Hỏi: Tự nhiên sáng ngủ dậy tôi thấy mình bị liệt một bên mặt, mắt nhắm khó, đi khám được kết luận liệt mặt Bell. Xin hỏi, đó là loại liệt mặt gì? Cách chữa và có khỏi được không? - Nguyễn Thị Thắm (Đống Đa, Hà Nội).
|
Ảnh minh họa. |
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư: Liệt mặt Bell là một chứng bệnh liệt mặt phổ biến mà không rõ nguyên nhân. Bệnh thường thường xuất hiện đột ngột vào buổi sáng, lúc thức dậy bệnh nhân cảm giác tê tê, cứng 1/2 bên mặt, có thể đau (tiên lượng không tốt nếu có đau).
Biểu hiện như người bệnh không thể nhăn trán, rướn lông mày, chúm môi, thổi sáo, không thể nhắm mắt bên liệt (nhằm không kín, khi cố nhắm thì mi trên không đậy được xuống mà ngược lại nhãn cầu ngược lên trên), lòng đen chui vào mí mắt trên... đó là dấu hiệu Cherles Bell (+).
Ở thể nhẹ bệnh nhân có thể nhắm mắt bên liệt nhưng nhắm không chặt và kín hẳn, lông mi bên liệt có vẻ dài hơn. Khi ăn, thức ăn rơi vào rãnh lợi má bên bệnh (do mất trương lực cơ má) làm bệnh nhân nhai khó khăn. Người bệnh bị rối loạn cảm giác như tăng cảm giác vùng da ống tai, cửa tai. Rối loạn vị giác ở 2/3 trước lưỡi. Rối loạn giao cảm như sung huyết màng tiếp hợp mắt, giảm tiết nước mắt và các tuyến nước bọt. Rối loạn phản xạ như mất phản xạ chớp mắt và phản xạ cơ bàn đạp (sợ tiếng động mạnh làm đau tai)...
75% liệt mặt Bell bệnh nhân sẽ hồi phục tự nhiên sau 3 tuần nếu không có thoái hóa thần kinh. 50% bệnh nhân có thoái hóa thì sự thoái hóa sẽ không toàn diện và sẽ có những di chứng đồng vận cơ cứng. Trường hợp không hồi phục thì phải phẫu thuật để giảm áp + châm cứu.