Nghe nói trứng kiến gai đen bổ dưỡng, chữa được nhiều loại bệnh nan y nên nhiều người bỏ tiền triệu săn lùng tìm mua. Chỉ cần một lệnh tìm kiếm trên mạng, các quảng cáo về trứng kiến gai đen hiện ra nhan nhản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dùng trứng kiến gai đen làm thực phẩm rất dễ ngộ độc.
Trứng kiến “cải lão hoàn đồng”
“Cơn sốt” đặc sản trứng kiến gai đen khiến không ít chị em rỉ tai nhau tìm mua bằng được. Theo các quảng cáo, trứng kiến gai đen có công dụng tăng cường “bản lĩnh đàn ông”, giảm stress, nhiều chất dinh dưỡng cho trẻ em... Chính vì những lời quảng cáo như “thần dược” trên không ít người tiêu dùng đã không ngại bỏ tiền triệu ra để mong có được một lượng trứng kiến ít ỏi. Tìm hiểu về trứng kiến gai đen trên mạng, hàng loạt các quảng cáo hiện ra với những tác dụng đầy “mùi mẫn”. Theo đó, trứng kiến gai đen ở miền Bắc hiện nay đang vào mùa nhưng số lượng cũng không có nhiều nên giá thành mỗi 1kg trứng kiến dao động khoảng 600.000 – 800.000đ/kg.
Một nhân viên tiếp thị bán trứng kiến khẳng định: “Kiến gai đen và trứng kiến gai đen của chúng tôi đảm bảo 100% tự nhiên, không có chất bảo quản... Kiến gai đen và trứng kiến gai đen chủ yếu được dùng: Làm thực phẩm, tăng cường trí nhớ, chống trầm cảm, đẹp da, đen và bóng tóc, ngâm rượu làm đồ uống, trợ gan, bổ thận, tăng cường sinh lý, nguyên liệu sản xuất thuốc tân dược...”. Trứng kiến gai đen có nguồn gốc từ các tỉnh miền núi phía Bắc.
GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, công nghệ nuôi trứng kiến gai đen là của Trung Quốc. Trước đây có một người định nhập công nghệ này về nhưng do đây là sinh vật ngoại lai nên không được phép. Trứng kiến gai đen trong tự nhiên có tồn tại ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, nhưng chắc chắn là không nhiều. Về tác dụng thì hiện ở Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về loại trứng kiến này. Ở Trung Quốc thì họ quảng cáo trứng kiến gai đen giúp cải lão hoàn đồng, ông già ăn trứng kiến sẽ mọc răng như đứa trẻ. Tất nhiên chưa có kiểm chứng nào cho những tác dụng thần kỳ ấy.
Nhầm lẫn trứng kiến và tổ ngạt
Cũng theo GS Bùi Công Hiển, nhiều người nhầm lẫn loại trứng kiến này với tổ ngạt. Chúng thường làm tổ trên các cành cây cao và đẻ trứng vào mùa tháng 3. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của người làm nông thì loại kiến này không hề tốt cho cây trồng, đăc biệt là cây ăn quả, nên khi thấy chúng làm tổ là người ta thường phá bỏ. Trứng kiến gai đen thực sự sống ở các vùng có sông suối, trong các khe, vách núi.
Ở Việt Nam, đã từng có những chuyên gia về kiến nuôi nhân tạo loài kiến này nhưng không thể nuôi được. Vì thế, trong tự nhiên Việt Nam có thể có trứng kiến gai đen, nhưng chắc chắn không nhiều đến hàng tạ được. Việc nhận biết trứng kiến gai đen đã khó, việc sử dụng cũng không dễ dàng gì. Nếu không cẩn thận, dùng trứng kiến gai đen lẫn những ấu trùng thì có thể còn gây thêm bệnh.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm cho biết, tính đến thời điểm này chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu về tính chất dược lý của trứng kiến. Vì thế, tốt nhất là không nên dùng trứng kiến để chữa bệnh hoặc bồi bổ vì chưa có cơ sở khoa học. Ngoài ra, trong trứng kiến gai đen có những thành phần protein lạ nên người dùng có thể bị dị ứng như arginin, prolin, histidin... Đây là các protein tốt, nhưng mỗi người lại có thể dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào. Ngoài ra, kiến là loài côn trùng sống ở nhiều môi trường khác nhau, trong đó, có ở nơi ẩm ướt vùng rừng núi, nên có thể chứa rất nhiều ký sinh trùng, vi khuẩn có hại.
Về cơ bản, thức ăn từ côn trùng có nhiều giá trị vì chứa nhiều amino axit là các đạm dễ phân giải, nhưng hiện các nhà khoa học cũng chưa thể tìm ra nơi nào chắc chắn có trứng kiến gai đen, nên người tiêu dùng hãy cẩn trọng.
Theo GS Bùi Công Hiển, trứng kiến có một số công dụng nhất định, nhưng không phải loại trứng kiến nào cũng sử dụng để chế biến thực phẩm. Trứng kiến thực chất là ấu trùng kiến, có tỷ lệ đạm rất cao, nhiều chất bổ, tuy nhiên một số người ăn có thể bị dị ứng. Cũng có những loại trứng kiến độc khi ăn vào sẽ gây hại đến sức khoẻ con người.