Mỗi ngày BV Mắt TƯ tiếp nhận, điều trị gần 400 ca đau mắt đỏ, nhiều ca nặng do dùng thuốc truyền miệng.
Viêm giác mạc, sốt huyết mắt vì trầu không
Trên nhiều trang mạng đang truyền nhau các “bài thuốc” trị đau mắt đỏ như dùng 2 quả trứng gà luộc lên bóc vỏ lăn lên 2 mắt là hết bệnh đau, hay lấy một nhánh củ gừng và 4 ngọn cây lá mơ gồm thân, lá và hoa, sau khi rửa sạch giã nát lấy nước thấm vào vùng mắt bị đau. Phần bã của chúng dùng để đắp kín vùng mắt.
“Ngoài ra, nhiều người còn truyền nhau các bài thuốc dân gian như rau mùi, hạt cây thì là, khoai tây, mật ong… đắp, rửa mắt. Theo tôi, các bài thuốc đông y không thể chiết xuất thành thuốc tra được. Có chăng đây chỉ là những bài thuốc hỗ trợ. Tuy nhiên, khi đã bị đau mắt đỏ biện pháp tốt nhất là vệ sinh tốt và dùng đúng thuốc theo đơn của bác sĩ”, BS.ThS. Hoàng Cương, Phó trưởng Phòng quản lý khoa học và đào tạo, BV Mắt Trung ương khẳng định.
Tuy nhiên, các thông tin này được nhiều người quan tâm bởi dịch đau mắt đang bùng phát mạnh tại Hà Nội và một số địa phương.
|
Bệnh đau mắt vẫn chưa giảm |
BS.ThS. Hoàng Cương, chia sẻ, trong ngày khám vừa qua bác sĩ khám 84 lượt bệnh nhân thì có tới 24 ca đau mắt đỏ, đặc biệt có một nam thanh niên bị viêm giác mạc đốm, xước, có biểu hiện xuất huyết do dùng lá trầu không chữa đau mắt. Bệnh nhân này bị đau mắt đã gần một tuần nhưng không đỡ, bên cạnh dùng thuốc đã kết hợp cả dùng bã trầu nóng xông. Chỉ sau 1-2 lần xông mắt không đỡ mà còn đỏ lên, hai mắt nhức đỏ như tiết lợn.
Rất may bệnh nhân được điều trị sớm nên không để lại hậu quả nặng, nhưng thời gian điều trị sẽ phải kéo dài khoảng 2 tháng mới khỏi hẳn. Nguyên nhân của ca này do khi xông lá trầu không tinh dầu trong lá trầu nóng làm bỏng. Trong lá trầu không có tinh dầu nóng, khi vừa xông xong người bệnh sẽ có cảm giác dễ chịu, đỡ cộm nên dễ lầm tưởng có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, sau đó mắt sẽ càng phù nề, bệnh càng trở nặng. Nếu không điều trị đúng cách sẽ để lại sẹo vĩnh viễn.
Xông nước muối cũng nguy hiểm
Cũng trong buổi khám, BS.ThS. Hoàng Cương, còn tiếp nhận bệnh nhân bị bỏng mắt do xông nước muối. Nhiều người tự ở nhà xông nước muối thấy cảm giác dễ chịu nên đã truyền nhau. Bệnh nhân này cũng học “bài thuốc “ trên mạng là xông nước muối, vừa đơn giản lại dễ làm. Tuy nhiên, sau khi xông hậu quả gặp phải tương tự trầu không do nước muối pha không đúng tỷ lệ làm bỏng mắt, xuất huyết.
Ca bệnh này không điều trị sớm dễ dẫn đến vỡ mạch, ảnh hưởng đến thị lực. Đúng nguyên tắc, nước muối pha 9g/1lít nước, nhưng ở gia đình nhiều người pha không đúng tỷ lệ.
Bệnh đau mắt thường xuất hiện và kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11. Từ đầu mùa dịch đến nay Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiếp nhận hàng chục ca có những biến chứng do tự dùng thuốc, trong đó có những bài thuốc dân gian.
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội đông y Hà Nội cho rằng, trầu không vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm. Trầu không được xem như là thuốc làm săn da, làm chất kích thích, làm chất lợi nước bọt và xem như có tác dụng dự phòng chống bệnh lỵ và sốt rét. Còn về việc chữa đau mắt thì chưa được kiểm chứng.
Dịch chưa có dấu hiệu chững lại
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu vụ dịch (tháng 7) đến ngày 14/9, chỉ hơn 1.870 ca đau mắt đỏ được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội. Nhưng trong vòng một tuần từ 15/9 đến 21/9, số ca bệnh được phát hiện đã là hơn 4.100, rải đều tại các quận, huyện, thị xã.
Dịch bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) đang có xu hướng gia tăng mạnh do thời tiết chuyển mùa từ nắng nóng sang mưa nhiều, độ ẩm tăng tạo điều kiện thuận lợi cho virus Adenovirus phát triển và gây bệnh. Tại BV Mắt Trung ương, số ca khám vì đau mắt đỏ gần đây tăng rất cao, chiếm khoảng 25%-40% tổng số bệnh nhân.
Ths, BS Hoàng Cương khuyến cáo, đau mắt đỏ lây qua 3 đường chính: hơi thở và nước bọt,
dịch, lây trực tiếp tay – mắt và quan hệ vợ chồng, vì vậy để phòng tránh, cần chặn những đường lây này. Việc nhìn nhau không gây lây truyền đau mắt đỏ. Đau mắt đỏ là bệnh lành tính, khỏi sau 7 đến 10 ngày. Đau mắt đỏ gây dịch dễ lây lan, gần như đã thành thường niên vào mùa thu ở Hà Nội. Hy vọng tiết trời bắt đầu sang thu, hanh khô sẽ đẩy lùi dịch đau mắt.