Được tôn sùng như thần dược
Từ lâu người Việt cũng như người dân nhiều nước coi sừng tê giác như một loại thần dược chữa bách bệnh từ ung thư, đái tháo đường, kích dục thậm chí trường thọ…
Theo lưu truyền từ dân gian, người ta cho rằng sử dụng sừng tê giác có tác dụng kích dục, giúp trường thọ và hạ sốt, chữa được ung thư và đái tháo đường.
Theo y học cổ truyền, sừng tê giác có vị chua mặn, tính lạnh, không độc. Sừng tê giác có tác dụng thanh huyết nhiệt giải độc, an thần giảm đau, tăng cường sức khỏe. Chữa trị hôn mê nói nhảm, co giật và các chứng xuất huyết do huyết nhiệt, ung độc, hậu bối... Những người không phải đại nhiệt, không có ôn độc và phụ nữ có thai không được dùng.
|
Sừng tê giác đang được nhiều người coi như thần dược. |
Theo y học cổ truyền, sừng tê giác vị chua mặn, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt, lương huyết, định kinh, giải độc và cầm máu, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như thương hàn ôn dịch, co giật, sốt vàng da, ban chẩn, thổ huyết, chảy máu cam...
Người ta thường mài sừng tê giác trong nước đun sôi để nguội bằng dụng cụ sành sứ ráp cho tới khi nước mài trở thành dịch trắng đục như sữa để uống hay tán thành bột mịn uống mỗi ngày 0,5 đến 1gam, hoặc làm thành viên kèm theo thuốc khác tùy mục đích chữa bệnh.
Cũng chính vì những lý do trên mà sừng tê giác thành món hàng quý được săn lùng, nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu thậm chí tiền tỉ để sở hữu một chiếc sừng tê giác hoặc một vài lạng sừng tê giác trong nhà. Vì thế trong thời gian qua xảy ra hàng loạt vụ việc liên quan tới việc mua bán trái phép món hàng này. Gần nhất là ngày 12/3 vừa qua một lô sừng tê giác và một số mảnh vụn nặng tới 13kg được xác định trị giá tới 15 tỷ đồng lọt nhập lậu qua đường hàng không bị bắt giữ. Trước đó Việt Nam đã nhiều lần bắt giữ các vụ vận chuyển tiêu thụ sừng tê giác ở trong và từ nước ngoài về. Đặc biệt không ít lần phát hiện và bắt một lượng lớn sừng tê giác được người Việt vận chuyển qua đường hàng không.
Đơn cử việc một người đàn ông quốc tịch Việt Nam bị bắt giữ tại sân bay quốc tế Jomo Kenyatta chiều 17-9 vì cố gắng mang 5 chiếc sừng tê giác nặng 20,1kg ra khỏi Kenya. Hay ngày 4/5/2013, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng bắt giữ hơn 7kg sừng tê giác vận chuyển trái phép vào Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 7/1/2013, một người Việt bị phát hiện 27kg sừng tê giác trong hành lý và bị bắt tại sân bay Băng Cốc (Thái Lan). Người đàn ông này bay vào Thái Lan từ Ethiopia và đang chờ lên một chuyến bay khác để tới Hà Nội. Giá trị lô hàng bị bắt lên tới 1,4 triệu USD (khoảng 30 tỷ đồng). Ngày 6/1/2013, một hành khách người Việt Nam, nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng bị bắt giữ với một va li đựng 16kg sừng tê giác trị giá hàng chục tỉ đồng... và liên tiếp nhiều vụ bắt giữ khác.
Mặc dù, theo quy định, sừng tê giác là hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu của danh mục các loài động thực vật hoang dã thuộc quản lý của công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites). Nhưng các vụ vận chuyển tiêu thụ sừng tê giác thường xuyên bị phát hiện bắt giữ là do nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở nước ta rất lớn. Phần lớn người dân thiếu hiểu biết vẫn tin rằng loại sừng này là thần dược có thể trị bách bệnh.
Bộ mặt thật: “Sừng tê giác không khác gì móng tay người”
Tuy nhiên, thực tế bản chất sừng tê giác không phải là thần dược chữa bách bệnh như nhiều người nhầm tưởng mà thành phần của loại sừng đang được mua bán trao đổi với tiền tỉ này lại chỉ có những thành phần, công dụng không khác gì móng tay người.
Theo ông Trần Việt Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV): “Hiện nay vẫn còn nhiều người tin rằng, sừng tê giác có thể giúp giảm sốt, thải độc tố, tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Thậm chí một số người còn cho rằng, sừng tê giác chữa được cả bệnh ung thư. Ở Việt Nam việc sở hữu sừng tê giác còn được xem như cách thể hiện đẳng cấp phô trương sự giàu có hơn người của mình.
|
Bản chất thành phần của sừng tê giác không khác gì móng tay người. |
Nhưng thực tế thì sừng tê giác được cấu tạo chủ yếu từ chất keratin, giống hệt như thành phần trong móng chân, móng tay người. Và hoàn toàn không có tác dụng chữa ung thư hay tăng cường khả năng tình dục như đồn thổi”.
Ông Hưng cũng cho biết thêm: Nhiều nhà khoa học và các phòng thí nghiệm lớn trên thế giới cũng đã nghiên cứu về tác dụng y học, chữa bệnh của sừng tê giác nhưng các thí nghiệm đều chỉ ra rằng sừng tê giác không chứa hoạt chất đặc biệt nào có khả năng chữa bệnh. Sừng tê giác hoàn toàn không có khả năng hạ sốt, chống viêm, giảm đau, hay chống co thắt, cũng như làm lợi tiểu” và thực tế loại sừng được coi như thần dược này cũng hoàn toàn không có tác dụng diệt vi khuẩn gây mưng mủ và những vi khuẩn đường ruột.
Hay như thông tin được GS. Nguyễn Lân Dũng đưa ra tại buổi tọa đàm với các cơ quan truyền thông về quản lý mẫu vật loài hoang dã thuộc các phụ lục CITES GS. Dũng cũng khẳng định: Sừng tê giác không có khả năng chữa được bệnh ung thư như người dân đồn đại. Ngoài ra sừng tê giác không hề có tác dụng giúp cương dương mà nó có tác dụng ngược lại là liệt dương nếu uống nhiều. Bên cạnh đó, sừng tê giác có thể bị nhiễm độc nên có thể gây ra nhiễm độc gan.