Tía tô trị mộng tinh

Google News

(Kiến Thức) - Tía tô có vị cay, tính ấm, đi vào các kinh tâm và phế, làm ra mồ hôi, hạ khí, tiêu đàm, không chỉ có tác dụng trị cảm mạo mà còn có tác dụng an thai, trị mộng tinh....

 
Chữa chứng cảm mạo (hắt hơi sổ mũi, biểu hiện viêm long đường hô hấp trên), bí ra mồ hôi: Lấy lá tía tô tươi từ 15 - 20g, giã nát, sau cho nước sôi khuấy đều, gạn lấy nước uống. Hoặc lấy lá tía tô rửa sạch thái nhỏ sợi, trộn vào cháo ăn nóng, rồi nằm đắp chăn cho ra mồ hôi sẽ khỏi cảm. Khi mồ hôi đã ra cần lưu ý lấy khăn khô lau sạch hết mồ hôi và thay quần áo khác.
Thương hàn ho suyễn: Lấy một nắm lá tía tô cho vào nồi đổ vừa nước nấu sôi chừng 10 phút sau gạn lấy nước uống dần là sẽ dứt cơn suyễn.
Nấc liên hồi: Bỗng dưng thấy mắc chứng liên hồi suốt ngày đêm sau khi mới khỏi bệnh. Tiếng nấc to đến hàng xóm cũng nghe thấy. Theo Nam Dược Thần Hiệu phải lấy ngay 1 lạng (10 đồng cân) tức khoảng 40g (1 đồng cân ứng với 3,75g lấy tròn 4g) hạt tía tô sao qua, tán nhỏ. Sau đó hòa với nước lọc, gạn bỏ bã lấy nước cho gạo tẻ vào đủ nấu nhừ thành cháo và ăn. Cần ăn thường xuyên sẽ khỏi.
Mộng tinh: Mộng tinh do tâm thận suy mà sinh ra. Dùng 100g hạt tía tô tán nhỏ, mỗi lần uống 4g chiêu với rượu trắng, ngày uống 2 lần, sẽ khỏi bệnh.
Dị ứng: Khi dị ứng do ăn hải sản hay tiếp xúc lạnh, lấy ngay 1 nắm lá tía tô rửa sạch giã vắt lấy nước cốt uống, còn bã đắp hay xát lên nơi ngứa dị ứng sẽ khỏi. Lưu ý tránh gió và không được dầm nước.
BS Hoàng Xuân Đại (chuyên gia Bộ Y tế)

Bình luận(0)