Những người lạc quan có nhiều cholesterol "tốt" hơn
Những người trung niên lạc quan có nhiều cholesterol "tốt", giúp bảo vệ tim và loại bỏ cholesterol "xấu". Theo các nhà nghiên cứu ở trường Harvard School of Public Health (Mỹ), những người này cũng có nồng độ triglyceride - phân tử chất béo liên quan đến căn bệnh xơ cứng động mạch thấp. Một phần lý do có thể nằm ở chỗ những người lạc quan có xu hướng giữ trọng lượng cơ thể ổn định và tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh.
Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ nghiên cứu Midlife in the United States, bao gồm các cuộc phỏng vấn điện thoại và xét nghiệm tiến hành trên 990 người từ 40 - 70 tuổi. Sau khi phỏng vấn, mức độ lạc quan của đối tượng nghiên cứu được đánh giá theo thang điểm từ 6 - 30 tuỳ thuộc vào mức độ đồng thuận với những câu như "vào thời điểm mà mọi việc chưa rõ rằng, tôi vẫn luôn mong đợi điều tốt đẹp nhất", hoặc tương tự như vậy.
Kết quả, những người có điểm số lạc quan cao có nhiều lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) hơn, mà HDL lại là một dạng cholesterol "tốt" giúp phòng chống bệnh tim. Khi mức độ lạc quan tăng, HDL trong máu cũng tăng lên. Theo các nhà nghiên cứu, lượng tăng HDL tương ứng với 5 điểm trong chỉ số lạc quan sẽ làm giảm 3% nguy cơ bị bệnh tim. Trong khi đó, thường xuyên tập thể dục có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh tim tới 6%. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự liên hệ giữa tinh thần lạc quan với tổng lượng cholesterol, hay với lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) - cholesterol "xấu".
|
Ảnh minh họa. |
Sức khoẻ tâm thần và sức khoẻ thể chất gắn bó chặt chẽ với nhau
Trưởng nhóm nghiên cứu Julia Boeh cho biết: "Nghiên cứu này đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy, sức khoẻ tâm thần và sức khoẻ thể chất của chúng ta gắn bó chặt chẽ với nhau và có thái độ lạc quan với cuộc sống rõ ràng sẽ đem tới những lợi ích sức khoẻ".
Nghiên cứu trước đây của Boehm và các đồng nghiệp đã cho thấy mối liên hệ giữa tinh thần lạc quan và giảm nguy cơ đau tim, vì vậy, họ quyết định tìm hiểu xem liệu có mối liên kết độc lập giữa trạng thái tinh thần và nồng độ cholesterol - yếu tố tác động đến nguy cơ đau tim hay không. Bác sĩ chuyên khoa tim Franz Messerli thuộc Bệnh viện St. Luke's-Roosevelt ở New York (Mỹ) cho biết: "Vẫn chưa thể nhận định rằng tinh thần lạc quan khiến nồng độ cholesterol thay đổi hay cholesterol tác động tới tâm trạng, hoặc cả 2 yếu tố trên đều chịu ảnh hưởng của yếu tố thứ 3".
Các nhà nghiên cứu Harvard đã cố gắng để tính toán các yếu tố ảnh hưởng khác và khi họ tính đến lối sống, bao gồm cả chế độ ăn uống, hấp thụ rượu và trọng lượng cơ thể, mối liên kết giữa tinh thần lạc quan và lượng mỡ trong máu trở nên mờ nhạt. Điều này cho thấy, những người lạc quan có xu hướng tuân thủ lối sống lành mạnh và cân nặng có thể giải thích phần nào sự khác biệt trong lượng mỡ máu.