Ăn mặc lịch sự, phù hợp
Sự chuyên nghiệp được thể hiện ngay từ những ấn tượng đầu tiên như cách đi đứng, ăn mặc. Một hình ảnh chỉn chu, thanh lịch sẽ không chỉ tạo ấn tượng tốt đẹp mà còn thể hiện phần nào phong thái, tác phong làm việc của bản thân bạn.
Với mỗi công ty thì sẽ có những quy định và phong cách cách ăn mặc khác nhau. Nếu công ty bạn có đồng phục, đừng cố thoát ra khỏi ranh giới bằng loại trang phục khác hở hang hay thể hiện dấu ấn cá nhân quá riêng biệt. Bạn không muốn mình trở thành trung tâm của sự chú ý phải không nào?
Quản lí cảm xúc cá nhân
Áp lực công việc, mệt mỏi, stress và lối suy nghĩ tiêu cực là những nguyên nhân khiến bạn không thể làm chủ cảm xúc của mình. Cách bạn quản lý cảm xúc của bản thân có tác động trực tiếp đến thành tích và hiệu quả làm việc của bạn cũng như thái độ đánh giá của sếp hay đồng nghiệp xung quanh. Vì thế, bạn nên học cách đối diện với những tình huống khó khăn, bất trắc có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, tránh nổi giận, vượt qua cảm giác mệt mỏi, chán nản và biết cách từ chối khi cần thiết. Biết kiềm chế cảm xúc sẽ giúp bạn giữ được hình ảnh chuyên nghiệp, thân thiện.
Tránh bè phái, nói xấu chốn công sở
Những điều bạn nói và hành động có thể cho mọi người thấy mức độ chuyên nghiệp của bạn như thế nào. Hãy kiềm chế bản thân bằng cách tránh tham gia vào nói chuyện phiếm, nói xấu chốn công sở. Thay vào đó là tập trung vào công việc, hoàn thành tốt mọi việc được giao. Chính kết quả, thành công trong công việc mới là bằng chứng tốt nhất cho thấy sự chuyên nghiệp của bạn.
Đến đúng giờ trong các cuộc họp
Bước chân vào môi trường công sở đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải tham gia các cuộc họp từ họp nhóm, họp phòng, họp Ban điều hành… Tuy nhiên, theo nghiên cứu của một trường đại học tại Mỹ với khảo sát trên 2.000 nhà quản lý đã đưa ra kết quả: 30% thời gian của các cuộc họp là thời gian lãng phí. Điều này bắt đầu từ nguyên nhân mọi người đi họp không đúng giờ, mất tập trung khi đi họp hay không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng dẫn đến họp không có hiệu quả.
Vì vậy, để thể hiện sự chuyên nghiệp, bạn nên đến sớm trước 5 phút trước khi cuộc họp bắt đầu, chuẩn bị kỹ nội dung cuộc họp, qua đó không chỉ thể hiện thái độ tôn trọng, nghiêm túc trong công việc mà còn tạo nên hình ảnh đáng tin cậy trong mắt đối tác và đồng nghiệp khi họ cần hợp tác với bạn trong một nhiệm vụ quan trọng nào đó.
Quản lý thời gian hiệu quả
Thời gian được ví như tiền bạc, vì vậy bạn phải học cách quản lý giữa thời gian làm việc và cá nhân sao cho thật hiệu quả. Để trở thành một người có tác phong làm việc chuyên nghiệp, bạn cần đảm bảo hoàn thành công việc đúng thời hạn đã cam kết. Muốn làm được điều đó, bạn cần sắp xếp công việc một cách khoa học. Bạn có thể học tập phương pháp quản lý theo thứ tự ưu tiên của tổng thống Mỹ thứ 34 Dwight D. Eisenhower. Về cơ bản, bạn chia công việc của mình ra thành 4 cấp độ: P1: Quan trọng, khẩn cấp, P2: Quan trọng, không khẩn cấp, P3: Không quan trọng, khẩn cấp; P4: Không quan trọng, không khẩn cấp. Sự phân chia này sẽ giúp bạn trở thành chuyên gia quản lý thời gian chuyên nghiệp, hiệu quả hơn rất nhiều.
Làm việc nhiều hơn thời gian tối thiểu
Hầu hết các công ty thường quy định một khoảng thời gian làm việc tối thiểu. Tuy nhiên bạn đừng nên chăm chăm xách cặp ra về ngay khi đồng hồ điểm giờ. Một cách để rèn luyện tính chuyên nghiệp là làm việc lâu hơn so với thời gian quy định. Tùy thuộc vào tình hình và mức độ hoàn thành công việc, bạn có thể thu xếp thời gian làm thêm giờ hợp lý. Điều này sẽ để lại ấn tượng với mọi người xung quanh về sự chuyên nghiệp và đam mê công việc của bạn.
Dám chịu trách nhiệm
Nếu bạn mắc lỗi hoặc khi công việc không diễn ra suôn sẻ, đừng phủ nhận sai lầm hoặc đổ lỗi cho người khác. Thay vào đó, hãy dũng cảm nhận trách nhiệm của bạn, bởi nó cho thấy bạn là người có tinh thần “dám làm dám chịu” và sẵn sàng đối mặt với thử thách hay thất bại.
Sử dụng email với chữ ký phù hợp
Email là phương tiện, công cụ hỗ trợ đắc lực để duy trì thông tin liên lạc trong công việc. Đây còn là một hình thức giao tiếp thông dụng mà hiệu quả với cấp trên, đồng nghiệp hay khách hàng nếu được sử dụng đúng cách. Ở dưới cùng của bất kỳ email bạn gửi là chữ ký của bạn. Việc sử dụng chữ ký trong tài khoản email là 1 cách để tạo dấu ấn và phong cách của riêng mình. Trong phần chữ ký này bạn có thể thêm thông tin như họ tên, vị trí công việc, số điện thoại, email, địa chỉ nơi bạn làm việc…