Hút mụn trên da chỉ làm mặt thêm rỗ!

Google News

(Kiến Thức) - Các chuyên gia khuyến cáo, việc hút mụn vô tình gây hại cho da, làm nhiễm trùng khiến mụn nhiều hơn, da tiết nhờn nhiều hơn và còn nhiễm nhiều bệnh lây nhiễm khác... 

Cắt, nặn, hút mụn bằng ống tre, ống trúc...
Chị Nguyễn Minh Hiếu (quận Phú Nhuận, TPHCM) chỉ vào các nốt rỗ hiện rõ trên da mặt, than thở: "Tôi đã gắng dùng phấn che nhưng vẫn không thể lấp đầy những nốt rỗ, hậu quả của những lần đi hút mụn. Ban đầu trên da mặt nổi vài mụn bọc, mụn mủ gây ngứa mãi không hết, tôi đã đi hút mụn bằng ống tre và hậu quả là thế này". Còn anh Trần Văn Phúc (quận 12) không chỉ đi hút mụn bằng ống tre, mà còn thực hiện hút bằng máy chuyên dụng tại nhiều cơ sở chăm sóc da nhưng mụn thì vẫn mưng lên, các mụn mủ li ti mọc nhiều hơn. 
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên thị trường có nhiều cách hút mụn khác nhau như bằng ống tre, ống trúc và máy chuyên dụng với các liệu trình điều trị mụn. Các trang mạng giới thiệu đủ loại máy hút mụn giá từ vài chục nghìn đồng tới tiền triệu. Nhiều cơ sở chăm sóc da sau khi khách đến hút mụn, đều phải mua kèm theo các loại kem được giới thiệu là dưỡng da, điều trị mụn với giá cả cũng "trên trời". Một cơ sở chăm sóc da trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TPHCM chào hàng: "Hút mụn bằng máy chuyên dụng, giá 500.000đ/lần, khách mua thêm hũ kem dưỡng da của Mỹ giá 1.250.000đ mới có tác dụng tốt cho da sau khi hút mụn...".
Tại mỹ viện chăm sóc da trên đường Sương Nguyệt Ánh (quận 1, TPHCM), nhân viên cho biết, giá hút 300.000đ/lần, hút mụn xong phải dùng "thuốc gia truyền" bôi da, giá 60.000đ/hũ. Cô nhân viên đưa chúng tôi xem hũ nhỏ không nhãn mác, dạng kem mỡ màu trắng trong, hướng dẫn cách dùng "ngày thoa 2 lần sau khi đi hút mụn, lộ trình hút mụn chỉ 3 - 4 lần là khỏi...". Tại đây, chúng tôi gặp anh P.K.T. là khách hàng, với khuôn mặt chi chít mụn đỏ lừ, anh T. cho biết: "Tôi đi hút 3 lần rồi mà không thấy đỡ hơn chút nào, cứ hết đợt điều trị mụn lại mọc đầy, ngứa ngáy. Lỡ theo rồi thì hút thêm lần này nữa xem thế nào...".
 
Gây rỗ mặt, hỏng da
BS Nguyễn Quốc Việt, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Chỉnh hình & Phục hồi chức năng TPHCM cho rằng, liệu trình điều trị mụn phải kết hợp nhiều vấn đề, nguyên nhân gây mụn do chân lông rộng, mặt nhiều nhờn, do ảnh hưởng nội tiết. Mụn trên da lại phân thành nhiều loại như mụn bọc, mụn cám, mụn đầu đen nhưng nếu vào dịch vụ chăm sóc da là cắt, nặn, hút. 
Việc rộ lên dịch vụ giới thiệu các loại thiết bị được cho là hút mụn thực ra là đánh lừa cảm giác mụn được hút sạch cả chân, với loại mụn được chỉ định phải hút thì đều phải cắt, nặn, sau đó mới hút. Khâu này chỉ là hút các máu bầm, mủ, còn đọng lại. Chưa có loại máy móc, thiết bị nào hút được hết mụn, chỉ là hút mụn cám - loại này không cần tới máy móc. 
Sau hút mụn da bị rỗ, những chân mụn lại tiếp tục sưng tấy. 
Các chuyên gia da liễu đều khẳng định, hút mụn bằng máy hay ống tre đều là tạo áp lực hút. Ống trúc, ống tre được nung nóng, sau đó đưa ống nóng vào hút máu mủ dư còn lại trên mụn khi đã cắt, nặn, nếu không cẩn thận gây bỏng da, tạo viêm, nhiễm trùng. Việc nặn, cắt mụn thủ công không đúng, không đảm bảo vệ sinh sẽ gây nhiễm trùng da. Điệp khúc cắt, nặn, hút, nhiễm trùng nhiều lần làm mất mô da gây sẹo, rỗ mặt. 
Hiện tại, nhiều trung tâm thẩm mỹ thực hiện thủ thuật hút mụn chủ yếu là bán mỹ phẩm dưỡng da, điều trị mụn... Trong đó, có loại kem làm trắng da tức thời, gây bít lỗ chân lông, có loại chứa corticor, dexa khiến người dùng chỉ trong thời gian ngắn có cảm giác khỏi mụn nhưng sau đó da lại nổi mụn nhiều hơn và gây nám. Mặt khác, tay nghề đội ngũ nhân viên không được kiểm soát, việc thực hiện các khâu vô trùng thiết bị, dụng cụ trong điều trị nặn, hút mụn khó mà đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật tiệt trùng, nên việc lây nhiễm các  bệnh như HIV, viêm gan siêu vi, viêm nhiễm là khó tránh khỏi.
Việc hút mụn hay lấy nhân mụn chỉ là một giải pháp tức thời, không giúp da hết mụn vì thực tế các nguyên nhân gây mụn vẫn chưa được giải quyết triệt để. Biện pháp này chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ điều trị trong một số ít trường hợp với mục đích giải quyết sự tắc nghẽn của các ống tuyến bã tạm thời. Nên thực hiện việc lấy nhân mụn trong những điều kiện y tế đảm bảo điều kiện vệ sinh tốt, vô trùng và sử dụng thuốc kháng sinh chống sẹo rỗ sau này. 
BS Trần Thanh Hoài (Chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Chỉnh hình & Phục hồi chức năng)
Hương Nguyên

Bình luận(0)