Hiện nay, bệnh sởi đã xuất hiện trở lại ở một số tỉnh phía bắc và Hà Nội, khiến không ít các bà mẹ lo lắng. Trước những diễn biến phức tạp tình hình dịch bệnh trên, phóng viên Kiến Thức đã tiến hành khảo sát một số bệnh viện hiện đang điều trị cho các bệnh nhân bị sởi.
Dịch sởi đang là mối đe doạ với trẻ nhỏ
Tại bệnh viện Nhi Trung ương, theo ghi nhận của phóng viên, hiện còn rất nhiều trẻ phải điều trị tại bệnh viện. Theo BS. Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, trong năm 2013, bệnh viện có tiếp nhận một số bệnh nhi bị sởi những số lượng không đáng kể. Riêng 2 tháng đầu năm 2014 dịch sởi đã bùng phát lại. Trong tháng 1/2014, có 67 trẻ phải nhập viện vì sởi có biến chứng. Đặc biệt, trong mấy ngày đầu tháng 2/2014 số bệnh nhân tăng vọt, đã có 80 cháu bị mắc. Bệnh nhân tập trung nhiều nhất ở Hà Nội, tiếp đến là Yên Bái, Phú Thọ, Nam Định…
Còn tại Bệnh viện Xanh Pôn, theo ghi nhận của phóng viên Kiến thức, Khoa Nhi Tổng hợp bệnh viện này đã dành riêng 4 phòng bệnh để điều trị cho các bệnh nhi bị sởi. Trong đó, có một phòng dành cho những bệnh nhân bị sởi nặng, có biến chứng.
|
Ths.BS Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, BV Xanh Pôn đang khám cho một bệnh nhi mắc sởi |
Trả lời Kiến thức, Ths.BS Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: “Trong suốt một tháng qua, Khoa đã cấp cứu và tiếp nhận 110 ca mắc sởi và nghi mắc sởi. Trong đó có ca nhỏ tuổi nhất là 1,5 tháng tuổi, bệnh nhi nhiều tuổi nhất là 15 tuổi. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, đã có trường hợp phụ huynh chăm con bị cũng bị lây và mắc sởi”.
“Trong số các ca mắc sởi, hầu hết là các cháu dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm phòng. Tại bệnh viện chỉ mới tiếp nhận 4 ca đã tiêm phòng nhưng vẫn mắc sởi”, BS. Thường cho biết thêm.
Để đề phòng và cứu chữa kịp thời, bác sĩ Thường khuyến cáo, khi trẻ có dấu hiệu của bệnh sởi như sốt, ban đỏ lan dần từ mặt xuống người …thì các bà mẹ phải đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Sởi tuy là bệnh lành tính những cũng có những biến chứng nguy hiểm. “Tại bệnh viện Xanh Pôn, ngày cuối cùng của năm 2013 (ÂL) đã tiếp nhận một bệnh nhi nhỏ tuổi bị sởi sau đó biến chứng viêm não rất nguy hiểm, chúng tôi không nghĩ là cháu bé còn sống sót. Nhưng cho đến giờ này, chúng tôi đã tạm yên tâm về sức khoẻ của cháu”, BS Thường cho biết.
Theo BS. Thường, đối với những bệnh nhi chưa đến tuổi tiêm phòng sởi, thì cách tốt nhất là chăm sóc tốt cho cả mẹ và con để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Còn xa hơn nữa là bà mẹ nên đi khám hoặc tiêm phòng sởi trước 2 tháng khi muốn có bầu để khi mang bầu và chăm con hệ miễn dịch với virus sởi sẽ được truyền từ mẹ sang con.
Chung quy cũng tại vắc xin
Trước tình hình bệnh sởi đang hành hoành, phóng viên Kiến thức đã tiếp cận một số phụ huynh đang chăm sóc con ở các bệnh viện. Khi hỏi về việc tại sao không đưa con đi tiêm phòng sởi, thì đa số các bà mẹ đều cho rằng: “Chung quy cũng tại vắc xin”.
Gia đình anh Vũ Anh Tuyến (Long Biên) đang chăm sóc con mắc sởi tại bệnh viện cho biết: “ Gia đình đưa cháu nhập viện vì mắc sởi đúng dịp Tết, hiện cháu đã đỡ và chuẩn bị xuất viện. Trước đó cháu chưa hề được tiêm phòng sởi”.
|
Vợ và con anh Vũ Anh Tuyến tại Bệnh viện Xanh Pôn |
Khi hỏi lý do vì sao không tiêm sởi thì gia đình anh Tuyền giải thích: “Chung quy lại vẫn là do vắc xin, khi cháu sinh ra thì có hàng loạt vụ tử vong do tiêm vắc xin, đến khi đủ tuổi tiêm thì lại có vụ ăn bớt vắc xin ở Trung tâm y tế dự phòng. Là cha, là mẹ khi nghe đến những sự việc đó ai chẳng chột dạ”.
Vợ anh Tuyến chia sẻ thêm: “Những loại vắc xin khác chúng tôi vẫn tiêm cho cháu bình thường, nhưng tôi thấy rất lạ. Bình thường khi tiêm xong vắc xin cháu phải có biểu hiện sốt. Nhưng cháu nhà tôi không có bất kể biểu hiện gì. Phải chăng có sự ăn bớt vắc xin chăng!?”.
Khác với gia đình anh Tuyến, chị Liên (Hoàng Mai – Hà Nội) chia sẻ: “Đa số bệnh nhi ở đây chưa tiêm phòng mới mắc sởi, nhưng tôi đã cho cháu đi tiềm phòng đầy đủ mà vẫn mắc sởi. Phải chăng chất lựợng vắc xin có vấn đề. Mà tôi tiêm dịch vụ ở Lò Đúc hẳn hoi chứ có phải là ở trung tâm y tế Phường đâu”.
Về vấn đề này, BS Thường cho hay, tỷ lệ trẻ đã tiêm phòng sởi mà vẫn bị sởi là rất hãn hữu, nhưng hoàn toàn vẫn có thể xảy ra. Nguyên nhân có thể là do sức đề kháng của cháu bé quá yếu.