Theo Đông y, chè vằng có vị đắng, tính mát vào hai kinh tâm, tỳ, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, khu phong, hoạt huyết, tiêu viêm.
- Ông Cao Thăng (Thanh Hóa) và nhiều bạn đọc khác đã gửi thư đến tòa soạn hỏi về cây chè vằng ở miền Trung cùng tác dụng chữa bệnh, nhất là có chữa được u tiền liệt tuyến và gút.
Cây chè vằng, còn có tên vằng lá nhỏ, vằng sẻ, râm trắng, râm ri, lài ba gân, tên khoa học là Jasminum subtriplinerve Blume, họ nhài (Oleaceae). Cây này mọc hoang ở vùng núi và trung du các tỉnh phía Bắc và miền Trung.
Đây là cây bụi nhỏ, cành nhẵn. Lá mọc đối, nhẵn bóng, hình bầu dục hoặc hình ngọn giáo, dài 4 - 7,5cm, rộng 2 - 4,5cm, gốc lá tù hay tròn, mũi nhọn, 3 gân chính toả từ gốc. Lá chè vằng chứa alcaloid, nhựa, các terpen glycosid và flavonoid.
|
Cây chè vằng. |
Theo Đông y, chè vằng có vị đắng, tính mát vào hai kinh tâm, tỳ. Chè vằng có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, khu phong, hoạt huyết, tiêu viêm. Nó được dùng để kích thích ăn ngon miệng, tăng tiết sữa cho phụ nữ sau khi sinh, trị nhiễm khuẩn, viêm hạch bạch huyết, viêm tử cung, viêm tuyến sữa, phụ nữ kinh nguyệt không đều, bế kinh hoặc thấy kinh đau bụng, khí hư.
Ngoài ra, chè vằng cũng dùng chữa phong thấp, đau nhức các khớp xương, chữa ghẻ lở, chốc đầu và các bệnh ngoài da. Ngày dùng 20 - 30g cành lá sắc uống. Lá tươi dùng nấu nước tắm trị ghẻ ngứa, hoặc giã nhỏ đắp trị lở, chốc đầu.
Chè vằng được thu hái và buôn bán phổ biến ở các tỉnh miền Trung, chủ yếu được dùng trong dân gian. Tác dụng chữa u tiến tuyền liệt và bệnh gút mà ông hỏi chưa được ghi nhận. Cần chú ý, loài vằng núi hay nhài núi (Jasminum arborescens Roxb) không dùng làm thuốc. Tránh dùng nhầm lẫn với cây lá ngón (lá gần giống chè vằng nhưng hoa màu vàng), rất độc, chết người.
PGS.TSKH Trần Công Khánh
[links()]