6 năm trước cựu Viện trưởng VKSND tỉnh Cà Mau Trần Công Lộc xây phủ thờ gia tộc tại quê nhà thị trấn Ngã Năm (Ngã Năm, Sóc Trăng) hơn nửa tỷ đồng làm rúng động dư luận vùng sông nước Cửu Long. Nay, việc xây cất thế này trở thành trào lưu với nhiều nông dân xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) bởi riêng ấp Trùm Thuật A đã có hơn chục gia đình xây hàng loạt căn nhà mồ sơn son thếp vàng.
Hoành tráng nhất vùng là nhà mồ của gia đình ông Trần Văn Mười Ba (76 ruổi) rộng hơn 500 m2. Công trình gần 1,1 tỷ đồng này có thời gian xây dựng hơn 3 tháng bằng vốn tích cóp hàng chục năm làm ruộng của gia đình sau khi cụ bà qua đời cách nay một năm. Con trai Út của cụ Mười Ba cho biết, chỉ riêng tiền ngói đã 180 triệu đồng, công thợ gần 100 triệu và thuê thợ tận Quảng Ngãi vào đắp hoa văn rồng, phụng sặc sỡ từ cổng rào đến mái nhà tốn thêm 70 triệu.
"Vùng này làm ruộng chỉ được một vụ lúa trong năm, mỗi công (1.000 m2) thu hoạch khoảng 20 giạ (tương đương 400 kg) chứ không nhiều. Dành dụm được tiền xây nhà mồ khang trang thì con cháu làm ăn mau khá giả", con trai cụ Mười Ba chia sẻ.
Tương tự, ông Tô Kiệt (phường 7, TP Cà Mau) đặc biệt quan tâm đến nơi an nghỉ của người quá cố nên 5 năm trước ông tìm mua thửa đất rộng trên 5.000 m2 nằm cạnh quốc lộ 1A ở xã Phú Hưng (Cái Nước, Cà Mau) với giá hơn 100 triệu đồng. Khi cha ngã bệnh qua đời, ông cùng các anh, chị xây Tô - Triệu mộ viên cho đấng sinh thành trên 800 triệu đồng. Cách đó vài bước chân, nhà mộ của cháu ông Kiệt cũng đang được xây vài trăm triệu.
"Thợ xây nhà mồ thuê tận Bạc Liêu. Long, lân, quy, phụng với hoa văn đi kèm do thợ ngoài Bắc thực hiện. Nhà mồ cháu tôi dự định xây 200-300 triệu nhưng chưa xong vì hết tiền", ông Kiệt cho biết thêm.
Không riêng gì Cà Mau, ở Bạc Liêu, Sóc Trăng cũng có không ít nhà mồ xây dựng tốn kém nhiều lần so với nhà dành cho người sống. Ven đường Quản Lộ - Phụng Hiệp ở xã Phong Thạnh Tây (Giá Rai, Bạc Liêu) có nhà mồ khoảng 400 triệu đồng mọc lên giữa đồng tôm. Cạnh bên là quán nước nhỏ với mái lá đơn sơ cho thấy gia tộc rất quan tâm đến nơi an nghỉ của người quá cố.
|
Trần - Đỗ gia mộ là một trong những nhà mồ lớn nhất nhì trên đường về xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau).
|
Ông Trần Triều Tiên, Chủ tịch UBND xã Khánh Hải (Cà Mau) cho biết, ngoài những nhà mồ xây trên đất ông bà để lại, xã có 2 nhà mồ của người dân thị trấn cửa biển Sông Đốc vào mua đất chôn cất cha mẹ vì đất chợ chật hẹp. Trong đó, đa phần xây nhà mồ với chi phí lớn bằng vốn tích lũy từ nghề nông, đi biển. Một vài người được người thân ở nước ngoài hỗ trợ.
"Nhà mồ xây dựng khang trang cho thấy cuộc sống của người dân ấm no, sung túc. Tuy nhiên, nếu xây quá tốn kém thì địa phương góp ý gia chủ để sao cho hài hòa giữa nhà ở hiện tại với nơi an nghỉ của người đã khuất", ông Tiên nêu quan điểm.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐỌC NHIỀU: