ thống gồm 13 thang máy (3 thang phục vụ khối đế, 10 thang phục vụ khối tháp) được chia làm 3 nhóm để phục vụ người dân, các tổ chức đến liên hệ công việc.
4. Hơn 21.000 m2 kính cường lực
Toàn công trình có tổng diện tích sàn 65.234 m2, được chia làm 4 phần: phần ngầm, phần đế, phần thân khối tháp và phần đỉnh tháp. Để thi công tòa nhà này, công trình đã sử dụng 63.404 m3 bê tông; 12.275 tấn sắt thép; 21.012 m2 kính cường lực phủ lớp Lowe có khả năng chống hấp thu nhiệt, tiết kiệm năng lượng và gần 600 tấn kết cấu thép định hình.
5. Trang thiết bị chủ yếu nhập ngoại
Ông Trần Văn Lĩnh - nguyên đại biểu HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII nói với Zing.vn: "Hầu hết trang thiết bị được lắp đặt trong tòa nhà là nhập về từ nước ngoài. Trong một số kỳ họp HĐND, tôi và nhiều đại biểu khác đã từng chất vấn lãnh đạo thành phố về việc, tòa nhà là nơi làm việc cho cán bộ lãnh đạo "đầu não" của TP mà lại lắp đặt các trang thiết bị của nước ngoài, trong đó có đồ của Trung Quốc thì có ái dám chắc không bị nghe lén? Tuy nhiên, khi đó anh Văn Hữu Chiến - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - trả lời không có việc thiết bị định vị, nghe lén được đặt trong tòa nhà".
|
Bên trong Trung tâm hành chính Đà Nẵng. |
6. Thiết kế công trình từng bị phản đối
Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng (một trong số 2 người từng phản đối thiết kế tòa nhà từ đầu), cho biết cuộc thi thiết kế tòa nhà có hơn 10 mẫu thiết kế trong nước và quốc tế được chọn.
Tuy nhiên, sau đó, mẫu thiết kế hiện tại được chọn là của Công ty Mooyoung Architects & Engineers Hàn Quốc. Công ty Apave Việt Nam và Đông Nam Á là đơn vị tư vấn… Công Ty Cổ Phần Xây Dựng & Kinh Doanh Địa Ốc Tân Kỷ liên danh với Công ty 55 là đơn vị thi công.
"Tôi và đồng nghiệp phản đối thiết kế này vì thấy không phù hợp. Tuy nhiên, TP vẫn quyết định chọn thiết kế ngọn hải đăng để xây dựng”, ông Huy nói. Theo đánh giá của vị kiến trúc sư này, mẫu thiết kế này áp dụng cho tòa nhà hành chính không phù hợp.
“Sau khi xây dựng đến nay tôi chưa thấy ai khen công trình này có kiến trúc đẹp. Lúc duyệt phương án họ chỉ chọn hình thức kiến trúc. Việc chọn phương án kiến trúc kiểu Hàn Quốc và giao cho Hàn Quốc làm nên công năng kém và không phù hợp”, ông Huy nói.
7. Khó làm mát và tốn điện năng
Theo Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, phương án xây Trung tâm hành chính này sai từ khâu duyệt thiết kế ban đầu khi công năng không phù hợp. Vì hình thức kiến trúc này là hình ống cao nên tính tương tác với người dân đến làm thủ tục hành chính không cao.
“Dân trí của mình chưa cao, nên việc vận hành một khối như này khá khó, dù đã có nhiều chuyên viên hướng dẫn. Mô hình Trung tâm hành chính ở các nước cũng tập trung những đặc thù làm việc của họ khác mình. Nhận thức, tư duy của họ cũng khác Việt Nam mình. Không thể áp đặt họ vào mình được”, ông Huy cho biết.
Việc tổ chức không gian phòng làm việc trong nhà hình ống khó sắp xếp, ông Huy phân tích. Lý do thứ hai là đặc thù kiến trúc hình ống thì chuyện thông thoáng, thoát hơi, thoát khí, và cung cấp khí khó hơn bình thường. Lý do thứ ba là phương án này bọc toàn bộ kính ở tất cả các phía, việc làm mát sẽ khó khăn và tốn kém điện năng.
Mở thêm cửa và bơm khí tươi
Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Đình Quỳnh, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND thành phố Đà Nẵng cho biết thành phố đang xem xét phương án mở thêm những cửa hút không khí và gió vào toà nhà trung tâm hành chính.
Trước mắt, để khắc phục tình trạng thiếu oxy, bộ phận kỹ thuật cũng sẽ can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật để bơm khí tươi vào những vị trí chưa đủ khí.
Vị này cũng bác bỏ thông tin, Đà Nẵng có ý định bán Tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng cho một đơn vị tư nhân khác như dư luận nghi vấn. Ông cho rằng, việc di dời mới chỉ là ý tưởng ban đầu và chưa ai bàn đến cả. Do đó, việc khắc phục những hạn chế trong tòa nhà là phương án khả thi mà lãnh đạo thành phố sẽ áp dụng trong thời gian tới. Nếu có đi thì còn phải họp bàn rất nhiều và phải được sự đồng ý của các cơ quan cấp trên, nhất là sự đồng thuận của quần chúng nhân dân.