Su hào tốt cho người béo phì

Google News

Tuy là món ăn khá gần gũi với nhiều người, nhưng ít ai biết đến tác dụng của su hào.

(Kienthuc.net.vn) - Su hào là món ăn quen thuộc và hiện đang là mùa chính. Tuy là món ăn khá gần gũi với nhiều người, nhưng ít ai biết đến tác dụng của loại thực phẩm này.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Đông y, su hào có vị ngọt, tính bình, tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa, ít chất béo có lợi cho người thừa cân, béo phì... Trong 100g su hào ăn được có: Carbohydrat  6,2g; đường 2,6g; chất xơ thực phẩm 3,6g; chất béo 0,1g; protein  1,7g; nước 91g và các chất như selen, axit folic, vitamin C, kali, magiê, đồng. Dưới đây là một số tác dụng của su hào.

Tốt cho người béo phì, muốn giảm cân: Thành phần của su hào có tới 91% là nước và chứa nhiều chất xơ lại ít chất béo. Vì thế, đây là thực phẩm lý tưởng của người béo phì hoặc người muốn giảm cân. Mặt khác, chính vì hàm lượng chất béo hòa tan ít, không có cholesterol nên rất tốt cho tim mạch và hệ tuần hoàn, phòng chống bệnh tim mạch và đột quỵ. Tuy nhiên, đối với những người này chỉ nên ăn su hào luộc, nộm, không nên ăn su hào xào.

Tăng cường hệ miễn dịch: Xét về một loại rau thì su hào là một trong những thực phẩm giàu vitamin C nhất. Một bát su hào sống có chứa lượng vitamin C nhiều hơn 1,4 lần so với nhu cầu cơ thể cần mỗi ngày. Đang là thời tiết giao mùa, cơ thể có khả năng nhiễm một số bệnh do thời tiết như sốt, cảm cúm, ho, viêm họng... bổ sung lượng su hào trong bữa ăn của bạn giúp phần giảm nguy cơ lây nhiễm và tăng cường hệ miễn dịch, tăng khả năng phòng tránh bệnh tật hơn.

Giúp mẹ và thai nhi phát triển tốt hơn: Các vitamin và khoáng chất có trong su hào như selen, axit folic, kali, magiê... giúp bổ sung dưỡng chất cho quá trình mang thai của bạn tốt hơn, hoạt động não bộ, hệ thần kinh của trẻ khoẻ hơn.

Su hào là thực phẩm có thể chế biến được với nhiều cách. Tuy nhiên, nếu ăn sống hàm lượng các chất sẽ cao hơn, nhưng có thể gây đau bụng cho một số người. Vì vậy, để bảo đảm tốt nhất nên luộc, xào, nấu. Mặt khác, khi chọn su hào  nên chọn củ vỏ mỏng, cuống và phần vỏ ở dưới gốc không quá vàng sẽ cho củ già...

TS Lê Thị Thanh Nhạn (Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam)
 

Bình luận(0)