Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ nhiều bí quyết để Việt Nam hút khách Ấn Độ

Google News

(Kiến Thức) - Chúng tôi may mắn gặp Đại sứ Phạm Sanh Châu tại Việt Nam khi ông đang trải qua kì nghỉ với gia đình tại Việt Nam. Đó cũng là thời điểm đám cưới triệu đô của cô dâu Kaabia Grewal và chú rể Rushang Sha diễn ra tại khách sạn J.W.Marriott Phu Quoc Emerald Bay. 

Câu chuyện về đám cưới nổi tiếng, về những bí mật của thị trường du khách Ấn mở ra nhiều kiến giải thú vị cho ngành du lịch Việt Nam.
Dai su Pham Sanh Chau chia se nhieu bi quyet de Viet Nam hut khach An Do
 
Được biết Đại sứ Sanh Châu chính là cầu nối mang đám cưới triệu đô này đến Phú Quốc (Việt Nam), thông tin này có đúng không, thưa ông?
Tôi phải nói rằng mình rất hạnh phúc và mãn nguyện khi đưa được đám cưới này về Việt Nam, đến Phú Quốc. Trong suốt 5 tháng vừa qua, anh em trong Đại sứ quán đã dành rất nhiều thời gian và công sức hỗ trợ cho sự kiện này. Đó là cả một quá trình được ví von như hoạt động đàm phán, từ việc nhỏ đến lớn với các cơ quan và các cấp quản lí, với khách sạn JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, hãng hàng không Vietjet Air… Rất nhiều công sức bỏ ra, cũng bởi các bên đặt yêu cầu nhiều lúc quá mức khiến chúng tôi cũng căng thẳng rất nhiều.
Dai su Pham Sanh Chau chia se nhieu bi quyet de Viet Nam hut khach An Do-Hinh-2
 
Tại sao ông lại quyết định đưa bằng được đám cưới triệu đô này về Việt Nam?
Tôi nhớ khi mới sang Ấn Độ, có dịp dùng bữa với người bạn là Kamalkumar. Cuộc nói chuyện khi ấy giúp tôi hiểu thêm nhiều về đất nước này, đặc biệt là nét đặc trưng về đám cưới. Khái niệm “Đám cưới Ấn Độ” vốn để nói người dân, đặc biệt là người có kinh tế, rất xem trọng nghi thức cưới. Người Ấn Độ chi rất nhiều cho cưới hỏi. Họ mua một lượng vàng ròng lớn mỗi năm thì phân nửa số đó được tiêu cho dịp này. Đám cưới là lúc thể hiện hình ảnh gia đình, thân thế và tri ân bạn bè. Vì thế nên đám cưới Ấn độ là “đám cưới không thu được tiền về” khi phải chi nhiều hơn thu, còn người dự thì không xem đây “bữa ăn trưa cao cấp” như người Việt Nam. Gia đình tổ chức cưới không hề cảm thấy nặng nề mà làm vì họ muốn thế. Chính vì vậy, tôi bỗng có một suy nghĩ, tại sao không giới thiệu các đám cưới này đến Việt Nam, khi đã có nhiều nhà giàu Ấn tổ chức đám cưới ngoài nước như Bali (Indonesia) hay Phuket (Thái Lan)?
Cá nhân ông nhìn nhận sự kiện này sẽ đem lại những giá trị nào cho du lịch Việt Nam?
Đầu tiên phải thấy rằng đến thời điểm hiện tại, khái niệm đám cưới là sự kiện riêng tư và không có tầm ảnh hưởng đã không còn phù hợp. Chúng ta nên thấy đây là một cách quảng bá du lịch đầy tiềm năng. Thứ hai, thông qua đám cưới này mà hai bên phần nào thay đổi nhận thức, nếp nhìn cũ về nhau. Những người Ấn Độ tôi tiếp xúc trong sự kiện đều bất ngờ vì không nghĩ Việt Nam lại có địa điểm ấn tượng đến thế. Người Việt Nam cũng cần thay đổi hình dung Ấn Độ là một nước nghèo mà thực tế, họ vẫn có tiềm năng chi tiêu du lịch và hưởng thụ. Tiếp nữa là giá trị quảng bá thương hiệu lớn, khi hàng loạt hãng máy bay, chuỗi khách sạn và dịch vụ được truyền thông liên tục nhiều ngày. Nếu sự kiện Donald Trump và Kim Jong-un vừa qua đến Việt Nam khẳng định vị thế đối ngoại của ta trên trường quốc tế thì ở một góc nhìn khác, đây có thể xem như cơ hội quảng bá Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Cuối cùng là bài học quảng bá, ví như đối với khách Ấn Độ thì không phải lúc nào cũng giới thiệu ẩm thực Việt Nam. Họ đã mang 50 đầu bếp sang thì ẩm thực chưa chắc là con bài mạnh. Chúng ta cần tìm những phương cách khác, mở rộng phạm vi khai thác ý tưởng du lịch. Quan sát một đám cưới cũng rất thú vị, vì nó cho ta thấy sự đa dạng trong cách sống của người Ấn Độ hiện đại. Đó là sự pha lẫn giữa truyền thống ấm cúng gia đình của người Châu Á và sang trọng kiểu cách của Châu Âu, cùng một chút sang trội của giới nhà giàu thế giới.
Dai su Pham Sanh Chau chia se nhieu bi quyet de Viet Nam hut khach An Do-Hinh-3
 
Thị trường Ấn Độ có phải là thị trường tiềm năng lớn với du lịch Việt? Nếu chúng ta tích cực quảng bá văn hoá, du lịch, kết nối thương mại, mở đường bay thẳng v.v... thì tương lai của thị trường này sẽ như thế nào?
Ấn Độ hàng năm có 25 triệu người đi ra nước ngoài, trong đó lượng người sang Việt Nam chỉ khoảng 70.000 đến 80.000 và chủ yếu là đi làm ăn. Tôi hi vọng sau sự kiện này, với sự quan tâm của truyền thông, có thể tạo một làn sóng mới trong thị trường. Cá nhân tôi thấy khi các cấp lãnh đạo thường xuyên đặt câu hỏi làm thế nào để du khách vào Việt Nam chi tiêu nhiều hơn, thì câu hỏi đúng theo tôi, phải là làm thế nào để chọn đúng nhóm người hay tiêu tiền để sang nước mình. Ví như du khách Ấn Độ vào Việt Nam dự đám cưới này là nhóm khách thật sự chất lượng và có khả năng chi trả, tập trung nghỉ dưỡng và du lịch xa xỉ chứ không cần nhiều tour trekking. Tiềm năng Ấn Độ rất lớn, sao chúng ta không nắm bắt cơ hội để biến mình trở thành điểm đến hấp dẫn?
Tôi nghĩ cần phải nói thêm rằng việc du lịch Việt Nam phát triển trong thời gian qua phần nhiều là nhờ khách Trung Quốc. Câu nói tôi nghe dạo gần đây là sợ nhất thị trường Trung Quốc bão hoà không tăng được nữa. Vậy nếu đặt tương quan thì hẳn Ấn Độ là khách hàng tiềm năng rồi.
Dai su Pham Sanh Chau chia se nhieu bi quyet de Viet Nam hut khach An Do-Hinh-4
 
Vừa qua, du lịch Đà Nẵng được biết tới nhiều bởi cây Cầu Vàng tại Bà Nà Hills. Có nhiều du khách Ấn đến đây chỉ để check-in tại Cầu Vàng. Thậm chí có cặp vợ chồng người Ấn đã đến Cầu Vàng để tổ chức sinh nhật 1 tuổi cho con gái mình tại đây. Theo ông, những sản phẩm du lịch như vậy có phải là sản phẩm mà du khách Ấn Độ thích không và tại sao?
Quả thật tôi rất xúc động khi đến dự các sự kiện tại Ấn Độ đều thấy hình ảnh Cầu Vàng trong băng-rôn biểu ngữ. Tôi từng đến hội chợ sách ở Kolkata thì thấy biểu trưng của gian hàng Việt Nam cũng là cây Cầu Vàng. Không chỉ chúng ta mà bạn bè thế giới cũng đang nhìn nhận đây là một hình ảnh tiêu biểu, điểm nhấn của Việt Nam hiện đại. Tôi cho rằng đây là một cách làm thông minh và sáng suốt. Cầu Vàng lấy ý tưởng từ một dải lụa từ trên trời rơi xuống được nâng đỡ bởi đôi bàn tay của Đức Phật. Mà Phật giáo thì xuất phát từ Ấn Độ. Hình ảnh này quả thực đã mang đến mối liên kết tâm linh khéo léo và tự nhiên giữa hai nước. Theo tôi, Tổng cục Du lịch đôi lúc đừng quá quan trọng việc ai là người xây dựng (tư nhân hay nhà nước), mà quan trọng là khi nó đã có thể trở thành một biểu tượng mới thì phải sử dụng một cách thật hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
PV

>> xem thêm

Bình luận(0)