Bán tinh vi
Tại TPHCM, bà Phạm Thị Ngọc, chủ đại lý bán hạt rau giống, phân bón, đất trồng trên đường Nguyễn Oanh, Gò Vấp, đưa cho chúng tôi xem loại thuốc kích thích ra rễ, ngoài nhãn mác ghi "siêu ra rễ" dùng cho các loại cây cảnh, cây trồng. Bà Ngọc giới thiệu: "Dùng loại này phun cho hạt rau mầm thì chắc chắn cứ gieo là sống, rễ mọc rất nhanh. Nếu trồng rau mầm cho gia đình ăn thì không nên cho thuốc gì hết, còn trồng rau mầm để kinh doanh thì nên dùng thuốc này, chất lượng lắm! Chỉ với 6.000 - 8.000đ/g hạt rau mầm giá mua sỉ, thu hoạch được khoảng 1,3-1,5kg rau thành phẩm, giá dao động trong khoảng từ 40.000 - 60.000đ/kg".
Ông Trần Trí Mạnh, một chủ nhà vườn khác ở huyện Hóc Môn "bật mí": "Loại thuốc kích thích rau mầm, giá đỗ này được bán tinh vi. Nó có mặt ở một số đại lý bán phân bón, giống rau nhưng phải là khách mối hoặc qua sự giới thiệu quen biết tin tưởng mới mua được. Hiện có loại thuốc nhãn MO, dạng lỏng đóng chai, khi phun vào thì rau, trái lớn nhanh đến chóng mặt.
Với rau mầm thay vì 8 ngày thu hoạch thì chỉ 3 ngày là có thể xuất bán. Còn giá đỗ thì nhanh hơn nhiều. Tuy nhiên, với rau, quả khi phun thuốc này chỉ sau 2 ngày chưa bán được mà bảo quản ở nhiệt độ thường là bị đổ nhớt liền. Còn để trong tủ lạnh thời gian tươi có thể lâu hơn, nhưng biểu hiện dễ nhận thấy nhất là rau quả bị nhớt trước, sau đó mới hỏng".
|
Rau mầm sử dụng thuốc kích thích sẽ mất nước nhanh trong điều kiện khô hoặc nhiệt độ thay đổi. |
Nhà khoa học chưa biết chất gì!
Theo TS Đặng Vũ Thị Thanh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững, Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam, đến nay người trong nghề cũng chưa rõ chất gì để khuyến cáo người dân. Nhưng nhìn chung, với thuốc của Trung Quốc không rõ chất gì, nguồn gốc xuất xứ thì cần thận trọng.
Riêng với thuốc có khả năng giúp rau mầm mọc thêm 2cm trong vòng 4 - 5 giờ, vị chuyên gia này cũng cho hay: Rau mầm vốn dĩ mọc nhanh. Tùy từng loại rau, điều kiện ánh sáng, nhiệt độ thì vài ngày sẽ thu hoạch được. Nhưng để đạt được tốc độ trên thì rất khó. Thậm chí một ngày mọc được 2cm là đã nhanh. Vì thế, thuốc này phải kích thích khá mạnh. Thông thường, các thuốc kích thích cần khuyến cáo thời gian cách ly bởi dư lượng tồn dư.
"Với hàm lượng phun để cây lớn ào ào thì cần thận trọng. Bởi chưa rõ hàm lượng, tồn dư ở mức độ nào nên khó lường được tác hại. Đặc biệt, đối với rau mầm càng nguy cơ cao bởi người dân thường thu hoạch sớm, ăn sống... Trong khi đó, thuốc thế hệ mới có thể phân hủy sau 1 - 2 ngày, nhưng có loại phải đến một tuần sau. Rõ ràng, con người ăn rau này sẽ chịu ảnh hưởng nhất định", TS Đặng Vũ Thị Thanh nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng khoa Khoa Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Nông Lâm TPHCM phân tích: Trên thị trường còn có nhiều loại thuốc kích thích rễ, đọt, tăng trưởng cho cây trồng nhưng công dụng của chúng là dùng cho những loại cây cảnh, cây giống, cây trồng ăn quả triết cành cần nảy rễ nhanh.
Thế nhưng, lợi dụng điều này, người ta lại sử dụng cho thực phẩm là các loại rau xanh ngắn ngày như kích rễ cho rau mầm hay giá đỗ thì rất độc hại. Bởi đây là những thực phẩm ăn sống, thời gian sinh trưởng ngắn, sau vài ngày là có thể ăn, nên thời gian phân hủy hóa chất theo quy định không đúng. Do đó, với những thực phẩm là rau ăn thì tuyệt đối không được dùng. Thực tế trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật dùng cho rau, củ, quả cũng không có loại thuốc kích thích siêu nhanh nào dành cho rau mầm, giá đỗ.
(còn nữa)
Với rau mầm hay giá đỗ bị sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng thì mã ngoài nhìn vẫn cứng cáp, mập, nhưng nó mất nước nhanh trong điều kiện khô, hoặc nhiệt độ thay đổi. Khi nhúng hay ngâm trong nước nó chóng teo tóp.
TS Phan Thế Đồng (nguyên Trưởng khoa Khoa Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Nông Lâm TPHCM)