Những món đồ tuyệt đối cấm dùng chung nơi công sở

Google News

(Kiến Thức) - Tai nghe nhạc, lược, mũ... và nhiều món đồ khác vẫn hay được dân công sở dùng chung, trong khi điều này thực sự nguy hiểm.

Đừng thấy đẹp là mượn 
Đối với nhiều chị em công sở thì việc sử dụng chung đồ trang điểm như son môi, phấn má, chuốt mi... là chuyện bình thường. Không ít trường hợp, khi một nhân viên trong văn phòng khoe có hộp phấn tốt, đánh mịn da mặt là y như rằng nhiều chị em muốn thử. Tương tự, thấy môi khô nẻ, lại quên mất thỏi dưỡng môi ở nhà, không ít chị em chẳng ngại ngần mượn ngay của đồng nghiệp nữ kế bên mà không biết rằng những thói quen xấu này sẽ gây hại.
Chuyên gia Nguyễn Minh Hương, Trung tâm Thẩm mỹ và Chăm sóc da Trúc Lâm (Hà Nội) cho biết, trên da của mỗi người tập trung rất nhiều vi khuẩn, bụi bẩn, mồ hôi, bã nhờn, tế bào chết... mà chúng ta khó có thể thấy bằng mắt thường. Đặc biệt, vùng da quanh mắt và môi đều là vùng da mỏng và nhạy cảm, rất dễ phơi nhiễm khi bị vi khuẩn tấn công. Việc nhiều người cùng dùng một thỏi son, bút kẻ mắt, cây chuốt mi hay kem dưỡng môi... tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại tập trung lên làn da mỏng manh của bạn.
Chuyên gia Nguyễn Minh Hương cũng khuyên: Đồ trang điểm tốt nhất chỉ nên dùng cho riêng mình. Trong trường hợp bắt buộc phải chia sẻ đồ trang điểm, bạn cũng nên áp dụng một vài biện pháp “phòng hộ”. Ví dụ, khi mượn cây son của người khác thì hãy dùng khăn giấy lau đi lớp son phía trên bề mặt hoặc tô trước một lớp ra lòng bàn tay đã rửa sạch với xà phòng diệt khuẩn để “làm sạch” thỏi son rồi hãy bôi lên môi. Một số dụng cụ như miếng lót bông để thoa đều phấn trang điểm hay cây chuốt mi mascara... là những dụng cụ dễ bị bám bẩn nhất nên tuyệt đối không dùng chung.
Nhung mon do tuyet doi cam dung chung noi cong so
Việc dùng chung các dụng cụ sẽ gây ra những hậu quả xấu là điều ai cũng có thể nhìn thấy. 
Nguy cơ nhiễm bệnh vì bộ móng đẹp
Dụng cụ làm móng cũng là món đồ mà nhiều chị em công sở hay mượn của nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng chung dụng cụ làm móng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năm 2014, một cô gái 22 tuổi người Anh đã có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV sau khi dùng chung các dụng cụ làm móng với một người họ hàng. 
TS Brian Foley, thuộc Viện Dữ liệu HIV thuộc Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (Mỹ) cho rằng, trường hợp nhiễm HIV này là khá hiếm gặp và không nên trở thành nỗi sợ đối với cộng đồng bởi HIV không lây nhiễm qua tiếp xúc thông thường, như dùng chung dụng cụ ăn uống, hay uống nước từ cùng một cốc nước. Tuy nhiên, qua trường hợp này, TS Brian Foley cũng nhấn mạnh rằng, người dân cần nâng cao nhận thức về việc chia sẻ, sử dụng chung đồ dùng. Trong đó kim tiêm, dụng cụ làm móng, xăm mình... đều có thể dẫn đến lây nhiễm một số bệnh nguy hiểm.
Đồng quan điểm, BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên cán bộ Bệnh viện 105 cho biết, kìm bấm móng tay, kìm cắt da, đồ giũa bằng kim loại hoặc bằng đá nhám rất dễ làm trầy xước, thậm chí là chảy máu da. Trong khi đó, móng tay, chân lại là nơi vi khuẩn, nấm và nhiều virus gây bệnh, nếu có, hay tập trung. Khi làm móng, lấy khóe, vô tình sẽ khiến vi khuẩn, virus bám lại trên dụng cụ và nếu người làm sau đó không may bị chảy máu thì nguy cơ lây nhiễm là rất lớn. 
Việc dùng chung các dụng cụ sẽ gây ra những hậu quả xấu là điều ai cũng có thể nhìn thấy. Đây cũng chính là lý do ở nhiều nước trên thế giới, người ta có những quy định rất khắt khe đối với việc sử dụng các dụng cụ làm móng tại các trung tâm trang điểm, làm đẹp. Ví dụ, sau khi phục vụ cho mỗi khách hàng, mọi dụng cụ làm móng phải được lau rửa bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc chất tẩy rửa để lấy đi tất cả các chất cáu cặn nhìn thấy được, sau đó khử trùng bằng thuốc khử trùng diệt vi khuẩn, diệt nấm, trong ít nhất là 10 phút. Vì thế, đối với dụng cụ làm móng tốt nhất là không nên dùng chung, thậm chí ngay cả “của ai người đấy dùng” thì cũng cần đảm bảo phải thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ bằng xà bông, cồn... để tránh tình trạng của mình lại gây bệnh cho chính mình.
Ít ai nghĩ rằng, dùng chung tai nghe nhạc cũng lại là một hiểm họa lây nhiễm bệnh. Bởi thực tế những tai nghe nhạc với đầu bông nhỏ xíu được nhét vào lỗ tai lại là nơi chứa nhiều vi khuẩn và ráy tai. Việc dùng chung tai nghe nhạc có thể làm tăng các nguy cơ nhiễm trùng tai. Các đồ dùng như lược, mũ, gối ngủ cũng thường được dân công sở mượn tạm của nhau. Tuy nhiên, các món đồ này đều không nên dùng chung… 
BS Nguyễn Văn Hùng
Huy Khánh

>> xem thêm

Bình luận(0)