Có nhiều nguyên nhân như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, sinh hoạt, thậm chí là bạo hành gia đình và các bệnh lý mắt khiến bác sĩ buộc lòng chỉ định bỏ mắt. Cuộc sống của bệnh nhân trở nên khó khăn, mặc cảm… Những chuyên gia tạo tác mắt giả đã giúp họ lấy lại tự tin, yêu đời hơn trong cuộc sống…
|
Kỹ thuật viên Phòng Mắt giả, Khoa Tạo hình thẩm mỹ và Thần kinh nhãn khoa, Bệnh viện Mắt TP HCM đang tạo tác “cửa sổ tâm hồn”. |
Bác sĩ ơi, cứu gia đình em!
BSCK II Nguyễn Văn Thịnh, Phó trưởng khoa Chấn thương Mắt, Bệnh viện Mắt TPHCM cho biết: Tai nạn giao thông, tai nạn lao động, sinh hoạt và cả bạo hành gia đình là những nguyên nhân chính gây chấn thương mắt. Trong đó, độ tuổi lao động chiếm phần lớn. Có phụ nữ khi bị chồng đánh đập chấn thương hư cả đôi mắt nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, đến bệnh viện vẫn khai là do tai nạn. Chỉ đến khi lên bàn mổ rồi, mới trải lòng: “Bác sĩ ơi! gắng cứu con mắt cho em, cứu con mắt của em là cứu cả 5 người trong gia đình em!”. Chị ta nghẹn ngào kể, chị làm thợ may và là lao động chính trong gia đình, chồng bị bệnh không làm việc được, 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Do chồng bị bệnh nên rất hay nổi nóng và đánh chị rất dã man. Lần mới đây nhất là anh chồng đã nắm tóc kéo chị xuống, đấm mạnh liên tục vào mặt và dập đầu xuống sàn nhà khiến chị bị chấn thương mắt nặng.
BSCK II Nguyễn Văn Thịnh chia sẻ, nhiều trường hợp bệnh nhân bị chấn thương mắt nặng vỡ toạc cả nhãn cầu, phòi hết tổ chức nội nhãn, mặc dù bác sĩ đã cố gắng cứu chữa nhưng không thể giữ được mắt cho họ. Dù đau lòng lắm, nhưng đành chỉ định cắt bỏ nhãn cầu để tránh bị biến chứng nhãn viêm giao cảm cho mắt còn lại. Khi đó, việc gắn mắt giả dù không nhìn thấy được nhưng là một giải pháp giúp bệnh nhân bớt mặc cảm, tự ti, giúp bệnh nhân dễ dàng hơn trong giao tiếp xã hội, dễ vượt qua nghịch cảnh cuộc đời.
|
Tạo tác “cửa sổ tâm hồn” mang lại niềm vui cho người bệnh. |
Đời tôi được sang trang mới
Có mặt vào buổi sáng tại Phòng Mắt giả, Khoa Tạo hình thẩm mỹ và Thần kinh nhãn khoa, Bệnh viện Mắt TP HCM, chúng tôi có dịp được gặp nhiều bệnh nhân đến đây để tái khám, làm mắt giả, chỉnh mắt giả, thay mắt giả mới. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh nhưng tất cả ở họ đều có niềm vui, niềm hạnh phúc giống nhau đó là bớt mặc cảm, bớt tự ti, hòa nhập cuộc sống vui vẻ hơn...
Anh Nguyễn Viết Th. (36 tuổi, ngụ tại TP Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, anh bị mù từ lúc 2 tuổi do bị dao đâm nhưng do nhà nghèo nên bố mẹ anh đành để cho anh bị như vậy suốt mười mấy năm. Anh mang cái mặc cảm “mắt chột” ấy suốt thời thơ ấu cho đến khi đi học, thậm chí là khi học xong lớp 12 rồi anh vẫn tự ti, mặc cảm, không dám đi thi đại học vì nghĩ về mình bị khiếm khuyết như vậy. Sau đó, do gia đình chuyển vào Vũng Tàu sinh sống và cũng có điều kiện hơn, bố mới đưa anh lên Bệnh viện Mắt TPHCM để khám và đặt mắt giả. Từ ngày gắn được mắt giả, cuộc đời anh đã sang trang mới, anh tự tin đi làm rồi lấy vợ sinh con. Anh đi học tiếp và có công việc ổn định.
Chị Dương Ngọc T. (39 tuổi, thị trấn Sa Rày, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) – mẹ cháu Lý Ngọc V. (15 tuổi, học lớp 10) thì chia sẻ, tuy không nhìn thấy được từ con mắt giả nhưng nhìn hình hài con mình như vậy mình mừng lắm. Thằng nhỏ bị lép nhãn cầu từ trong bụng mẹ. Hồi nhỏ đi học bạn bè xa lánh, không chơi với nó, đi học về là lao vào khóc đòi mẹ phải trả con mắt cho con. Tôi đau lòng lắm, nhưng chẳng biết làm sao. Mãi đến năm 2004 thì tình cờ có đoàn khám mắt từ thiện, cháu được các bác sĩ hướng dẫn lên đây khám và điều trị. Bác sĩ tư vấn cho cháu gắn mắt giả và kể từ đó đến nay, cháu sinh hoạt bình thường và không còn buồn vì thiếu mắt nữa.
Còn có bà cụ L.T.V. (60 tuổi, Nghệ An) thì đưa con mắt giả lên khoe 12 năm rồi mới biết hình dáng cái con mắt giả. 12 năm trước, bà cụ bị bệnh nặng ở con mắt còn lại nên các con bà đưa ra Hà Nội chữa bệnh và được các bác sĩ điều trị ở con mắt bệnh và gắn mắt giả vào bên mắt mù bẩm sinh. Tuy nhiên, do không có điều kiện nên bà không đi tái khám và cũng không biết là hằng tuần phải gỡ mắt giả ra để vệ sinh. Do mắt giả lâu ngày nên phai màu và hay bị rớt ra ngoài nên người nhà đưa vào đây khám lại.
“Làm dâu trăm họ”
KTV Nguyễn Đình Thành, Tổ trưởng Tổ Mắt giả, Phòng Mắt giả, Khoa Tạo hình thẩm mỹ và Thần kinh nhãn khoa, Bệnh viện Mắt TPHCM cho hay, mắt giả được coi là đẹp nếu nó đảm bảo được các điều kiện như cân đối hai bên, màu sắc, độ sâu của mắt giả gần giống mắt thật. Theo BSCK II Nguyễn Văn Thịnh, bệnh nhân khi có chỉ định múc nội nhãn hoặc cắt bỏ nhãn cầu, nếu có nhu cầu gắn mắt giả thì các bác sĩ sẽ đặt bi để thay thế phần thể tích nhãn cầu bị mất trong lúc phẫu thuật và đặt một khuôn mắt giả vào cùng đồ kết mạc để việc đặt mắt giả sau này (khoảng 1 tháng sau mổ) dễ dàng, cân đối, thẩm mỹ tương đối khi so sánh với mắt lành. Có những ca không đặt được mắt giả như cạn cùng đồ thì các bác sĩ phải phẫu thuật ghép niêm mạc môi, ghép da hoặc ghép mỡ bì tự thân... tái tạo cùng đồ để sau này đặt mắt giả. Trường hợp bệnh nhân bị ung thư phải nạo vét hốc mắt, hoặc các trường hợp không thể tái tạo cùng đồ, phòng mắt giả sẽ làm mắt giả có thêm phần mí, lông mi, lông mày giả gắn sau kính đeo. Hiện nay, cả nước chỉ có Bệnh viện Mắt TPHCM là làm được kỹ thuật này.
KTV Trương Thị Thúy Liễu, Tổ Mắt giả, Khoa Tạo hình thẩm mỹ và Thần kinh nhãn khoa cho biết thêm: Tổ mắt giả có 3 người làm việc hơn 20 năm nay, ngày càng cố gắng hoàn thiện hơn những con mắt giả bằng nhiều chất liệu, tốt và đẹp hơn cho bệnh nhân nhưng chúng tôi chẳng khác nào đi làm “dâu trăm họ”. Có nhiều bệnh nhân, khi đã làm mắt giả xong rồi thì lại muốn tạo cho cái mí mắt đầy lên, to hơn, long lanh, chớp chớp... nhưng đó lại là công việc của bác sĩ thẩm mỹ.
Mỗi ngày Phòng Mắt giả, Khoa Tạo hình thẩm mỹ và Thần kinh nhãn khoa, Bệnh viện Mắt TP HCM tiếp nhận khoảng 15 bệnh nhân đến khám (đặt khuôn, chỉnh sửa, làm mắt mới), mỗi tháng có khoảng 40 - 50 ca mắt giả mới. Chi phí hiện nay khoảng 800.000 – 2.000.000đ/con mắt giả, tùy chất liệu.