Chữa bệnh như nhau thì mới mong hết vượt tuyến

Google News

(Kiến Thức) - Theo Bộ Trưởng Y tế, thuốc chữa bệnh mọi tuyến phải như nhau thì mới mong hết vượt tuyến.

Sau khi hỏi chuyện các bệnh nhân đang đứng ngồi chờ khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ trưởng Bộ Y tế lắc đầu vì tới gần phân nửa là các bệnh nhân vượt tuyến chỉ để khám nhức đầu, cảm cúm…Tuy nhiên, do thuốc của tuyến trên luôn “tốt” hơn nên người bệnh vẫn mê… quá tải để được nhận thuốc điều trị tốt hơn tuyến dưới.
GS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ Trưởng Bộ Y tế hỏi thăm các bệnh nhân về chất lượng khám chữa bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM sáng ngày 7/7.
Gần một nửa là bệnh nhân vượt tuyến
Sáng ngày 7/7, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cùng với các lãnh đạo ngành y tế đi thị sát tình hình quá tải trong các khâu khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM. Điểm nóng của vấn đề quá tải được Tư lệnh ngành Y tế đặc biệt quan tâm là Bệnh viện Chợ Rẫy.
Dù đã chứng kiến cảnh quá tải nhiều lần nhưng Bộ Trưởng Y tế vẫn phải lắc đầu khi nhìn thấy bệnh nhân chờ khám quá đông, đông tới mức bệnh viện phải bố trí ghế nhựa mà vẫn không tránh khỏi có trường hợp ngồi bệt dưới đất, tràn ra lối đi lại. Để đi từ khu chờ lấy số thứ tự khám bệnh tới nơi khám bệnh trên lầu một, Bộ Trưởng Bộ Y tế cũng như bao người khác, chen chân tới toát mồ hôi. Sau khi hỏi thăm một số bệnh nhân, Bộ Trưởng Tiến biết đa phần họ đều vượt tuyến. Và chính tình trạng vượt tuyến đã gây ra quá tải mà không cách nào giải quyết nổi.
GS Kim Tiến chia sẻ với với Ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy: “Tôi hỏi một bệnh nhân, bác này cho biết mình sáng sớm bắt xe từ tận Tây Ninh lên đây khám bệnh. Mà bệnh gì, bệnh nhức đầu. Bệnh nhân kể cũng chưa hề khám ở địa phương, mà lên thẳng Chợ Rẫy luôn vì thích và tin tưởng Bệnh viện Chợ Rẫy hơn. Trên thực tế, bệnh nhân thực sự đi khám bệnh không đông tới thế đâu. Cứ một bệnh nhân vượt tuyến lại kèm theo một thân nhân. Đấy, quá tải là ở đó đấy!”.
Theo Bộ Trưởng Tiến, Giảm tải ở Bệnh viện Chợ Rẫy hiện nay đang là vấn đề khó nhất, khó hơn cả ở các bệnh viện ngoài miền Bắc. Chẳng hạn như tại Hà Nội, Bệnh viên Ung bướu đã giải quyết được vấn đề giảm tải, xây dựng, nâng cấp được thêm 1000 giường, hay Bệnh viện Nội tiết cơ sở 2 và một số bệnh viện nữa thực hiện giảm tải rất tốt.
Tuy nhiên, Bệnh viện Chợ Rẫy, sở hữu một kiến trúc từ trước Giải phóng, quy mô chỉ 700 giường. Sau này Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã cố gắng nâng cấp lên thành 2000 giường nhưng điều kiện vô cùng khó khăn bởi quỹ đất chật hẹp, không còn chỗ cơi nới nữa, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày một tăng.
Thuốc bệnh nhân BHYT phải như nhau
Bộ trưởng Tiến cho rằng, cần có cách xử lý từ căn nguyên. Đó là thuốc phát cho bệnh nhân bảo hiểm y tế chữa các bệnh về nội khoa phải như nhau ở tất cả các tuyến, phác đồ điều trị cũng phải giống nhau, chỉ khác nhau về kỹ thuật. Bộ trưởng chia sẻ thêm, các bệnh nhân phản ánh cũng là bênh đau dạ dày nhưng ở tuyến dưới cho thuốc không giống bệnh viện tuyến trên. Lên tuyến trên khám chúng tôi được hưởng thuốc tốt hơn, tội gì lại khám ở địa phương. Nếu thuốc ở đâu cũng như nhau thì bệnh nhân sẽ không vượt tuyến nữa.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, chỉ riêng sáng ngày 7/7, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có tới 3000 bệnh nhân đăng ký khám bệnh. Hiện nay, Bệnh viện Chợ Rẫy có 55 buồng khám bệnh, với 93 bàn khám bệnh, tăng thêm 15 bàn so với năm 2013. Nhờ vậy mà thời gian chờ đợi của bệnh nhân cũng giảm xuống 1/3 so với trước.
Tuy nhiên, PGS Trường Sơn cũng bức xúc một thủ tục vô cùng lằng nhằng, rắc rối, đó là quy định bệnh nhân chuyển viện diện bảo hiểm y tế phải photocopy cả chục tờ giấy chuyển viện. Trong khi đó, bệnh nhân khi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy thường không photo sẵn, vào bệnh viện mới đi photo, thế là lại thêm một lần phải xếp hàng.
Thông thống kê từ Bệnh viện Chợ Rẫy, tính từ đầu năm tới nay, lượng bệnh nhân tới điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy không giảm mà còn tăng nhẹ. Bệnh viện đã phải bố trí thêm 600 băng ca ra ngoài hành lang để tránh tình trạng nằm ghép. Dù thế vẫn có 15,8% bệnh nhân vẫn phải nằm ghép. Trang thiết bị và phòng mổ tại bệnh viện cũng bị quá tải nên các ca mổ theo chương trình (mổ không tính phí dịch vụ) sau cả 16 h mà các bác sĩ vẫn phải mổ.
Bùi Hương

Bình luận(0)