Giật mình đồng nát ở biệt thự, cưỡi siêu xe

Google News

Ngôi làng nghèo xơ xác bỗng “lột xác” với các căn biệt thự sang trọng và cả trăm người nông dân biết lái ô tô nhờ nghề đồng nát.

Hỏi đường đến thôn Thuyền không khó bởi ngôi làng nhỏ án ngữ ven thành phố Bắc Giang này nổi bật giữa cánh đồng với hàng chục ngôi biệt thự sang trọng nằm liền kề nhau. Ấn tượng hơn là những nơi tập kết ô tô ngổn ngang như bãi chiến trường toàn sắt, thép, săm lốp và phụ tùng các loại.
 Ở đây, hình ảnh những căn biệt thự không còn là quá xa lạ với người dân.
Nằm gần quốc lộ 1A mới, thuộc địa phận xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang (Bắc Giang), thôn Thuyền được biết đến từ lâu với nghề mổ, phá xe ô-tô cũ. Cái nghề độc đáo này mang lại cuộc sống sung túc cho hàng chục hộ và giải quyết công ăn việc làm cho cả trăm người dân vùng ven nửa quê, nửa phố này.
 Người dân tỉnh Bắc Giang vẫn quen gọi thôn Thuyền là “thôn mổ ô tô”.
Người dân tỉnh Bắc Giang vẫn quen gọi thôn Thuyền là “thôn mổ ô tô”, nghĩa là chuyên đi thu mua những chiếc ô tô, tàu thủy, máy ủi, cần cẩu, máy xúc,…đã bị hỏng, cũ nát về đập ra lấy phụ tùng, linh kiện còn sử dụng được rồi bán cho các cơ sở trong nước. Những thứ không dùng được đem bán cho đồng nát làm sản phẩm tái chế.
Có lẽ người dân sống ở Bắc Giang không thể quên cái "nghệ danh" của thôn Thuyền cách đây hai, ba chục năm là "làng đồng nát". Hầu như 100% lao động thôn Thuyền khi đó hành nghề này hoặc có liên quan đến cái thứ người ta chỉ muốn vứt đi ấy.
Hồi đầu mới làm nghề, nhà nào cũng chất đống những thứ sắt vụn đầy sân, vườn mặc cho han rỉ để chờ cho đủ chuyến mới gom lại mang đi tiêu thụ. Sau một số nhà có vốn đứng ra làm đại lý, thu mua lại của những người đi thu mua nhỏ lẻ. Dần dần, nguồn hàng khan hiếm dần, người ta mới tư duy đi kiếm những món hàng to hơn, giá trị hơn. Đó là gốc rễ của nghề phá, mổ ô-tô đang tạo thành một "thương hiệu" làng mổ xe có tiếng khắp trong nam, ngoài bắc như bây giờ.
Quá nửa số hộ dân trong làng giờ đã xây nhà cao tầng, nhiều hộ sắm ô tô mới đi lại nườm nượp ở thôn. 
Từ năm 2000 trở lại đây, dân làng Thuyền không còn phải kẽo kẹt trên những chiếc xe đạp cũ kỹ đi về các tỉnh mua phế liệu mà thành lập hẳn công ty riêng của gia đình, thuê nhân công làm việc. Nhiều công ty ký kết những hợp đồng kinh tế trị giá vài chục tỷ đồng.
Tiếng tăm thôn Thuyền mổ xe, buôn bán phụ tùng cũ giờ đây cũng không chỉ nằm trong phạm vi các tỉnh phía Bắc mà nhiều khách hàng trong nam cũng tìm ra "săn" hàng. Nhất là các chủ gara ô tô. Họ tìm những phụ tùng, linh kiện thay thế chỉ có ở những chiếc xe cùng hãng, bởi có những bộ phận xe đời cũ cực bền, có thể thay cho một bộ phận hỏng của chiếc xe mới mà vẫn chạy tốt.
Làm ăn khấm khá, quá nửa số hộ dân trong làng giờ đã xây nhà cao tầng, nhiều hộ sắm ô tô mới đi lại nườm nượp ở thôn. Ông trưởng thôn còn khoe đã 10 năm nay thôn Thuyền không còn hộ nghèo, số hộ khá và giàu chiếm 80%, có thể gọi là “thôn tỷ phú”.
Theo Đất Việt

Bình luận(0)